Mới đây, trên page Thông tin Chính phủ, đã đăng tải clip chia sẻ về việc ca nương Kiều Anh (SN 1994, Hà Nội) bị lừa đảo qua điện thoại. Từ vụ việc này của ca nương Kiều Anh, trang Thông tin Chính phủ cũng gửi lời cảnh báo về một hình thức lừa đảo mới siêu tinh vi.
Cụ thể, ở trong clip này, Kiều Anh tâm sự về việc đối phương tự xưng là người giao hàng và hỏi cô có thể nhận hàng vào 9h sáng không. Sau khi Kiều Anh hẹn giao vào thời gian khác, một người tiếp theo gọi điện yêu cầu cô thanh toán trước 18k để giao lại hàng vào buổi chiều. Dù nghi ngờ "có gì đó sai sai" nhưng Kiều Anh vẫn chuyển tiền.
Clip: Ca nương Kiều Anh bị đối phương giả làm là shipper lừa đảo 18k và đe doạ.
Đến khoảng 1h chiều cùng ngày, Kiều Anh nhận được hàng. Khoảng 1 tiếng sau, có một số lạ khác gọi đến và bảo với Kiều Anh rằng: Số tài khoản sáng nay họ gửi cho Kiều Anh đã bị nhầm. Và việc cô chuyển khoản 18k kia thì tức là đã đặt cọc và đăng ký mở tài khoản làm shipper. Nên từ sau giao dịch này, tháng nào Kiều Anh cũng mất 3,5 triệu.
Sau đó, số điện thoại này kêu sẽ gửi cho Kiều Anh 1 đường link để cô huỷ bỏ dịch vụ này, nếu không thì mỗi tháng sẽ bị trừ 3,5 triệu. Nghe đến đây, Kiều Anh nhận ra là bản thân đã bị lừa đảo rồi. "Làm kiểu gì mà mình mới chuyển 18k mà ngân hàng tháng nào cũng đều trừ của mình 3,5 triệu được? Mình biết là lừa đảo rồi!".
Nhưng sau đó, số điện thoại kia liên tục gọi điện, đe doạ Kiều Anh nếu không bấm vào đường link thì sẽ mất tiền. Cuối cùng, Kiều Anh quyết định cúp máy và không bấm link hay nghe theo bất kì lời đe doạ nào.
Bài đăng cảnh báo trên page Thông tin Chính phủ.
Từ câu chuyện của ca nương Kiều Anh, page Thông tin Chính phủ cũng đưa ra lời cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo này:
Hiện nay, các đối tượng thông qua hoạt động giả danh shipper để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua một số phương thức, thủ đoạn sau:
- Các đối tượng lừa đảo thu thập, mua bán dữ liệu những người thường xuyên mua hàng online, sau đó giả danh shipper gọi điện thoại thông báo giao hàng vào những khung giờ bị hại thường không có nhà, gửi thông tin chuyển khoản đề nghị thanh toán.
Sau đó, thông báo chưa nhận được tiền, lừa bị hại tiếp tục chuyển tiền hoặc gửi tin nhắn thông báo bị hại đã đăng ký 1 gói dịch vụ nào đấy, với mức phí từ 2-10 triệu đồng/tháng và hướng dẫn nạn nhân tiếp tục chuyển tiền để hủy gói dịch vụ... để chiếm đoạt.
- Đối tượng lừa đảo giả danh shipper đến giao hàng (bên trong hầu hết là hàng giả, hàng rẻ tiền hoặc không có giá trị), đề nghị thanh toán trước hoặc thanh toán khi giao hàng nhưng không cho kiểm tra hàng hóa.
- Các đối tượng lừa đảo tiếp cận với các kênh livestreaming bán hàng, tiếp cận với những khách hàng đặt mua hàng online, đề nghị xác thực đơn hàng tại các trang web giả mạo hoặc yêu cầu tải app theo dõi giao hàng để chiếm quyền kiểm soát điện thoại, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
- Các đối tượng gọi điện giả danh shipper giao hàng để thu thập thông tin cá nhân của người dân, sử dụng cho các phương thức, thủ đoạn lừa đảo khác.
Một số khuyến cáo người dân cách nhận biết phương thức, thủ đoạn lừa đảo giả danh shipper để chủ động phòng ngừa:
- Luôn kiểm tra kỹ đơn hàng, xác nhận với người gửi trước khi thanh toán. Nếu không đặt hàng, từ chối nhận và không thanh toán.
- Yêu cầu được kiểm tra hàng trước khi thanh toán. Nếu shipper từ chối, hãy liên hệ ngay với người bán hoặc tổng đài của đơn vị vận chuyển.
- Chỉ thanh toán khi hàng đó đúng do mình đặt, kiểm tra hàng đảm bảo chất lượng, nên thanh toán trực tiếp với bên bán hoặc thông qua các sàn thương mại số. Kiểm tra kỹ thông tin tài khoản trước khi chuyển tiền. Không quét mã QR từ nguồn không rõ ràng.
- Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng cho người lạ hay các đối tượng mạo danh shipper (các shipper chân chính luôn có thông tin của khách hàng trên đơn hàng).
- Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời tố cáo đến cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận.
Đồng thời chủ động lưu giữ các nội dung trao đổi giữa mình và đối tượng lừa đảo đề cung cấp cho cơ quan Công an phục vụ công tác điều tra (chụp ảnh lại các nội dung tin nhắn, ghi âm cuộc gọi, sao kê chuyến tiền...).
Bên dưới bài đăng của Thông tin Chính phủ, nhiều người đã gửi lời cảm ơn, share bài viết để cảnh báo đến mọi người, đặc biệt những ai hay mua hàng online và nhận hàng từ shipper.
Dưới đây là một số bình luận nổi bật:
- "Mình cũng bị nhưng mà bên đó nói là chuyển khoản 14k để xuất kho, rồi shipper mới giao đến tận nhà vì là đơn 0 đồng. Shipper mình toàn biết mặt và quen làm gì có chuyện phải chuyển khoản và gọi trước như thế này, nên mình nhất định không chuyển. Nên giờ chị em mình mua hàng online nên cẩn thận bước thanh toán nhé."
- "Mình cũng từng như này nè. Chấp nhận chuyển khoản 15k đến đoạn sau thì biết lừa đảo liền...! Mọi người cảnh giác nhé!"
- "Sợ ghê. Trò lừa đảo mới nó không đánh vào lòng tham mà nó đánh vào sự tiếc của nè mọi người. Ai tâm lý yếu, sợ mất tiền là làm theo nó liền"