Tại Trung Quốc, tuy đã có nhiều đường dây ăn mày lừa đảo bị triệt phá, thế nhưng đội quân hành khất ở quốc gia đông dân nhất thế giới này vẫn không hề có dấu hiệu suy giảm.
Với những mánh khóe lừa đảo tinh vi, cộng thêm một chút năng khiếu diễn xuất, các băng đảng "ăn xin hội" này vẫn dễ dàng kiếm tiền trên lòng thương hại của người khác.
Để phân biệt được những hoàn cảnh khốn khó thực sự giữa vô vàn những kẻ giả nghèo giả khổ, chúng ta phải thật tỉnh táo nhận diện những mánh khóe của bè lũ lừa đảo, để lòng tốt không bị lợi dụng và tấm lòng hảo tâm được đặt đúng chỗ cần thiết.
Dưới đây là 10 mánh khóe lừa đảo thường gặp của các thành viên "cái bang" ở Trung Quốc:
1. Một kẻ giả bệnh, một kẻ khác xin tiền
Bộ đôi ăn xin này làm việc "rất khoa học" và có sự phân công lao động rõ ràng.
Khi phóng viên hỏi chàng trai trong ảnh: "Người nằm dưới đất kia là ai?", anh ta rầu rĩ trả lời: "Bà nội bị bệnh."
Phóng viên hỏi tiếp: "Tại sao đã bị bệnh mà trưa nắng còn để bà nằm giữa đường như thế?" khiến cho chàng trai trẻ cứng họng lại.
Đến khi được hỏi: "Có cần giúp liên hệ với các cơ quan chức năng để được hỗ trợ không?" thì anh ta lập tức xua tay: "Không cần! Không cần!"
Ngoài ra, mỗi khi có người giơ máy ảnh lên là anh ta lập tức nhặt những viên sỏi hoặc đá nhỏ ở xung quanh để ném về phía ống kính.
2. Giả bệnh nằm liệt một chỗ
Những đối tượng lừa đảo sẽ nằm im dưới đất và tạo cho người ta cảm giác chỉ cần động đậy một chút thôi cũng đủ nguy hiểm đến tính mạng.
Những người lương thiện sẽ chẳng thể cầm lòng trước một hoàn cảnh đáng thương như thế, đặc biệt khi đó còn là một ông lão trên đầu đã hai thứ tóc nữa chứ.
Tuy nhiên, hãy nhìn xem, ngay sau khi kiếm được kha khá, ông lão khốn khổ ấy đã tự đứng dậy và di chuyển nhanh nhẹn chẳng khác gì những người bình thường xung quanh.
3. Bắt trẻ em giả bộ khổ sở xin tiền giữa đường
Những đứa trẻ với gương mặt non nớt và dáng người nhỏ bé luôn dễ dàng chiếm được lòng thương hại của người khác.
Giữa đường phố đông người, khi dòng xe cộ đang đi lại như mắc cửi, một cô bé đáng thương bỗng chạy đến quỳ rạp trước mũi xe của bạn rồi ngước đôi mắt đượm buồn lên nhìn bạn, thử hỏi có mấy người nhẫn tâm bỏ đi khi chưa kịp dúi vào tay cô bé ấy chút tiền lẻ?
Thế nhưng, sau khi đạt được mục đích, cô bé tội nghiệp lúc nãy nhanh chóng đứng dậy và chạy ra nô đùa với "đồng nghiệp" của mình.
4. Dập đầu quỳ lạy
Chỉ cần xin được tiền thì kể cả có dập đầu đến chảy máu cũng chẳng hề gì.
Người đàn ông trong ảnh đang không ngừng dập đầu cảm tạ những người tốt đã quyên tiền cho vợ anh ta đi chữa bệnh. Nghe đâu chị vợ bị bệnh nặng lắm mà không có tiền chạy chữa. Tình cảm dạt dào mà người đàn ông này dành cho người vợ bệnh tật đã khiến cho bao người phải cảm động và sẵn sàng góp chút tiền để giúp đỡ họ.
Ấy vậy mà, chỉ nửa tiếng sau, người ta đã chẳng thấy bóng dáng của cặp vợ chồng nghĩa nặng tình sâu ấy đâu. Chị lao công đứng gần đó tiết lộ, sau khi kiếm được một khoản, cô vợ bệnh tật bèn ngồi bật dậy rồi hăm hở cùng chồng dọn dẹp đồ nghề để đi chỗ khác kiếm chác tiếp.
5. Giả dạng người tàn tật
Hiển nhiên là những người tàn tật đi ăn xin sẽ tạo cho người ta cảm giác khốn khổ hơn hẳn so với người bình thường. Chính vì vậy, không ít kẻ lừa đảo có đủ tứ chi đã tìm mọi cách cách biến một phần cơ thể mình trở nên khiếm khuyết để dễ bề kiếm tiền.
Nhìn người đàn ông cụt một chân trong ảnh khó nhọc lê tấm thân trên đường, ai mà chẳng mủi lòng cơ chứ? Nhưng sự thật là anh ta chỉ buộc chân lại thôi chứ không hề cụt chân như nhiều người vẫn tưởng.
6. Bán đồ đạc kiếm tiền chữa bệnh cho con
Nếu thoạt nhìn thì chẳng ai nghĩ đây là một phương thức ăn xin, bởi trên danh nghĩa thì họ vẫn là vừa mua được đồ lại vừa làm được việc thiện.
Người đàn ông này đang rao bán chiếc điện thoại rẻ tiền của mình để có kinh phí chữa bệnh cho cậu con trai đang ốm đau dặt dẹo. Một số người tốt tỏ ra thương cảm trước hoàn cảnh éo le của bố con họ và đã hào phóng rút tiền ra cho, dù họ chẳng hề nhận chiếc điện thoại kia, vì nhãn hiệu của nó là gì thì chẳng mấy người biết, hơn nữa cũng chẳng ai có thể kiểm định được liệu nó có chứa đựng mối nguy hại nào hay không.
7. Tích tiểu thành đại
Khác với kẻ giả bệnh, những đối tượng này không ngồi lỳ một chỗ mà liên tục thay đổi địa điểm hành nghề. Tuy mỗi nơi chỉ xin được một chút, nhưng đến cuối ngày, số tiền mà những người này kiếm được là không hề nhỏ.
Cô gái trong bức ảnh bị mất ví nên không có nổi 8 tệ (tương đương 27 nghìn đồng) để bắt xe về quê. Hoàn cảnh đáng thương cùng con số nhỏ nhoi mà cô gái đưa ra khiến cho không ít người bị mắc lừa. Và tất nhiên, họ chẳng thể biết rằng mỗi ngày cô gái ấy phải "bắt xe về quê" bao nhiêu lần nữa.
8. Xin tiền theo kiểu trí thức
Khi chứng kiến cô gái trẻ mặt buồn thiu ngồi bên đường, bên cạnh là một dòng chữ tiếng Anh dài dằng dặc, nhiều người không khỏi cảm thán: "Nghề ăn mày ở Trung Quốc đã được quốc tế hóa mất rồi!"
Đối tượng mà những kẻ lừa đảo "đầy tri thức" này nhắm tới không chỉ gói gọn trong phạm vi nội địa mà đã mở rộng sang cả người ngoại quốc.
Thủ đoạn này quá cao tay, khiến cho nhiều người mắc bẫy mà không mảy may nghi ngờ. Bởi theo họ, những người lành lặn, sáng sủa lại có học thức như thế chắc chắn sẽ chẳng phải tốn công đi hành khất nếu không thực sự rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
9. Ép người tàn tật gia nhập băng đảng kiếm tiền bất chính
Có rất nhiều người tàn tật, khốn khổ thật sự đã bị những kẻ cái bang ép buộc phải gia nhập băng đảng ăn xin của chúng.
Những người này không tốn công hóa trang lại có biểu cảm rất chân thật, khiến cho những tên đầu sỏ kiếm được không ít tiền. Với thân phận "đi làm thuê", những con người đáng thương ấy phải nộp lại toàn bộ số tiền xin được cho đại ca và chỉ được nhận lại một khoản vô cùng ít ỏi trong đó.
10. Đưa trẻ con đi ăn xin
Bất kể xuân hạ thu đông, ngày nắng cũng như ngày mưa, những đứa trẻ được lựa chọn làm "công cụ kiếm tiền phi pháp" này sẽ bị tha lôi đi khắp các đầu đường xó chợ để cầu xin lòng thương hại của người khác. Thậm chí, một số đứa trẻ còn bị ép phải uống thuốc ngủ liên tục để luôn ngoan ngoãn nằm im cho người lớn "hành nghề".
Tất nhiên, trong số những trường hợp nêu trên, sẽ có những người thật sự khốn khổ chứ không chỉ có bè lũ lừa đảo. Thế nhưng, đã có quá nhiều những kẻ lợi dụng lòng thương hại của người khác bị lật tẩy, khiến cho lòng tin của con người bị lung lay nghiêm trọng và dường như bây giờ họ nhìn đâu cũng chỉ thấy toàn lừa đảo, lừa đảo và lừa đảo mà thôi.