"Yêu ai thì yêu, quyết không dính vào bisexual” hay câu chuyện về một cộng đồng bị bỏ quên

Minh Đức, Minh họa: Len Illustrator, Thiết kế: Nhật Ánh, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 30/05/2019

Bisexual - những người song tính, là một mảnh ghép thường bị bỏ quên trong bức tranh “LGBTI+”. Đôi khi, họ bị bỏ quên vì câu chuyện về những người đồng tính, chuyển giới dường như được chú ý hơn; hoặc có những người cố tình lờ đi sự hiện diện của người song tính: “Tôi không muốn hẹn hò với một bisexual”.

Bài viết sử dụng những cụm từ “bisexual” hay “người song tính” cho những người nhìn nhận đó như một xu hướng tính dục của bản thân, không gắn nhãn một cách bừa bãi. Các quan điểm chia sẻ được tổng hợp thông qua phỏng vấn với nhiều người song tính.

Trong một gameshow hẹn hò mới đây, câu chuyện về anh Nguyễn Đặng Hoàng Trung, một chàng trai song tính - Bisexual khiến nhiều người chú ý. Đâu đó giữa những lời khen ngợi, ai đó vẫn thắc mắc song tính là gì? Bisexual là gì? Nhiều người thảng thốt buông ra câu: “Đấy là cái bọn yêu cả nam cả nữ ấy mà, không hay ho gì đâu”. Là một chữ “B” quan trọng, ấy vậy nhiều người song tính vẫn cười trừ lắc đầu khi được hỏi: “Người ta nghĩ gì về bisexual khi bọn em công khai như vậy?”.

“Người ta nói rằng, sẽ không bao giờ hẹn hò với một người song tính”, một cô bé bạn tôi cười trừ.

Yêu ai thì yêu, quyết không dính vào bisexual” hay câu chuyện về một cộng đồng bị bỏ quên - Ảnh 2.

Nếu như kỳ thị người đồng tính có khái niệm homophobia thì với người song tính, cụm từ “Biphobia” được nhắc tới khá phổ biến - nhiều người không coi song tính là một xu hướng tính dục; số đông còn lại có những định kiến gay gắt về người song tính. Bisexual “không chung thủy, lăng nhăng, dễ thay lòng đổi dạ, hay lừa dối, nhu cầu tình dục cao, sống hai mặt, dễ lây nhiễm HIV, phóng túng, không bao giờ thích ổn định…”. Chỉ cần một vài giây gõ Google, Wikipedia đã trả cho tôi những kết quả như vậy về định kiến với người song tính. Ai đó đã từng nghe một hay vài điều trong số những định kiến ấy, nhưng nó có tồn tại thực sự - những định kiến ám ảnh người song tính và nhiều câu chuyện tình cảm trái ngang khác. Có những người song tính, cũng vì lẽ đó mà không dám công khai bản thân là một bisexual.

Cuộc sống vốn chuộng hệ nhị phân, một là đen hai là trắng, dù bisexual không phải một thứ xám ngắt ở giữa, tình yêu với nhiều người, vẫn chỉ nên nghiêng về đồng tính hay dị tính mà thôi. Nghĩ cũng buồn.

Yêu ai thì yêu, quyết không dính vào bisexual” hay câu chuyện về một cộng đồng bị bỏ quên - Ảnh 3.

Tôi có một chị bạn trong Sài Gòn; chị thích tôi gọi là Thu Ngọc. Là một bisexual, chị chưa bao giờ thoải mái công khai câu chuyện mình là người song tính. Vui vui chị nói, “nếu tao pê-đê hay không thích ai nữa há, chắc nói ra còn dễ hơn”. Vui miệng thì chị nói vậy, chứ tôi hiểu chị không có ý miệt thị ai. Chị Ngọc kể có lần, hẹn hò với một anh được hơn một năm hạnh phúc; nghĩ rằng đã yêu nhau lâu rồi thì có thể kể hết quá khứ cho nhau nghe. Ai dè đâu một ngày, chị kể cho anh chuyện chị từng thích con gái…

“Ổng bỏ tao sau đó không lâu, nói là sợ tao lăng nhăng. Về vài hôm, tao thấy ông viết trên Facebook: Yêu ai thì yêu, quyết không dính vào bisexual”, chị kể lại. “Nhiều người nghĩ bisexual dễ lung lay, lăng nhăng, ngoại tình, chẳng mấy chốc rồi cũng chia tay”.

Với những người song tính, chuyện tình cảm được nhìn nhận theo một cách “đặc biệt” hơn - họ bị gắn mác là những kẻ tham lam, dễ lung lay, dễ lăng nhăng khi chuyển từ một tình yêu cho cậu bạn trai sang cô bạn gái. Người ta đã vô tình quên đó là câu chuyện tình cảm giữa hai người mà chỉ nhìn nhận đó là câu chuyện xu hướng tính dục. Nếu hai người đồng tính chia tay nhau vì phản bội, không ai nói rằng “đấy, mấy đứa đồng tính như vậy đấy”, và càng không có ai phàn nàn về việc bạn dị tính nếu bạn yêu ai đó rồi chia tay. Nhưng nếu bạn là một bisexual, người ta nghiễm nhiên coi đó là vấn đề của cả một xu hướng tính dục.

Yêu ai thì yêu, quyết không dính vào bisexual” hay câu chuyện về một cộng đồng bị bỏ quên - Ảnh 4.

Một người đã có trong đầu tư tưởng ngoại tình thì dù họ là ai, việc ngoại tình rồi cũng sẽ diễn ra. “Yêu một người song tính mệt mỏi lắm, lúc nào cũng phải lo giữ kè kè vì họ ở bên cạnh gái cũng nguy hiểm, ở bên cạnh các bạn nam cũng biết đâu chuyện gì. Nhìn đâu cũng thấy tình địch cả, chẳng dại”, ai đó từng nói với tôi vậy. Bạn không kè kè giữ một người song tính, hay một chàng trai dị tính, chỉ đơn giản là bạn đang lo lắng vì một gã có tư tưởng ngoại tình. Có nhiều lựa chọn không đồng nghĩa với việc bạn sẽ thay đổi liên tục, đó chỉ là cách để bạn luôn nhắc nhở bản thân hãy thấu đáo hơn trong việc chọn một người nào đó. Chúng ta yêu một người vì con người của họ chứ không yêu một người vì họ là nam hay họ là nữ.

“Những người song tính vẫn cũng có hỷ nộ ái ố nên tình cảm, cảm xúc vẫn tồn tại trong họ song song với nhu cầu tình dục”, anh Trung chia sẻ.

Có một người ủng hộ việc “ghét người song tính” từng nói với tôi rằng: Nếu trên thế giới còn lại ba người, 1 người song tính, 1 người dị tính nam và 1 người dị tính nữ, vậy người song tính đó sẽ có nhiều cơ hội hơn đúng không? Không, cơ hội luôn công bằng cả, nếu người song tính đó là nam, rõ ràng anh ta chỉ có thể yêu cô gái dị tính. Họ có nhiều sự lựa chọn, nhưng một mối quan hệ không nằm ở một phía, vậy nhìn đi nhìn lại, họ đâu có hơn người khác? Sống trong một thế giới vài tỷ dân, cách tính toán như vậy cũng không bao giờ là thỏa mãn.

Bàn cân của một mối quan hệ là bàn cân của cảm xúc, thấu hiểu và những giá trị hài hòa chúng ta tìm thấy ở nhau. Tôi tin rằng tất cả những điều không hay người ta gắn cho một người song tính chỉ là đặc điểm tính cách của một người song tính nào đó họ từng tiếp xúc, hoặc chỉ là võ đoán. Đừng gán cho bisexual những định kiến, vốn chẳng thuộc về một giới tính hay xu hướng tính dục nào cả; nó thuộc về những mối tình “độc hại”, những người có sẵn tâm lý ngoại tình hay dễ thay đổi.

Yêu ai thì yêu, quyết không dính vào bisexual” hay câu chuyện về một cộng đồng bị bỏ quên - Ảnh 5.

Quay lại câu chuyện của Ngọc, nhiều người cũng hỏi chị rằng, có phải vì là đồng tính nhưng không dám nhận, đành nhận là song tính để “gỡ gạc” và vẫn có thể kết hôn không? Rồi người ta lại thêu dệt ra hàng trăm câu chuyện trái khoáy khác. Nhiều người thích bình luận, cũng hay thêm vào câu chuyện đôi lời bàn tán kiểu.

“Mày không phải bisexual đâu, vì lúc đó mày chưa khám phá ra giới tính/xu hướng thật của bản thân mày thôi”.

Buồn cười hơn, nếu một người nào đó đi yêu người dị tính sau khi đã yêu một người đồng tính thì lại bị nhiều người chỉ trích, đáng buồn đôi khi từ chính cộng đồng: “Vì mày muốn trốn tránh và chỉ đi tìm bình phong thôi phải không?”. Nhiều người không cho rằng có sự tồn tại của người song tính nam, “chỉ là họ chưa hiểu rõ về bản thân mình thôi, chắc chắn họ là đồng tính hoặc dị tính” - đó là cách người ta gán cho nhận định trên một lý lẽ. Đây là một câu chuyện phức tạp và tôi luôn giữ vững niềm tin rằng, không phải khi yêu ai đó, mọi thứ sẽ quy về câu chuyện tình dục. Nếu một chàng trai song tính nói rằng họ thích một cô gái nào đó sau nhiều năm tháng hẹn hò với một chàng trai, hãy tin vào điều đó.

Yêu ai thì yêu, quyết không dính vào bisexual” hay câu chuyện về một cộng đồng bị bỏ quên - Ảnh 6.

“Bisexual nghĩ rằng họ thuộc cộng đồng LGBTI+ nhưng cộng đồng này đôi khi không chấp nhận họ”, chị Ngọc thở dài trong câu chuyện của chính mình. Cảm xúc là chuyện cá nhân, nhiều người bao đồng cứ nghĩ rằng mình cái gì cũng biết, chỉ thiếu biết điều.

Điều đáng buồn, câu chuyện về nỗi kì thị người song tính cũng gây nên những điều ảnh hưởng tâm lý tiêu cực. Theo một nghiên cứu, nhiều người song tính thường không tự tin, hay hoài nghi về bản thân và giá trị của mình. Các triệu chứng về vấn đề rối loạn tâm lý, thường xuyên lo âu, căng thẳng, sự sợ hãi bị kỳ thị cũng được kiểm tra phát hiện trong câu chuyện của nhiều người song tính.

Yêu ai thì yêu, quyết không dính vào bisexual” hay câu chuyện về một cộng đồng bị bỏ quên - Ảnh 7.

Nếu bạn có một lý do thỏa đáng - vì lựa chọn là ở mỗi người, như: “tôi gặp vấn đề về niềm tin, và dù thích bạn nhiều lắm, tôi không muốn đặt bản thân vào tình huống đầy lo lắng. Tôi không nghĩ rằng mình có thể vượt qua được điều đó, về mặt tình thần. Xin lỗi bạn rất nhiều”.

Hoặc chỉ đơn giản nói: “Xin lỗi, tôi không thể hẹn hò với một người song tính”, thay vì “tôi không thích mấy người song tính vì họ chẳng đáng tin tẹo nào, nay thích người này mai thích người khác”.

Tôi tin rằng mọi người đều có quyền bày tỏ lựa chọn và thể hiện ý kiến riêng của mình, trong câu chuyện với những người song tính cũng vậy. Chấp nhận một người nào đó cần nhiều sự dũng cảm và hiểu biết hơn là yêu thương; có thể bạn chưa hiểu để chấp nhận ai đó, nhưng sự tôn trọng là điều cần thiết trong mọi mối quan hệ.

Yêu ai thì yêu, quyết không dính vào bisexual” hay câu chuyện về một cộng đồng bị bỏ quên - Ảnh 8.

Suy cho cùng, lựa chọn vẫn là của mỗi người. Bạn không nợ ai một lời giải thích cho ý kiến cá nhân rằng bạn không thích một ai đó và vô tình, họ là người song tính; nhưng bạn nợ những người song tính một lời xin lỗi nếu đó là những câu nói xúc phạm, khinh miệt, chụp mũ và phân biệt đối xử.

Có nhiều người đã đứng lên cho quyền của những người đồng tính hay người chuyển giới; vấn đề của người song tính có lẽ sẽ không nghiêm trọng như câu chuyện hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới hay công nhận quyền chuyển giới. Nhưng tôi luôn nghĩ rằng, một tiếng nói cho người song tính cũng là điều đáng trân trọng. Chúng ta không muốn những người LGBTI+ bị bỏ lại phía sau, vậy cũng mong không ai bỏ chữ “B” lại trong câu chuyện của một cộng đồng lớn như vậy.

Bi, đừng sợ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày