10 năm "theo dõi" bước chân một chàng trai: Tốt nghiệp Cambridge, có bằng Tiến sĩ tại MIT và thành trợ lý giáo sư Harvard ở tuổi 25

Đông, Theo Đời sống pháp luật 22:41 03/09/2024
Chia sẻ

Profile của nam sinh này đúng chuẩn "học bá".

10 trước, Michael, một cựu sinh viên quốc tế của Trung Quốc, đã thu hút sự chú ý của netizen do đạt điểm tối đa trong kỳ thi IB và hoàn thành 15 khóa học AP (AP và IB là hai chương trình phổ biến, được sử dụng để xét tuyển vào các trường đại học lớn trên thế giới. Cả hai chương trình này có điểm chung là khá nặng về mặt học thuật và có thể giúp các bạn đổi lấy tín chỉ đại học), và ngay lúc đó đã nhận thư mời nhập học từ Đại học Cambridge.

10 sau, chàng trai này không chỉ hoàn thành giấc mơ tại ngôi trường mơ ước của mình, tốt nghiệp Tiến sĩ tại MIT - ngôi trường 13 năm liền xếp Top 1 những trường đại học tốt nhất thế giới theo QS, mà còn trở thành giảng viên trợ lý tại Harvard. Trong thập kỷ qua, anh chàng đã trải qua những gì? Quá trình khám phá sở thích và hướng đi trong cuộc sống đã mang lại cho chàng trai này những điều gì?

10 năm "theo dõi" bước chân một chàng trai: Tốt nghiệp Cambridge, có bằng Tiến sĩ tại MIT và thành trợ lý giáo sư Harvard ở tuổi 25- Ảnh 1.

Chân dung Michael

Profile của Michael chẳng khác gì một "con nhà người ta" chính hiệu vậy. Tuy nhiên, chia sẻ với tờ 163.com, Michael chia sẻ phía sau ánh hào quang đó của bản thân, anh chàng cũng phải "vật lộn" khá nhiều.

10 năm "theo dõi" bước chân một chàng trai: Tốt nghiệp Cambridge, có bằng Tiến sĩ tại MIT và thành trợ lý giáo sư Harvard ở tuổi 25- Ảnh 2.

Quá trình ứng tuyển cho vị trí giảng viên tại Harvard

2 năm trước, Michael, khi đang học tiến sĩ tại MIT, đã tình cờ nhìn thấy thông tin tuyển dụng của Đại học Harvard. Trường yêu cầu các ứng viên chuẩn bị sơ yếu lý lịch cá nhân nêu rõ hướng nghiên cứu và triết lý giảng dạy của mình, và chọn lọc 2-3 bài báo khoa học đã công bố trước đây, cùng với 3-4 thư giới thiệu, cho vào cùng một bộ hồ sơ và gửi chúng đến Harvard.

"Thông thường, ứng tuyển vị trí giáo sư ngành khoa học cơ bản, ví dụ như giáo sư toán học, vật lý, ít nhất phải trải qua ba vòng PostDoc (PostDoc là vị trí nghiên cứu mà yêu cầu người tham dự phải là tiến sĩ và thường là trong vòng 5 năm sau khi tốt nghiệp), mỗi vòng từ 2-3 năm, và cạnh tranh rất khốc liệt", Michael giải thích.

Vị trí giáo sư mà Michael ứng tuyển tại trường Kinh doanh, mặc dù không cạnh tranh khốc liệt như ngành khoa học cơ bản, nhưng cũng quy tụ gần 200 ứng viên từ khắp nơi trên thế giới, tỷ lệ nhận chỉ khoảng 0.5%.

Anh nói đùa: "Nó khó hơn nhiều so với thời tôi ứng tuyển vào Đại học Harvard khi còn là học sinh trung học".

Sau khi trải qua một số vòng phỏng vấn sơ bộ, những ứng cử viên trong shortlist sẽ được mời đến thực hiện báo cáo trực tiếp. Trong cùng một ngày đó, cũng sẽ có từ 20 đến 30 cuộc phỏng vấn nhỏ, tương đương với việc phỏng vấn cả ngày.

Michael không ngờ rằng mình thực sự đã nhận được email thông báo trúng tuyển từ Harvard, thành công được tuyển dụng làm trợ lý giáo sư tại ngôi trường danh tiếng này. Ở tuổi chỉ 25, anh chàng đã làm nhiều giáo sư lâu năm tại Harvard phải ngạc nhiên.

Hệ thống chức vụ việc làm ở các trường đại học Mỹ được chia thành ba cấp độ: giáo sư, phó giáo sư, trợ lý giáo sư. Trong đó, trợ lý giáo sư (Assistant Professor) là chức danh trung cấp, thuộc về nhân sự giảng dạy của trường đại học. Các trợ lý giáo sư có phòng nghiên cứu và phòng thí nghiệm độc lập và họ được hỗ trợ ngân sách nghiên cứu, và họ có thể hướng dẫn sinh viên thạc sĩ, tiến sĩ. Nếu trong khoảng thời gian quy định (5-7 năm) không thể thăng tiến lên phó giáo sư, trường sẽ chấm dứt hợp đồng việc làm.

10 năm "theo dõi" bước chân một chàng trai: Tốt nghiệp Cambridge, có bằng Tiến sĩ tại MIT và thành trợ lý giáo sư Harvard ở tuổi 25- Ảnh 3.

Michael trong thời gian học Tiến sĩ tại MIT

Vậy thì, với tuổi đời trẻ măng cộng với việc anh chàng hầu như không có kinh nghiệm giảng dạy bậc đại học, Michael đã làm thế nào để nổi bật trong số các ứng cử viên?

Michael khiêm tốn cho rằng, ở giai đoạn này, thực sự mọi người đều có sức mạnh nghiên cứu khoa học không chênh lệch nhiều, khó để định lượng và so sánh. Nhưng sau cùng, bản thân anh chàng lại có yếu tố may mắn. Theo đó, chuyên ngành tiến sĩ của anh là Operations Research, chủ yếu làm nghiên cứu về kỹ thuật và thuật toán, và nghiên cứu về thuật toán là một hướng phát triển mà nhiều trường đại học Mỹ đang tập trung, có nhiều vị trí cần tuyển ở lĩnh vực này hơn nên tỷ lệ cạnh tranh vì thế cũng giảm đi đôi phần.

Operations Research là một ngành học mới phát triển từ đầu thập niên 30 của thế kỷ 20, cũng là một ngành học cơ sở quan trọng của ngành quản lý hiện đại. Ngành học này được áp dụng vào toán học và nghiên cứu liên ngành, sử dụng thống kê, mô hình toán học và thuật toán nhằm giải quyết những vấn đề phức tạp trong đời sống, đặc biệt là cải thiện hoặc tối ưu hóa hiệu quả của hệ thống hiện có.

"Nói chung, nếu chúng ta có một dự án nghiên cứu tiến sĩ ổn, thì trước khi tốt nghiệp, cố gắng ứng tuyển vào vị trí giảng dạy của 30-50 trường đại học Mỹ, ít nhất sẽ nhận được một offer từ các trường trong số đó. Nếu may mắn, sẽ có 3-5 offer", nam sinh chia sẻ.

Về việc được Harvard chọn lựa, Michael nghĩ rằng, lý do chính vẫn là đề tài nghiên cứu và hướng nghiên cứu của anh rất hấp dẫn đối với mọi người. Học về Operations Research, nhưng Michael luôn quan tâm đến ngành y tế. Anh không chỉ có một vài bài báo cáo được đăng lên tạp chí khoa học tiên tiến, mà anh còn áp dụng nhiều dự án vào thực tế.

Trong thời gian học cử nhân ở Cambridge, anh đã sử dụng kiến thức toán học của mình để làm một mô hình nghiên cứu về virus Ebola. Tại MIT, anh chàng có một người bạn học là bác sĩ của trường Y Harvard, cả hai hợp tác và cùng áp dụng mô hình toán học vào việc sàng lọc bệnh, cải tiến phẫu thuật, tối ưu hóa trang thiết bị,

Thời gian làm tiến sĩ, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, anh đã thiết kế mô hình dự đoán dịch bệnh COVID-19, cung cấp sự hỗ trợ cho chính phủ, bệnh viện, cơ sở y tế.Với những đóng góp của mình, anh đã nhận được thư cảm ơn từ Nhà Trắng...

10 năm "theo dõi" bước chân một chàng trai: Tốt nghiệp Cambridge, có bằng Tiến sĩ tại MIT và thành trợ lý giáo sư Harvard ở tuổi 25- Ảnh 4.

Michael tham gia công tác phòng chống dịch

Những kinh nghiệm này đã làm cho sơ yếu lý lịch của anh có thêm nhiều điểm sáng.

Trong mắt Michael, bản thân không phải là sinh viên thông minh nhất, nhưng anh lại có thói quen phản tỉnh, thường xuyên suy nghĩ về động cơ đằng sau một số sự vật, sự việc. Thói quen tư duy này giúp ích cho anh chàng trong khoảng 10 năm sau khi tốt nghiệp, và giúp anh tìm ra con đường phù hợp với bản thân sau này.

Chẳng hạn, trước khi nộp đơn xin làm giảng viên tại Harvard, Michael đã có suy nghĩ về lý do tại sao mình muốn tham gia vào ngành y tế; trong vòng 5-10 năm tới dự định làm gì; muốn ngành y tế có những thay đổi như thế nào nhờ những sáng kiến của mình...

Anh chàng quan sát và phát hiện rằng, dù nhiều sinh viên du học có khả năng học thuật rất mạnh, nhưng lại thiếu sự cân nhắc về hướng nghiên cứu của bản thân, nói đúng hơn là "chưa hiểu rõ bản thân mình, không biết mình thích cái gì, muốn làm gì".

10 năm "theo dõi" bước chân một chàng trai: Tốt nghiệp Cambridge, có bằng Tiến sĩ tại MIT và thành trợ lý giáo sư Harvard ở tuổi 25- Ảnh 5.

Từ chối làm việc tại ngân hàng đầu tư hàng đầu

Quay ngược thời gian trở lại 10 năm trước, khi đó, giấc mơ trong lòng Michael là Viện Công nghệ Massachusetts (hay MIT). Trong mười năm qua, anh đã làm thế nào để từ ngành toán học, chuyển sang ngành Operations Research và tìm thấy lĩnh vực mình đam mê?

Câu trả lời của Michael là, làm tốt công việc mà mình đang làm và chuẩn bị cho cơ hội khi nó đến: "Cơ hội không phải lúc nào cũng có, nhưng điều đó cũng không quá quan trọng, đó không phải là thời điểm đúng. Nhưng tôi tin rằng, chỉ cần tiếp tục bước đi về phía trước, sẽ có điều tốt đẹp xảy ra".

Michael, người luôn tiến về phía trước, cũng từng trải qua nhiều sự hoài nghi về bản thân mà nhiều sinh viên khác cũng từng trải qua, Thời kỳ trung học, với thành tích xuất sắc, anh đã nhận được offer từ nhiều trường đại học hàng đầu của Mỹ như Đại học Pennsylvania, Duke, Berkeley và cả những trường Ivy League. Nhưng rất tiếc, anh đã không được nhận vào MIT, dù đó là giấc mơ lớn nhất của anh.

Sau nhiều băn khoăn, Michael cuối cùng đã chọn đến Anh và theo học tại khoa toán Đại học Cambridge. Mặc dù Cambridge là một trường đại học hàng đầu thế giới, nhưng anh vẫn cảm thấy không hài lòng. Tuy nhiên, Michael không để tâm trạng chán nản kéo dài quá lâu, mà nhanh chóng tập trung vào việc học tập tại khoa toán Cambridge.

Đương nhiên, Michael không học một cách mù quáng, anh luôn suy nghĩ và khám phá hướng đi của mình: "Tôi đã sớm nhận ra rằng, mình yêu toán học, không phải vì mê mẩn chính môn học toán, mà vì thích thú khi sử dụng toán học như một công cụ, để thực hiện các ứng dụng trong các tình huống thực tế".

Nhưng vào thời điểm đó, chàng trai không biết sẽ dùng toán học để làm gì trong tương lai. Giống như nhiều sinh viên khác, anh cũng cảm thấy mơ hồ về tương lai của mình. Ở giai đoạn đại học, giống như nhiều bạn học khác, anh đã nỗ lực hết mình để cố gắng xin thực tập ở những công ty lớn, nơi mà sinh viên từ các trường danh tiếng đua nhau ứng tuyển, đã thử qua nhiều ngành nghề như ngân hàng đầu tư, tư vấn, công nghệ...

Trải qua nhiều lần thử thách bản thân, khi sắp tốt nghiệp với tấm bằng danh dự loại một từ Cambridge, Michael đã nhận được offer từ các ngân hàng đầu tư hàng đầu và công ty công nghệ nổi tiếng, với mức lương rất hấp dẫn.

10 năm "theo dõi" bước chân một chàng trai: Tốt nghiệp Cambridge, có bằng Tiến sĩ tại MIT và thành trợ lý giáo sư Harvard ở tuổi 25- Ảnh 6.

Michael tốt nghiệp tại Cambridge

Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, anh lại chọn từ bỏ. Bởi vì tiếng lòng của anh lúc này là tiếp tục học lên cao tại MIT, chuyên ngành Operations Research. Mặc dù có muộn màng vài năm, nhưng anh vẫn đến được ngôi trường mơ ước của mình từ những năm cấp 3.

Không ngờ, trong thời gian Michael đọc tiến sĩ tại MIT, đại dịch COVID-19 bùng phát, trường học đóng cửa và tất cả phải học online, kế hoạch của Michael vì thế mà bị xáo trộn hết cả. Lúc đó, anh quyết định tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh.

Với kinh nghiệm từ dự án Ebola ở giai đoạn đại học, Michael đã chủ động thiết kế ra một mô hình dữ liệu giúp dự đoán dịch bệnh: "Vào thời điểm đó, mỗi tuần làm việc không dưới 100 giờ".

Trong quá khứ, công tác phòng chống dịch bệnh thường chỉ giới hạn ở chuyên ngành dịch tễ học. Nhưng bây giờ, thông qua việc tối ưu hóa mô hình dữ liệu, có thể thực hiện dự đoán chính xác hơn, từ đó đưa ra quyết định phòng dịch chính xác.

Ví dụ, mỗi ngày bệnh viện cần chuẩn bị bao nhiêu giường, máy thở nên được phân phối như thế nào; vaccine nên được phân phối ra sao, lựa chọn địa điểm sản xuất vaccine; thậm chí là liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có cần phải giảm lãi suất hay không...

Điều này cũng có nghĩa là, anh cần phải hợp tác và giao tiếp với nhiều bên như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Mỹ, bệnh viện, các công ty dược phẩm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, và những tổ chức khác.

10 năm "theo dõi" bước chân một chàng trai: Tốt nghiệp Cambridge, có bằng Tiến sĩ tại MIT và thành trợ lý giáo sư Harvard ở tuổi 25- Ảnh 7.

Đằng sau một đứa trẻ thành công chính là gia đình

Trong mắt mẹ của Michael, anh chàng chỉ là một "cậu bé bình thường":

Ở giai đoạn tiểu học và trung học cơ sở, thành tích của Michael luôn ở mức trung bình, ngoại trừ toán học có chút năng khiếu, cả ngữ văn và tiếng Anh đều không quá nổi bật.

Nhưng đến giai đoạn trung học phổ thông, sức học của Michael lại trội hẳn lên, GPA lọt vào top đầu của khối, còn đạt được điểm tuyệt đối trong IB và 15 môn AP.

Cuộc lội ngược dòng đã xảy ra như thế nào?

Khi nói về sự phát triển của con trai, mẹ của Michael bày tỏ, bà luôn kiên trì "phát huy thế mạnh và tránh điểm yếu", không phá hủy động lực học tập nội tại của con. Mặc dù cuộc sống hiện tại thường yêu cầu trẻ phải phát triển toàn diện, nhưng bà hoàn toàn chấp nhận sự thật rằng con của mình có nhiều điểm yếu trong các môn học, ngoại trừ toán.

"Michael khi còn nhỏ, thường hay ngồi yên lặng một mình để đọc sách về toán. Người khác có thể khó mà tưởng tượng được, cậu bé nhìn có vẻ giỏi giang này, môn Ngữ văn từng chỉ đủ điểm qua môn", mẹ của Michael cười nói.

10 năm "theo dõi" bước chân một chàng trai: Tốt nghiệp Cambridge, có bằng Tiến sĩ tại MIT và thành trợ lý giáo sư Harvard ở tuổi 25- Ảnh 8.

Gia đình của Michael

Nhưng điều này không có nghĩa gia đình không quan tâm đến những môn học không phải là lợi thế của Michael, đặc biệt gia đình luôn quan tâm đến việc phát triển tiếng mẹ đẻ của Michael ngay từ khi còn nhỏ.

Hiện, anh chàng có thể sử dụng tiếng Anh gần như cấp độ bản ngữ một cách linh hoạt trong cả cuộc sống và lĩnh vực học thuật. Mặt khác, khả năng biểu đạt bằng tiếng Trung của anh cũng rất tốt, hàng ngày vẫn có thể chat chít với bạn bè, thảo luận về những chủ đề nóng hổi mà anh quan tâm bằng tiếng Trung

"Đối với những đứa trẻ tiếp nhận nền giáo dục quốc tế, việc phát triển khả năng song ngữ, song văn hóa là vô cùng quan trọng. Dù là học tập, tìm việc hay xây dựng mạng lưới mối quan hệ xã hội ở nước ngoài, đều yêu cầu trẻ em phải có khả năng giao tiếp xuyên văn hóa thực thụ", người mẹ tâm sự.

Mẹ của Michael nhận thấy, xung quanh con không thiếu những bạn đồng trang lứa xuất sắc, họ có năng lực chuyên môn rất mạnh nhưng vì khả năng ngôn ngữ không đủ, khó có thể hòa nhập thực sự ở nước ngoài, mất đi nhiều cơ hội quý giá.

Ngoài ra, mẹ của Michael cũng rất chú trọng việc cho con tham gia vào các hoạt động thể thao và nghệ thuật. Khác với nhiều phụ huynh khi con còn nhỏ sẽ đăng ký rất nhiều lớp học năng khiếu, mẹ của Michael lại kiên định với nguyên tắc "chất lượng hơn số lượng". Theo bà, nếu con đã chọn một lĩnh vực, thì nên khuyến khích con kiên trì theo đuổi đến cùng, đây là cách để nuôi dưỡng "sự kiên nhẫn" cho trẻ.

10 năm "theo dõi" bước chân một chàng trai: Tốt nghiệp Cambridge, có bằng Tiến sĩ tại MIT và thành trợ lý giáo sư Harvard ở tuổi 25- Ảnh 9.

Gia đình luôn tập trung phát huy hết khả năng của Michael

Hồi nhỏ, Michael chỉ tham gia chủ yếu hai lớp học năng khiếu - bơi lội và chơi đàn piano.

Trong giai đoạn tiểu học, anh may mắn được chọn vào đội tuyển bơi lội của trường. Mặc dù không mong đợi theo đuổi con đường bơi lội chuyên nghiệp, anh vẫn kiên trì luyện tập 2 tiếng mỗi ngày.

Học đàn piano cũng vậy, Michael bắt đầu học đàn từ khi 7 tuổi. Mẹ của anh chỉ có một yêu cầu, đó là biến việc luyện đàn hàng ngày thành thói quen, không được bỏ dở giữa chừng.

Ngày nay, cây đàn piano đã trở thành một phần của cuộc sống Michael. Dù anh đang học tập ở Cambridge hay ở Boston, anh cảm thấy không thể thiếu đi những nốt nhạc trong cuộc sống hàng ngày.

Có thể thấy rằng, đằng sau sự thành công của một nhân tài là phương pháp nuôi dạy con cái của gia đình. Sự thành công của trẻ trong tương lai không chỉ quyết định ở hiện tại, mà còn là quá trình phát triển từ quá khứ.

Theo 163.com

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày