Có một yếu tố khá quan trọng bên cạnh việc lựa chọn template, chủ đề và màu sắc mà có thể bạn sẽ không để ý đến trong việc xây dựng một bài thuyết trình chính là kiểu chữ (font). Nếu bài thuyết trình của bạn được xây dựng trong một môi trường chuyên nghiệp, điều quan trọng là bạn phải chọn các font chữ vừa truyền tải được sự nghiêm túc nhưng đồng thời vẫn thể hiện được sự vui tươi. Sự cân bằng này đôi khi rất khó để đạt được.
Hãy sử dụng các trang web như Google Fonts để tìm cặp phông chữ hoàn hảo cho bài thuyết trình của mình và sử dụng nó.
Thông thường thì người dùng hay có xu hướng sử dụng các font chữ được cung cấp mặc định bởi Windows và trình Office mà họ cài đặt. Tuy nhiên, nếu bạn muốn có thêm nhiều lựa chọn và hỗ trợ đầy đủ tiếng Việt thì những Font mà Google cung cấp sẽ là gợi ý khá tuyệt mà bạn nên thử qua, đặc biệt là chúng hoàn toàn miễn phí.
Bài viết này sẽ đưa ra cho bạn danh sách 10 Font chữ cực đẹp và chuyên nghiệp từ Google, thích hợp để bạn sử dụng cho bài thuyết trình của mình trong tương lai, hãy cùng tham khảo nhé.
Được xây dựng theo kiểu chữ serif đầy tinh tế. Playfair Display được xem là mô phỏng kiểu chữ được tạo ra bởi những cây bút bằng thép sắc nhọn thường được sử dụng ở Châu Âu vào cuối thế kỷ 18. Playfair Display được xem là kiểu chữ tương phản hoàn toàn với Times New Roman khi nó mang trên mình một nét duyên dáng và nữ tính.
Playfair Display khá thích hợp khi sử dụng làm font cho tiêu đề nếu kết hợp với màu nền pastel.
Font chữ kết hợp: Open Sans.
Arvo được xem là sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại nhưng mang trong mình những nét hình học khá lạ mắt. Nếu Arvo Regular là phiên bản hiện đại, nét chữ mảnh của slab serif, thì Arvo Bold lại có nét dày hơn với các góc nhọn.
Thông thường nếu muốn nhấn mạnh nội dung văn bản, cũng như trình bày tiêu đề bằng cách tăng kích cỡ font chữ thì Arvo Bold là sự lựa chọn khá hợp lí cho bạn. Arvo được sử dụng phần lớn trong các bài thuyết trình về kinh doanh hoặc doanh nghiệp, cũng như nếu bạn biết sử dụng hợp lý các chủ đề màu sắc thì Arvo sẽ phát huy hết tác dụng của mình.
Font chữ kết hợp: Lato.
Không như nhiều font chữ khác, Crimson Text được xem là khá… giản dị. Chính vì lẽ đó mà Crimson Text được sử dụng hầu hết ở các bài thuyết trình được xây dựng theo hướng cổ điển.
Lấy cảm hứng từ font Garamond, Crimson Text là phiên bản hiện đại của các phông chữ kiểu cũ truyền thống và được thiết kế để trông đẹp mắt hơn trên màn hình và trang web, nhất là ở phần tiêu đề và phụ đề. Nếu bạn cảm thấy Times New Roman quá nhàm chán thì Crimson Text là sự thay thế hoàn toàn tốt cho bạn.
Font chữ kết hợp: Montserrat.
Quy tắc đầu tiên khi thực hiện một bài thuyết trình mang tính chuyên nghiệp chính là tránh những đoạn nội dung dài… lê thê. Kể cả một danh sách các gạch đầu dòng cũng có thể làm cho người xem cảm thấy nhàm chán. Tuy nhiên, nếu bắt buộc bạn phải đi ngược lại với quy tắc này thì Open Sans chính là cứu cánh dành cho bạn.
Thuộc phân loại Humanist (thuật ngữ phân loại kiểu chữ), Open Sans là font chữ dạng sans-serif. Open Sans được sử dụng nhiều ở phần trình bày các đoạn văn bản dài do cách thể hiện của nó mang tính dễ đọc và có kích thước nhỏ.
Phiên bản semibold (kiểu chữ có nét dày nhưng không dày như in đậm) của font chữ này hoạt động tốt như một font chữ tiêu đề.
Font chữ kết hợp: Raleway.
Được một tập đoàn lớn đặt làm riêng nhưng không hiểu vì sao tập đoàn này lại thay đổi quyết định và cung cấp nó miễn phí đến mọi người. Theo tiếng Ba Lan có nghĩa là mùa hè nên Lato được xây dựng mang nét rất tươi vui với các chi tiết bán nguyệt đầy tỉ mỉ nhưng vẫn mang tính chuyên nghiệp cực cao.
Lato thích hợp được sử dụng để trình bày các đoạn văn bản dài và tiêu đề cho bài thuyết trình.
Font chữ kết hợp: Open Sans, Raleway.
Nếu bạn muốn bài thuyết trình của mình mang nét trẻ trung nhưng vẫn chuyên nghiệp thì Montserrat sẽ giúp bạn. Font chữ này thường được sử dụng trong các landing page của những startup về công nghệ.
Montserrat được lấy cảm hứng từ những áp phích và bảng hiệu cũ từ khu phố Montserrat ở Buenos Aires nên bản thân nó cũng mang tính truyền đạt nội dung khá cao. Do có diện mạo được thiết kế theo dạng hình học nên Montserrat kết hợp khá tốt với các font chữ sans-serif.
Font chữ kết hợp: Open Sans.
Merriweather được xây dựng theo hướng tối ưu cho việc đọc nội dung trên màn hình. Mặc dù được xây dựng theo dạng serif truyền thống nhưng có nhiều nét phóng khoáng hơn. Bản thân các letterform (dạng form chữ) cũng được cô đọng, tạo ra nhiều khoảng trống hơn giữa các chữ cái.
Font chữ kết hợp: Open Sans, Roboto.
Là một phần của "họ" Abril với 18 kiểu chữ khác nhau, từ phiên bản Display cho đến phiên bản Text. Phiên bản Fatface không dành cho tất cả mọi người. Trong thực tế, Abril Fatface là sự lựa chọn phong cách cho những người có "gu" đặc biệt.
Abril Fatface có nét chữ dày, sần sùi kết hợp với phần đuôi mảnh. Sự kết hợp này mang lại cho font chữ này một "cá tính" độc đáo và tạo ấn tượng mạnh mẽ khi xuất hiện trên màn hình. Nếu sử dụng Abril Fatface trong bài thuyết trình, bạn sẽ tạo được cảm giác trang trọng và khiến người xem cảm thấy vui tươi. Nếu bạn muốn phần văn bản của mình nổi bật trong khi vẫn duy trì diện mạo chuyên nghiệp cho bài thuyết trình, hãy thử sử dụng Abril Fatface làm font chữ tiêu đề.
Font chữ kết hợp: Raleway, Open Sans.
Được xem là phiên bản mang phong cách riêng của Open Sans. Ubuntu được xây dựng theo dạng sans-serif loại humanist. Và cũng dễ hiểu khi font chữ này được đặt tên là Ubuntu chính là do Canonical, công ty đứng sau Ubuntu Linux, đã tài trợ cho sự phát triển của nó.
Trong khi Open Sans có các cạnh tròn đối xứng, thì Ubuntu uốn cong từ một cạnh duy nhất. Điều này thể hiện rõ nhất qua các chữ cái như "u" và "n".
Font chữ kết hợp: Raleway, Open Sans.
Raleway mang đến sự thanh lịch ở dạng serif, cũng như sans-serif. Raleway có một thiết kế mảnh khá phù hợp để sử dụng cho phần tiêu đề, cũng như là lựa chọn hoàn hảo cho các slide tiêu đề của bài thuyết trình.
Nếu bạn thấy phiên bản thông thường hơi mảnh, thì bạn có thể dùng thử phiên bản semibold.
Font chữ kết hợp: Roboto, Merriweather.
Nhìn chung thì khía cạnh quan trọng nhất của việc thiết kế bài thuyết trình là không làm quá mọi thứ. Chỉ cần chọn một hoặc hai font chữ và sử dụng chúng trên toàn bộ bài thuyết trình. Quy tắc tương tự cũng được áp dụng với màu sắc và các template. Hãy giữ cho mọi thứ đơn giản và nhất quán.
Việc kết hợp các font chữ có thể được thực hiện nhanh chóng và dễ dàng nhờ vào internet. Thêm vào đó, bạn không cần phải tải xuống tất cả các font chữ trên máy tính. Hãy sử dụng các trang web như Google Fonts và Font Pair để tìm cặp phông chữ hoàn hảo cho bài thuyết trình của mình và sử dụng nó.