YouTuber là một nghề, nếu ăn nên làm ra, có thể kiếm được một khoản tiền rất dư dả từ nhiều nguồn khác nhau, trở thành một hình mẫu được nhiều người hướng đến vì tính chất làm việc thoải mái, không bị gò ép mà lại linh hoạt. Tuy nhiên, có một điều mà gần như không một YouTuber nổi tiếng nào tiết lộ trước: Trở thành một nhân vật thành công thực sự không có nghĩa chỉ cần làm ra video hot là xong, tất cả còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nữa.
Thế nhưng, một video mới của The Fitness Marshall lại phá vỡ khuôn phép đó, nói lên nỗi lòng của một người làm YouTube từng lăn lộn bươn chải. Được biết, hiện tại The Fitness Marshall đã đạt hơn 1,3 triệu subscriber trên YouTube, một cột mốc đáng nể với bất kỳ một dân tập sự nào. Caleb Marshall là chủ nhân kênh video này. Tính đến hiện tại, Caleb Marshall đã theo đuổi làm YouTuber được 4 năm, thường xuyên làm những video hướng dẫn dạy nhảy kết hợp rèn luyện cơ thể cho cộng đồng mạng.
Theo anh, thu nhập của YouTuber thường khá linh động về nguồn, bên cạnh tiền kiếm được từ view và độ lan tỏa của video còn có cả đồ phụ kiện liên quan, hợp tác bán vé cho show diễn, nhận tài trợ từ thương hiệu bên ngoài,... Trong số đó, chỉ có duy nhất tiền với vai trò làm đối tác sản xuất video mới được "trích" phụ thuộc thẳng từ view (thường không đáng kể lắm dù ban đầu nghe thì to), còn số còn lại thì không hề đơn giản. Bên cạnh việc làm rõ những khái niệm bị hiểu lầm về thu nhập, Caleb còn muốn mọi người thay đổi tư tưởng về một "tập thể YouTuber lười biếng, nông cạn, chỉ biết làm video mua vui rồi hưởng thụ".
"Chúng tôi làm hầu như là vì đam mê và tình yêu của bản thân muốn truyền tải nhiều thứ cho người khác, chứ không phải vì tiền hay lợi dụng sự hiếu kỳ của người xem để kiếm tiền cho có," trích lời Caleb. Anh cho rằng ý nghĩ YouTuber chỉ chăm chăm đến lợi nhuận là không đúng hoàn toàn, chí ít là với những người làm ăn chân chính.
Chẳng hạn, Caleb chỉ cho phép mình dùng nhạc có bản quyền, phải trả tiền để có quyền sở hữu chứ không phải lấy từ một nguồn miễn phí bất hợp pháp nào đó trên mạng. Như đã biết, tiền kiếm được từ video công khai trên YouTube thường chia làm 2 phần: cho chủ nhân video và cho chính YouTube - thế nhưng một khi có áp dụng nhạc nền của các nghệ sỹ và nhà sản xuất bên ngoài, phần tiền của chủ video lại được chia thêm một lần nữa để trả cho bên đó. Cay đắng hơn, nếu ca khúc được sử dụng đó đang nổi tiếng, đứng ở tầm top 40 bảng xếp hạng toàn cầu, họ sẽ làm lớn và lấy toàn bộ số tiền của chủ video vì có góp mặt của sản phẩm âm nhạc. Tất nhiên, nếu may mắn trong việc thương lượng với bên giữ bản quyền nhạc, Caleb vẫn có thể được hưởng một phần lợi nhuận, nhưng khi xui xẻo thì cũng đồng nghĩa với việc công sức làm video cho cộng đồng giờ đã gần như bằng không.
Sony Music là một trong những thương hiệu sở hữu bản quyền âm nhạc lớn nhất hành tinh, và họ cũng thường... lấy hết tiền lợi nhuận từ video có dùng nhạc của họ.
Trong số 147 video tính đến giờ, chúng tôi chỉ được nhận tiền công sức cho 11 video mà thôi. Đó là 7% toàn bộ quá trình bỏ ra của mình cho toàn bộ nội dung sáng tạo ra
Caleb Marshall
Vậy nếu chỉ kiếm được một phần rất nhỏ từ những gì bỏ công ra như vậy, làm thế nào mà Caleb vẫn duy trì được đến ngày hôm nay? Thì ra qua nhiều kinh nghiệm thu được, anh đã tìm ra cách xây dựng thương hiệu và quảng bá để bán các phụ kiện, sản phẩm của mình tới người xem, hoặc những tấm phiếu mua hàng hay phí dịch vụ để được truy cập riêng những video đầu tư đặc biệt nhất của họ. "Chính những nguồn phí hỗ trợ này là động lực và cũng là khoản tài chính giúp đỡ chúng tôi rất nhiều." Ngoài ra, cũng có một số khoản tặng thưởng đến từ YouTube nhưng không phải thường xuyên, chỉ như một cách nhắc nhở rằng anh đã có chỗ đứng khá vững ở nền tảng video của họ.
Dù vậy, một sự việc đáng nhớ đã diễn ra càng khiến những người làm video như Caleb xót ruột hơn: YouTube chính thức áp dụng chính sách thuế thu nhập cá nhân cho cả người dùng của họ, với mức trả 30% nữa tính vào tổng thu nhập từ video. Vì thế, khi đã cắt đi mọi khoản thu bắt buộc tương tự, sau đó chia đều lương trả cho cả đội ngũ làm kênh, Caleb chỉ thu về khoảng hơn 2800 USD/năm (hơn 60 triệu đồng) cho riêng mình. Đó là mức lương cả năm của một chủ kênh YouTube có hơn 1,3 triệu subscriber!
Tổng thu nhập của kênh là 17.894 USD trong suốt 4 năm, chia đều cho khoảng thời gian đó, cắt thuế và trả lương cho đội ngũ kênh, anh chỉ thu về hơn 2800 USD cho mình/năm.
"Nếu bạn nghĩ tôi cũng là một kẻ nông cạn hám tiền chỉ biết làm mọi thứ hào nhoáng thì chắc lần này tôi đã làm bạn thất vọng rồi. Tôi còn đang tìm cách cố tự kiếm thêm vượt qua mức 2800 USD kia đây."
Dĩ nhiên, nhiều người có thể có những quan điểm riêng của mình về cộng đồng và công việc làm video trên YouTube nói chung, nhưng Caleb Marshall vẫn là một trong những số ít ví dụ điển hình dám nói lên những gì đi ngược với số đông, về những vấn đề cấp thiết, nhạy cảm như thu nhập và tư tưởng định kiến. Có lẽ chúng ta cần có thêm thời gian để có thể thực sự hiểu về cách nghĩ của họ, cũng như quan niệm về thành công của YouTuber hiện nay. Điều đó suy cho cùng sẽ giúp cho nhiều người có thêm đồng cảm và thấu hiểu khó khăn của người khác, góp phần xây dựng một cộng đồng tốt đẹp, đoàn kết và lành mạnh hơn.