Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính cho biết, thống kê đến ngày 7/10, dự kiến tổng số tiền doanh nghiệp bảo hiểm chi trả cho người dân, doanh nghiệp thiệt hại cơn bão số 3 và ngập lụt sau đó khoảng 11.627 tỷ đồng.
Số tiền bồi thường này được thống kê từ 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ghi nhận 73 trường hợp tử vong và thương tật, tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm ước tính 19,8 tỷ đồng. Đến nay, doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng 14,4 tỷ đồng.
Đối với bảo hiểm phi nhân thọ , các doanh nghiệp đã tiếp nhận khoảng 13.847 thông tin thiệt hại (bảo hiểm tài sản, xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe), với tổng thiệt hại hơn 11.607 tỷ đồng. Đến nay, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã tạm ứng tổng số tiền bồi thường 108,3 tỷ đồng.
“Trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe có 41 vụ, tương đương số tiền bảo hiểm 2,9 tỷ đồng; nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật hơn 5.700 vụ, thiệt hại 11.205 tỷ đồng; nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới hơn 7.500 vụ, thiệt hại 209 tỷ đồng và nghiệp vụ như bảo hiểm thân tàu 552 vụ, ước tính 189 tỷ đồng”, Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm cho biết.
Trước đó, khi xảy ra bão số 3, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm yêu cầu Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo tình hình thiệt hại và bồi thường; đề nghị doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.
Một số doanh nghiệp bảo hiểm có số tiền chi trả bảo hiểm lớn như: Bảo hiểm PVI bồi thường số tiền lớn nhất với hơn 3.000 tỷ đồng; Bảo hiểm Quân đội (MIC) ghi nhận khoảng 900 vụ tổn thất bao gồm nghiệp vụ tài sản, xe cơ giới và hàng hải, ước tính tổng bồi thường 230 tỷ đồng...
Trong 9 tháng năm nay, ước tính tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 165.518 tỷ đồng, giảm 0,41% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 64.070 tỷ đồng, tăng 16,07% so với cùng kỳ năm trước.