Người Trung Quốc có nhiều phát minh được xem là bước ngoặt của nhân loại, và một trong số đó là giấy vệ sinh.
Chúng ta hẳn đã quá quen với sự hiện diện của giấy vệ sinh rồi, và cũng không ít lần rơi vào "hiểm cảnh", trút nỗi buồn xong thì phát hiện hết giấy. Nhưng dành cho những ai chưa biết, phải mãi đến thế kỷ 14 giấy vệ sinh mới được sản xuất đại trà ở Trung Quốc, và đến giữa thế kỷ 19 mới bắt đầu xuất hiện ở thế giới phương Tây.
Vậy trước khi có giấy vệ sinh, con người ta làm gì với đống "hậu quả" để lại sau mỗi lần thuận theo nhu cầu của tự nhiên?
Vào đầu thế kỷ 18, người châu Mỹ bản địa và cả những người da trắng tới xâm lược đã phải sử dụng những chiếc lõi ngô để... chùi cho sạch.
Đây thực chất là một giải pháp không hề tồi một chút nào. Ở thời điểm đấy ngô là thực phẩm hết sức phổ biến, mà lõi ngô lại có độ mềm và khả năng hút ẩm rất tốt. Dù không thể so sánh với tấm giấy vệ sinh mềm mại ngày nay, nhưng đó vẫn là thứ an toàn thoải mái hơn rất nhiều lựa chọn khác mà bạn sẽ biết ngay dưới đây.
Với những cư dân sống tại vùng lạnh (như người Eskimo), họ phải sử dụng tuyết để chùi và xử lý chất thải sau khi đi toilet.
Đây gần như là cách duy nhất, xét trên bối cảnh họ phải sống quanh năm trong tuyết. Phương pháp này cũng có một bất lợi rất rõ ràng - cứ tưởng tượng bạn nhét một cục nước đá vào... cổng sau là hiểu liền. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng cơ thể người hoàn toàn thích ứng được nếu hàng ngày đều tiếp xúc với tuyết lạnh. Hơn nữa xét về độ vệ sinh, đây cũng là một phương pháp cho hiệu quả hết sức ấn tượng.
Sử dụng đá để "chùi" là một trong những phương pháp giữ vệ sinh cổ nhất. Người xưa về cơ bản sẽ lựa chọn bất kỳ thứ gì dễ kiếm và dễ dùng nhất xung quanh, bao gồm cả đá và các vật liệu tự nhiên khác.
Đây hẳn không phải là một phương pháp dễ chịu gì, nhưng dù sao cũng khá thuận tiện và được người xưa sử dụng trong nhiều thế kỷ.
Khoảng 2000 năm trước, người Trung Quốc xưa có một phương pháp vệ sinh khá đặc biệt. Họ sử dụng một cây que làm từ tre hoặc gỗ, được tạo hình giống như một chiếc muỗng (thìa). Một đầu được bọc thêm vải, và họ dùng nó để chùi rửa sao cho thoải mái hơn.
Đây là giải pháp dọn hậu quả của người Hy Lạp cổ xưa. Họ sử dụng một mảnh gốm vỡ - thứ vốn rất phổ biến ở Địa Trung Hải thời kỳ đó.
Các mảnh gốm không có kích cỡ cố định, bán kính từ 3 - 11cm, và thường được cắt ra từ các mảnh gốm đã vỡ. Mỗi lần "hành sự" xong, họ sẽ sử dụng tầm 3 mảnh như thế để chùi cho sạch sẽ.
Khác với người Hy Lạp cổ, người La Mã lại có giải pháp có phần thoải mái hơn, đó là sử dụng một cây gậy bọc miếng bọt biển. Phương pháp này còn được đề cập đến trong một số tài liệu cổ, nhưng cách họ sử dụng nó ra sao thì vẫn còn gây tranh cãi.
Theo các tài liệu đề cập, chiếc gậy này sau khi chùi sẽ được làm sạch bằng giấm hoặc nước muối, rồi có thể tái sử dụng. Nhưng để mà so sánh thì trông nó hơi giống... cây cọ toilet ngày nay thì đúng hơn.
Nghe có vẻ khó tin, nhưng sự thật là những cư dân sống ngoài đảo và các vùng ven biển từng phải sử dụng vỏ sò để chùi rửa sau khi đi nặng. Thậm chí nếu không có sẵn vỏ sò, họ còn phải sử dụng cả... vỏ dừa.
Nhìn chung thì dù là dùng thứ nào cũng đều là phương pháp không mấy thoải mái, bởi vỏ sò có cạnh khá sắc. Nhưng người xưa có lẽ cũng chẳng còn lựa chọn nào khác cả.
Tại châu Mỹ và châu Âu trước khi có giấy vệ sinh, người ta thường sử dụng giẻ làm từ vải cũ để chùi. Số giẻ này có thể giặt và tái sử dụng, nhưng số phận thường là trôi nổi dưới cống và gây tắc nghẽn đường thoát nước.
Bỏ qua khả năng gây tắc cống thì phương pháp này cho cảm giác khá là thoải mái. Tuy nhiên, việc giặt và tái sử dụng lại gây ra khá nhiều lo ngại.
Nhiều người sẽ thắc mắc lá cây ở đâu rồi, thì câu trả lời là đây. Trên thực tế thì trong nhiều thế kỷ, con người vẫn sử dụng lá cây hoặc cỏ dại thay cho giấy. Chúng ở khắp mọi nơi, khá mềm và an toàn sau khi sử dụng. Nhìn chung là một giải pháp khá ổn, cho đến khi bạn vặt nhầm một loại lá gây ngứa nào đó.
Tại Ấn Độ, châu Phi và một số quốc gia Arab, người ta thường sử dụng tay trái để làm mọi thứ được cho là "không sạch", bao gồm cả việc chùi rửa. Họ sử dụng một chút nước để lên tay trái và chùi thật sạch sẽ sau mỗi lần hành sự.
Trên thực tế, phương pháp này cũng khá phổ biến ở một số nơi trên thế giới. Nhiều nhà sử học cho rằng đây là lý do vì sao con người lại bắt tay bằng tay phải, chứ ít khi là tay trái.
Mỗi nơi mỗi điều kiện, và điều kiện khí hậu khác nhau sẽ dẫn đến phương pháp vệ sinh khác nhau.
Tại các vùng đất khô cằn, nơi mọi thứ đều không sẵn có, người xưa sử dụng cát và đất để dọn phế thải. Đây có lẽ là phương pháp ít thoải mái nhất, cũng ít sạch sẽ nhất trong lịch sử rồi. Nhưng rõ ràng họ cũng chẳng có lựa chọn nào khác cả.
Vậy mới biết giấy vệ sinh là phát minh vĩ đại đến nhường nào.