Cùng với dòng chảy của thời trang, các xu hướng làm đẹp cũng thay đổi qua từng thời kì. Thế nhưng, dù có nằm mơ, không ai có thể ngờ rằng phụ nữ thời xưa từng mê mệt kiểu nhuộm răng đen, nối lông mày liền nhau và theo đuổi vô vàn trào lưu trang điểm kì quặc khác.
Vào thế kỉ 18, phụ nữ phương Tây thường chuộng phong cách trang điểm cầu kỳ với điểm nhấn là nốt ruồi. Thậm chí, họ còn sử dụng miếng dán nốt ruồi với đủ kích cỡ và hình dáng khác nhau.
Ban đầu, người ta chỉ sử dụng những miếng dán này như cách che đi vết sẹo trên cơ thể. Sau này, nốt ruồi trở thành trào lưu làm đẹp của rất nhiều chị em kéo dài đến tận đầu thế kì 19 mới biến mất dần.
Từ thế kỉ thứ 17, các cô gái ở Anh muốn thể hiện sự giàu có hay quyền quý thì bắt buộc phải có nước da trắng bệch và vòng một đẫy đà. Do đó, váy của họ thường được khoét khá sâu và mời gọi. Ngoài ra, họ còn dùng mực xanh để vẽ các mạch máu nhỏ để da thêm phần trong suốt và trắng sáng.
Từ lâu, corset đã được biết đến như bí kíp giúp phụ nữ có vòng eo thon gọn mà không phải tốn nhiều công sức tập tành. Bắt đầu từ thế kỉ thứ 19, nó còn được thiết kế lại nhằm tách rời đôi gò bồng đảo của các cô gái châu Âu ra càng xa càng tốt. Chiếc corset này ra đời tại Anh và được đặt tên là "Divorce Corset" (tạm dịch: Corset ngăn đôi).
Đôi mày ngài vốn được xem là một phần của cái đẹp và quyết định tướng số của con người. Chính vì thế, các cô gái Trung Quốc vào thời Tần Thủy Hoàng hay nhà Hán thường tô vẽ nhiều màu sắc lên lông mày với hi vọng có cuộc sống sung túc dài lâu. Ngoài màu đen truyền thống thì xanh da trời và xanh rêu là những màu phổ biến nhất để vẽ lông mày vào thời đó.
Nếu so với phụ nữ Trung Quốc thì có lẽ người Hi Lạp cổ đại còn sáng tạo hơn nhiều. Vào những năm trước công nguyên, ai có đôi lông mày dính liền nhau sẽ được xem là người trong sáng và thông minh. Với những ai không có đặc điểm như thế, họ sẽ sử dụng bột màu đen gọi là Kohl để nối hai hàng lông mày lại với nhau.
Để lọt được vào mắt xanh của cánh đàn ông thời nhà Tần ở Trung Quốc, các cô gái chỉ cần sở hữu đôi má bánh bao ửng hồng và vầng tráng rộng thay vì eo thon hay cằm nhọn. Theo quan niệm khi đó, đôi má tròn đầy của phụ nữ sẽ mang lại sự ấm no, mạnh khỏe cho cả gia đình.
Vào thế chiến thứ 2, phụ nữ nhiều nơi ở Mỹ đã sử dụng đủ loại màu vẽ khác nhau để trang trí chân mình. Được biết, do nguyên liệu sản xuất tất rất khan hiếm nên họ đành phải vẽ tất lên chân bằng màu hay nước ép trái cây. Thậm chí, vào những năm 1940, các cửa hàng làm đẹp còn mở ra dịch vụ sơn chân để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Trung Quốc là nơi có nhiều tục lệ lạ lùng, điển hình là tục bó chân. Để có được đôi chân thon gọn như ý muốn, nhiều phụ nữ từ thế kỉ thứ 19 trở về trước chấp nhận đau đớn để niềng đôi chân của mình trong nhiều năm liền.
Ban đầu, trào lưu này chỉ phổ biến trong giới quý tộc nhưng sau đó lan rộng ra cả nước vì người ta cho rằng đôi chân bé nhỏ thon như đài sen mới là biểu tượng của sự đoan trang. Tuy nhiên, tục lệ này đã bị bãi bỏ vào đầu thế kỉ 20 do tính chất nguy hiểm của nó.
Vì cho rằng lông mi là biểu tượng của sự lẳng lơ, thiếu đoan chính nên phụ nữ châu Âu thời Phục Hưng sẽ tìm mọi cách để xóa đi hàng mi của mình. Họ cũng cạo sạch cả lông mày để lộ ra vầng trán rộng, vốn được coi là quan trọng nhất vào thời đó. Tuy nhiên, đến khoảng thế kỉ thứ 16, phong trào này đã gần như biến mất khi mọi người bắt đầu quay lại tô vẽ lông mi và lông mày.
Ở Nhật, Việt Nam và nhiều nước khác, phụ nữ thời xưa phải nhuộm răng thành đen bóng mới được coi là khỏe mạnh, xinh đẹp. Được biết, tục lệ này bắt nguồn từ Nhật Bản vào những năm đầu công nguyên, sau đó du nhập ra các nước khác.
Ở Nhật, nhuộm răng còn được coi là một môn nghệ thuật với tên gọi Ohaguro. Đến khoảng đầu thế kỉ 20 thì nó bắt đầu bị cấm cản rồi dần biến mất.
(Nguồn: Sarcasm Lol)