171,3 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới, 21 ca lây nhiễm không triệu chứng ở Quảng Châu

P.V, Theo VTV News 08:57 01/06/2021
Chia sẻ

Tính đến sáng nay, thế giới ghi nhận tổng cộng 171,3 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 3,5 triệu trường hợp tử vong. Dịch bệnh tại Trung Quốc đang diễn biến phức tạp.

Trong 24 giờ qua, số ca mắc của thế giới tăng 340.487 ca, tử vong tăng 7.357 ca. Số ca mắc mới và tử vong trong tuần qua giảm rất nhiều.

Trong 24 giờ qua, châu Âu tăng 31.860 ca; Bắc Mỹ tăng 10.502; Nam Mỹ tăng 90.581 ca; châu Á tăng 201.698 ca; châu Phi tăng 5.778 ca; châu Đại Dương tăng 102 ca.

Tại Đông Nam Á, trong ngày ghi nhận 25.466 ca, trong đó: Malaysia tăng 6.824 ca, Philippines tăng 6.684 ca, Indonesia tăng 5.662 ca, Thái Lan tăng 5.485 ca, Campuchia tăng 690 ca, Đông Timor tăng 97 ca, Singapore tăng 23 ca, Lào tăng 1 ca.

Thành phố Quảng Châu ghi nhận 21 ca lây nhiễm không triệu chứng

Thành phố Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông (miền Nam Trung Quốc) đang phải nỗ lực ngăn chặn biến thể virus SAR-CoV-2 từ Ấn Độ. Ngày 30/5, cơ quan y tế tỉnh ghi nhận 21 ca lây nhiễm tại địa phương không có triệu chứng. Kết quả giải mã trình tự gene cho thấy toàn bộ các bệnh nhân đều nhiễm biến thể virus ở Ấn Độ. Theo thông báo mới nhất của cơ quan y tế Quảng Châu, bắt đầu từ 22h ngày 31/5, hành khách rời Quảng Châu phải xuất trình kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính được thực hiện trong vòng 72 giờ. Những nơi có người nhiễm bệnh đã được yêu cầu dừng tất cả các hoạt động không cần thiết.

Số ca nhiễm mới COVID-19 tại Ấn Độ giảm

24 giờ qua Ấn Độ ghi nhận hơn 150 nghìn ca nhiễm mới, tuy vậy đây vẫn là mức thấp nhất trong 50 ngày trở lại đây, cho thấy xu hướng số ca nhiễm mới COVID-19 tại Ấn Độ đang tiếp tục giảm. Tỷ lệ kết quả xét nghiệm dương tính tiếp tục ở mức dưới 10% trong ngày thứ 7 liên tiếp.

171,3 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới, 21 ca lây nhiễm không triệu chứng ở Quảng Châu - Ảnh 1.

Người dân tại làng Debipur, bang Tây Bengal, Ấn Độ, nhận thuốc từ nhân viên y tế ngày 21/5 trong đại dịch COVID-19 (Ảnh: Reuters)

Những con số khả quan này có được một phần là nhờ chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Ấn Độ. Đến nay, nước này đã tiêm được tổng cộng trên 213 triệu liều - chỉ sau Trung Quốc và Mỹ.

Chính phủ Ấn Độ cũng khẳng định trong tháng 6, quốc gia này sẽ có gần 120 triệu liều vaccine để dùng trong nước. Như vậy, tổng số liều vaccine tại Ấn Độ sẽ tăng mạnh so với mức 79,4 triệu liều trong tháng 5.

Ngày đầu tiên Lào không ghi nhận ca nhiễm mới

31/5 là ngày đầu tiên Lào không ghi nhận ca nhiễm mới COVID-19 nào trong cộng đồng, sau hơn 1 tháng làn sóng dịch COVID-19 thứ hai bùng phát tại nước này.

Theo Bộ Y tế Lào, trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận duy nhất một trường hợp mắc mới và là ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Đây có thể được coi là thành công ban đầu của chính phủ và người dân Lào trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 sau 40 ngày nước này áp dụng lệnh phong tỏa.

Bộ Y tế Lào nhấn mạnh, dù tình hình dịch bệnh có dấu hiệu giảm nhiệt nhưng người dân không được phép lơ là các quy định phòng chống dịch và chủ động đi tiêm vaccine ngừa COVID-19. Tính đến 29/5, Lào đã có hơn 872 nghìn người được tiêm vaccine.

171,3 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới, 21 ca lây nhiễm không triệu chứng ở Quảng Châu - Ảnh 2.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Lào

Bangkok nới lỏng một số biện pháp hạn chế

Bắt đầu từ ngày 1/6, thủ đô Bangkok, Thái Lan sẽ cho phép mở cửa trở lại 5 loại hình kinh doanh. Bao gồm bảo tàng, trung tâm học tập, phòng khám và dịch vụ làm đẹp, công viên công cộng, vườn bách thảo và vườn hoa. Tất cả sẽ phải hoạt động trong điều kiện nghiêm ngặt. Các dịch vụ, loại hình kinh doanh khác thì được mở cửa trở lại vào ngày 14/6. Quyết định đưa ra bất chấp việc Bangkok vẫn là điểm nóng COVID-19 ở Thái Lan.

Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ cao kỷ lục, với hơn 5.400 ca. Trong đó, thủ đô Bangkok đứng đầu với gần 1.400 ca.

Pháp mở rộng tiêm phòng cho người trưởng thành

Tất cả người trưởng thành ở Pháp giờ sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Tới nay, Pháp mới chỉ tiêm cho nhóm người trên 50 tuổi, cộng với nhóm người ưu tiên, hoặc người có bệnh lý nền.

Hiện nay khoảng 1/3 dân số Pháp đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Chính phủ Pháp hy vọng sẽ nhận gần 77 triệu liều vaccine trong tháng 6 để đáp ứng nhu cầu tiêm trong nước.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày