Khoảng 113 triệu người ở 53 quốc gia, phần lớn là tại Châu Phi đã phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực kinh niên năm 2018. 143 triệu người khác ở 42 quốc gia đang sống trong điều kiện khắc nghiệt và phải chống chọi với nạn đói. Vấn đề ngày càng nghiêm trọng được phản ánh trong chi tiêu toàn cầu ngày càng tăng cho viện trợ nhân đạo, tăng từ 18,4 tỷ USD năm 2013 lên 27,3 tỷ đô la trong năm 2017. Mặc dù sự gia tăng viện trợ, báo cáo cho rằng điều này không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của khủng hoảng lương thực.
Hàng trăm triệu người, bao gồm nhiều trẻ em trên khắp thế giới phải vật lộn với nạn đói. Ảnh: Getty
Cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất năm 2018, theo thứ tự nghiêm trọng là ở Yemen, Cộng hòa Dân chủ Congo, Afghanistan, Ethiopia, Syria, Sudan, Nam Sudan và Nigeria, ảnh hưởng đến tổng cộng hơn 72 triệu người.
Hạn hán, lũ lụt và các vấn đề khác của biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân khiến 29 triệu người rơi vào tình trạng đói ăn vào năm 2018. Hạn hán ở Afghanistan đã làm giảm sản lượng lương thực xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011, trong khi thời tiết khô hạn làm giảm sản lượng nông nghiệp ở Costa Rica, El Salvador, Guatemala và Honduras. Điều kiện thời tiết bất lợi cùng với những cú sốc kinh tế cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều khốn khổ ở châu Phi và Nam Mỹ.
Những rắc rối kinh tế chịu trách nhiệm cho cái đói của 10,8 triệu người khác, chủ yếu ở Burundi, Sudan và Zimbabwe.
Tuy nhiên, xung đột bạo lực là nguyên nhân chính gây ra sự tang thương và nạn đói trên toàn thế giới, ảnh hưởng tiêu cực 74 triệu người, trong đó có tới 33 triệu là từ 10 quốc gia châu Phi. Đặc biệt, Yemen là đất nước bị tàn phá nặng nề nhất năm 2018. Hơn một nửa dân số Yemen cần được hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp, 2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng. Chỉ có 15% trẻ em ở đất nước này nhận được chế độ ăn tối thiểu chấp nhận được cho sự tăng trưởng và phát triển.
Một thảm họa nhân đạo thậm chí đã khiến các bậc cha mẹ tuyệt vọng bán con gái của họ để lấy thức ăn, RT dẫn nguồn tin cho biết.
Cuộc nội chiến Yemen diễn ra từ năm 2015 nhằm đánh bại phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn chống lại chính phủ Abdrabbuh Mansour Hadi. Ông Hadi được hỗ trợ bởi liên minh gồm các quốc gia Ả Rập và Vùng Vịnh, bao gồm Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), được hỗ trợ bởi tình báo và hậu cần của Mỹ. Chiến dịch ném bom của liên minh đã khiến gần 18.000 dân thường thiệt mạng, theo Dự án Dữ liệu Yemen.