Sáng nay 9/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo), đã chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban chỉ đạo với các địa phương.
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình dịch bệnh trong 2 tuần vừa qua, những việc đã làm được, chưa làm được, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm. Đồng thời, dự báo tình hình sắp tới, xác định nhiệm vụ, giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất toàn quốc trong phòng chống dịch, tiếp tục định hướng công việc trong những tuần tới. Đây là thời điểm hết sức quan trọng, nhất là sau Hội nghị Trung ương 4 đã bàn rất kỹ, thảo luận rất sôi nổi về công tác phòng chống dịch.
Thủ tướng chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 (Ảnh: Nhật Bắc)
Theo báo cáo của Bộ Y tế (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo), từ ngày 25/9 đến 8/10, số ca mắc trong cộng đồng giảm 44,7% so với 2 tuần trước, giảm 47,3% so với 1 tuần trước đó.
Đến nay, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã kiểm soát được tình hình. Tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt.
Tuy nhiên, Bộ Y tế đánh giá tình hình dịch bệnh trong nước vẫn diễn biến khó lường; nguy cơ dịch bệnh gia tăng và bùng phát trở lại có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào, nhất là thời gian qua đã có số lượng lớn người dân di chuyển về quê từ các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đợt dịch tiếp theo.
Theo báo cáo sơ bộ, từ ngày 1/10 đến nay, tại 43 tỉnh, thành phố đã ghi nhận khoảng 180.000 người trở về địa phương, trong đó có 1.031 người xét nghiệm dương tính.
Tính đến 8/10, cả nước đã tiêm được khoảng 51,4 triệu liều vắc-xin, trong đó khoảng 23,8 triệu người đã tiêm 1 liều vắc-xin và 13,8 triệu người tiêm đủ 2 liều vắc-xin. Tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin là 52,3% dân số từ 18 tuổi trở lên. Có 8/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin trên 70% dân số từ 18 tuổi trở lên gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Đà Nẵng.
Theo Bộ Y tế, tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đến nay, đã hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 cho gần 19 triệu đối tượng (trong đó gồm 379.610 đơn vị sử dụng lao động, gần 18,68 triệu người lao động và các đối tượng khác) với tổng kinh phí trên 15.800 tỉ đồng. Các cấp công đoàn hỗ trợ trên 5.100 tỉ đồng hỗ trợ đoàn viên, người lao động trên toàn quốc.
Thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho trên 4.500 người lao động với kinh phí trên 13,1 tỉ đồng, trên 320.000 đơn vị sử dụng lao động với kinh phí gần 7.500 tỉ đồng. Hỗ trợ trên 136.000 tấn gạo cho trên 9 triệu người tại 30 tỉnh, thành phố.
Đáng chú ý, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với 25 tỉnh, thành phố hỗ trợ khoảng 7 tỉ đồng cho 1.406 trẻ em mồ côi do Covid-19. Theo báo cáo của 47 địa phương, có 1.607 trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó có 133 trẻ em dưới 5 tuổi; riêng TP.HCM có 940 trẻ em mồ côi.
Về các biện pháp trong thời gian tới, Bộ Y tế cho rằng, cần tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả việc khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm và điều trị phù hợp với diễn biến dịch bệnh tại từng địa bàn trên phạm vi hẹp nhất có thể.
Về vấn đề tổ chức cho người dân về quê theo nguyện vọng, Bộ Y tế đề nghị tăng cường tuyên truyền, vận động, bảo đảm an sinh, tiêm chủng vắc-xin, an ninh trật tự xã hội để người dân yên tâm ở lại.
Đồng thời, các địa phương liên quan trao đổi, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để tổ chức, hỗ trợ, đưa đón người dân có nhu cầu về quê bảo đảm an ninh, an toàn, an sinh cho người dân trong quá trình di chuyển và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tránh gây bức xúc trong nhân dân. Các tỉnh, thành phố tiếp nhận người về tổ chức thực hiện việc cách ly và xét nghiệm cho người dân theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Về hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn để xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, từng bước nới lỏng, mở cửa đối với các hoạt động đi lại, giao thông, sản xuất, giáo dục, du lịch, dịch vụ… với lộ trình cụ thể, khả thi.
Tiếp tục thúc đẩy việc giao vắc-xin đúng tiến độ và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 toàn quốc, ưu tiên tiêm cho nhóm từ 65 tuổi trở lên; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết để bảo đảm việc tiêm chủng vắc-xin khi số lượng vắc-xin về nhiều.
Các địa phương thống nhất về đi lại liên tỉnh bằng các phương tiện của cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; từng bước mở dần các hoạt động vận tải hành khách công cộng (đường không, đường sắt, đường bộ) trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Cùng với đó là tiếp tục rà soát, ban hành và triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động; triển khai chương trình phục hồi và ổn định thị trường lao động, trọng tâm là các chính sách quan tâm, hỗ trợ người lao động, thu hút lao động quay trở lại làm việc, từng bước khôi phục và đẩy mạnh sản xuất. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường giám sát, theo dõi, hỗ trợ, chủ động hướng dẫn, xử lý các vướng mắc liên quan để tạo thuận lợi cho công nhân, người lao động.
Khẩn trương hoàn thiện ứng dụng PC-COVID
Đến nay, ứng dụng PC-COVID đã ghi nhận trên 25 triệu điện thoại thông minh cài đặt, chiếm 38% tổng số điện thoại thông minh toàn quốc. Bộ Y tế đề nghị tiếp tục khẩn trương hoàn thiện ứng dụng PC-COVID để sớm thống nhất sử dụng tạo tiện lợi và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của người dân.