Ẩn mình sau dãy Himalaya hùng vĩ, Bhutan vẫn thường được nhắc đến như một "vương quốc của sự hạnh phúc", tuy rằng cái tên ấy đã vắng bóng trên những bảng xếp hạng suốt mấy năm gần đây. Quốc gia Tây Nam Á này, hay còn gọi là “Vùng đất của Rồng Sấm”, luôn chú trọng tới các giá trị tinh thần và tập trung phát triển cuộc sống theo hướng yên bình, hạn chế du lịch để bảo tồn các di sản văn hóa, môi trường và đời sống an yên của người dân.
Đó là lí do tại sao tới năm 1974, Bhutan mới sẵn sàng mở cửa chào đón du khách sau khoảng thời gian dài tự thu mình lại với thế giới bên ngoài. Và giờ đây, khi nền du lịch đã phát triển hơn trước, Bhutan vẫn còn đó vô vàn những điều khác lạ cần được khám phá, tiêu biểu nhất phải kể đến những điều (có thể bạn chưa biết) dưới đây:
Bạn còn nhớ nhà mình lắp tivi, hay mạng internet từ khi nào không? Với Bhutan, chắc chắn mốc thời gian ấy phải lùi về sau năm 1999, khi lệnh cấm được quốc vương chính thức gỡ bỏ. Trước đó, Bhutan hoàn toàn là một vùng đất nói không với internet và sóng vô tuyến.
Trước năm 1999, Bhutan là nước không có tivi hay internet.
Tuy vậy, người Bhutan không hề coi điều này là vấn đề gì to tát, bởi con người nơi đây vẫn luôn đề cao những giá trị tâm linh, cố gắng cân bằng hài hoà giữa cả đời sống tinh thần lẫn vật chất. Không riêng gì 2 công cụ công nghệ kể trên, người dân Bhutan cũng chẳng mảy may quan tâm đến chiếc Iphone đời mới nhất là gì, hay ghen tị với các nước khác khi thấy họ phát triển hơn, hoặc hơn nước mình ở một điểm nào đó.
Không một ai phải sống trên hè phố ở đất nước Bhutan, trừ những người muốn thử cảm giác lạ. Nếu một ai đó mất đi nhà cửa, điều họ cần làm chỉ là đến gặp nhà vua - người sẽ lập tức cấp cho họ một mảnh đất để xây nhà, trồng rau.
Không có nhà để ở? Chỉ việc đến gặp quốc vương Bhutan là có đất xây nhà liền!
Trong khi đàn ông Bhutan thường mặc những tấm áo choàng nặng trịch, dài tới gối, phụ nữ Bhutan lại mặc trang phục váy truyền thống dài đến chân.
Thước đo địa vị trong xã hội của một người được đánh giá bằng chiếc khăn choàng quấn bên vai trái. Người thường sẽ quấn khăn màu trắng, còn người có địa vị cao hay các nhà sư sẽ được đeo khăn màu vàng.
Lo sợ về một ngày đau ốm, bệnh tật trong tương lai? Điều này sẽ không xảy ra với người dân Bhutan, khi mỗi người dân đều có quyền miễn viện phí. Ngoài ra, họ còn được tự lựa chọn cách chữa trị mình muốn, tuy rằng cách chữa trị truyền thống được ưa chuộng hơn cả.
Viện phí là thứ không tồn tại ở Bhutan, chí ít là với người dân nơi đây.
Hút thuốc ở Bhutan là vô cùng khó, nếu không muốn nói là không thể
Quốc vương Bhutan từ lâu đã ban sắc lệnh cấm hoàn toàn hoạt động trồng trọt, thu hoạch hay mua bán thuốc lá. Tìm chỗ mua thuốc lá là điều không thể. Tuy vậy, khách du lịch vẫn được mang thuốc lá qua biên giới Bhutan, dù phải trả một khoản phí vô cùng lớn.
Ở Bhutan, những tu viện Phật giáo nằm ở khắp nơi, ẩn mình trong làn khói hương trầm mặc. Những bóng áo cà sa đỏ và những khung cửa được chạm trổ cầu kỳ của các mái chùa luôn là khung cảnh hấp dẫn khiến bất cứ khách du lịch nào cũng muốn một lần tìm về nơi đây để gột rửa mọi vướng bận trong lòng, để được lắng nghe tiếng chuông chiều mà mọi mái chùa cùng đánh, để được các giáo lý bình yên của nhà Phật soi sáng tâm can. Vì lí do đó, cũng không quá ngạc nhiên khi phần lớn người Bhutan theo đạo Phật.
Những tấm áo cà sa đỏ thắm dường như có thể được bắt gặp ở bất cứ đâu tại Bhutan.
Như đã biết, vì hầu hết người dân Bhutan theo đạo Phật, hướng tới sự tôn trọng toàn thể các sinh vật sống, đa số con người nơi đây ăn chay. Món phổ biến nhất, như bao quốc gia châu Á khác, là cơm. Nhưng cơm trắng bình thường không thể được trồng ở độ cao như ở Bhutan; người dân phải sử dụng loại cơm khác, nấu từ gạo huyết rồng màu đỏ nâu, khiến món cơm của Bhutan thơm ngậy hơn, có mùi vị đặc biệt hơn hẳn loại cơm ta vẫn hay ăn.
Gạo huyết rồng thường được dùng để nấu cơm.
Ngoài ra, người Bhutan rất thích thưởng trà; thông thường, họ sẽ uống trà đen, trà xanh với muối, tiêu và một thìa bơ.
Thật vậy, dù có tìm vàng mắt chắc bạn cũng không thể thấy nổi một đèn tín hiệu giao thông nào trên phố xá của thủ đô Thim-bu, Bhutan. Hoạ hoằn lắm cũng chỉ là những biển báo viết bằng tay.
Môi trường, hay thiên nhiên nói chung, là một yếu tố quan trọng đối với người dân Bhutan, khi tới một nửa diện tích nơi đây được bao phủ bởi màu xanh của rừng núi. Người Bhutan nhìn chung rất yêu thiên nhiên, nên việc phá rừng bị lên án rất mạnh mẽ. Đồng thời, động vật và môi trường cũng được bảo vệ nghiêm ngặt.
Điều này âu cũng không quá ngạc nhiên, khi Bhutan là đất nước nằm sâu trong lòng rừng rậm và núi non trùng điệp. Vào những năm 2000, cả thế giới chỉ có đúng 8 phi công đủ bản lĩnh để hạ cánh xuống sân bay Bhutan.
Sân bay duy nhất ở Bhutan, nằm cách thành phố Paro 6km, lọt thỏm giữa những thửa ruộng bậc thang vàng óng ả.
Và bản thân chính phủ Bhutan cũng thực hiện chủ trương không đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thay vào đó là duy trì cuộc sống thanh bình, chậm rãi của người dân. Như đã nói ở phần đầu, Bhutan là đất nước không "đô thị hóa", không "hiện đại hóa", mà chủ yếu đầu tư vào chất lượng cuộc sống và các giá trị tinh thần.
Theo Bright Side