Xuôi về miền Tây nghe lời tri ân

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 13:30 10/11/2020
Chia sẻ

“Em cảm ơn thầy đã giúp đỡ em rất nhiều trong thời gian qua. Nhờ có thầy mà kết quả học tập của em ngày càng tốt hơn”.

Những lời tri ân mộc mạc nhưng chân thành là điều mà đại diện Tập đoàn Thiên Long cùng với đại diện ban tổ chức chương trình Chia Sẻ Cùng Thầy Cô đã được lắng nghe rất nhiều trong suốt 2 chuyến ghé thăm 2 tấm gương giáo viên là người dân tộc thiểu số tiêu biểu của khu vực miền Tây Nam Bộ.

Hậu Giang có người thầy Khmer 18 năm nỗ lực đổi mới cách dạy

Ghé thăm trường THCS Lương Tâm, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang vào một ngày se se lạnh tháng 11, đoàn được thầy hiệu trưởng trường dẫn đến lớp đang có tiết của thầy Danh Minh. Mọi sự mệt mỏi dường như tan biến hết khi đoàn được hòa vào không khí vui tươi, sôi nổi tiết dạy Sinh học lớp 6 của thầy.

Gặp gỡ đoàn sau buổi lên lớp, thầy Danh Minh hào hứng chia sẻ về cách làm mới để giúp các em tiếp thu tốt bài giảng: "Qua quá trình công tác, tôi nhận thấy khi mình đưa kiến thức tới các em phải thật gần gũi. Và đặc biệt, mình phải có những thí nghiệm thực hành cho các em. Khi có thí nghiệm thực hành thì các em nắm kiến thức nhanh và hiểu sâu hơn nhiều. Ví dụ với môn Sinh học 6, trong bài giảng 'Lá chế tạo tinh bột khi có ánh sáng', mình dùng ngay lá khoai lang; hoặc nếu muốn để các em thấy cây quang hợp tạo ra khí thì mình dùng ngay cỏ rong đuôi chó. Loại cỏ này với các em ở dưới quê rất gần gũi. Chọn các loại thực vật gần gũi với các em thì bài giảng sẽ hiệu quả hơn".

Xuôi về miền Tây nghe lời tri ân - Ảnh 1.

Thầy Danh Minh với những thí nghiệm từ những vật dụng đơn giản để làm phong phú thêm cho bài giảng

18 năm ròng gắn bó với trường THCS Lương Tâm, thầy Danh Minh luôn suy nghĩ và áp dụng những cách dạy mới, những phương pháp dạy học độc đáo, phù hợp với bộ môn mình đảm nhiệm. Khi được hỏi về điều ý nghĩa nhất trở thành động lực để gắn bó với nghề, người thầy giáo Khmer hiền lành chỉ nói: "Từ nhỏ mình cũng có ước mơ làm giáo viên rồi. 18 năm nay, tôi rất thích, mặc dù mình là người thầy, công việc thầm lặng là 'đưa khách sang sông', nhưng sau này, khi các em trưởng thành, vẫn nhớ về mình thì đó là một điều hạnh phúc, hạnh phúc lắm".

Xuôi về miền Tây nghe lời tri ân - Ảnh 2.

Thầy Minh thường xuyên đến thăm hỏi cuộc sống của các học sinh khó khăn của mình

Thầy Danh Minh cũng giống như rất nhiều những thầy cô người dân tộc khác tại khu vực Tây Nam Bộ này: Được sinh ra từ bản, trưởng thành từ bản, nhưng cuối cùng lại một lòng hướng về miền xuôi, mang tri thức truyền dạy cho con em đồng bào. Những người giáo viên lặng thầm ấy vẫn luôn giữ vững phẩm chất đạo đức, nuôi dưỡng ngọn lửa nhiệt huyết, tận tâm với nghề, miệt mài rèn giũa các em để trở thành những mầm non hi vọng, thắp sáng tương lai cho những miền đất còn khó khăn của tổ quốc.

Người thầy dân tộc Tày yêu Địa lý

Xuất thân từ gia đình dân tộc Tày của tỉnh Bắc Kạn, vượt qua những khó khăn gian khổ, 5 năm qua, thầy Triệu Văn Huynh gắn bó với trường THCS Châu Văn Liêm trong vai trò giáo viên giảng dạy bộ môn Địa lý và Tổng phụ trách Đội. Khi được hỏi về cơ duyên nào đã đưa thầy đến với miền đất Cần Thơ sông nước, thầy Triệu Văn Huynh chỉ nói: "Từ lúc học mình đã có sự yêu nghề, với lại mình học địa lý ra nên mình cũng muốn được đi đây đi đó, được thử sức tại một miền đất khác. Và khi mình nghe nói là trong Cần Thơ đang cần giáo viên nên quyết định thử một lần đến đất phương Nam".

Xuôi về miền Tây nghe lời tri ân - Ảnh 3.

Thầy Huynh tận tâm chỉ dạy các em học sinh rèn luyện nghi thức Đội, chuẩn bị cho lễ chào cờ

Thiếu thốn về chỗ ở, phải tạm trú trong một căn phòng trọ nhỏ hẹp; rời xa gia đình, văn hóa Bắc - Nam khác biệt; những khó khăn đó chưa bao giờ làm thầy Huynh nản lòng. 5 năm gắn bó với học sinh đồng bào Khmer là quãng thời gian thầy dành hết tri thức, nhiệt huyết để tổ chức hướng dẫn cho các em tham gia các phong trào, hoạt động Đội. Không dừng lại ở đó, thấu hiểu được sự khó khăn thiếu thốn của các em, thầy Huynh cũng tham mưu với ban giám hiệu trường để tìm kiếm, vận động các mạnh thường quân hỗ trợ thêm, giúp những học sinh nghèo có đủ điện kiện tới trường như bạn bè cùng trang lứa.

Xuôi về miền Tây nghe lời tri ân - Ảnh 4.

Căn phòng trọ nhỏ hẹp, thiếu thốn không thể dập tắt sự nhiệt huyết và niềm đam mê cháy bỏng với nghề giáo của người con đồng bào dân tộc Tày, vùng miền núi phía Bắc

Sự nỗ lực sáng tạo vượt lên hoàn cảnh của thầy Danh Minh hay sự cần mẫn, nhiệt huyết, dũng cảm thử thách bản thân ở một miền đất mới của thầy Triệu Văn Huynh chính là tiêu chí của thế hệ giáo viên mới mà tập đoàn Thiên Long và Chia Sẻ Cùng Thầy Cô 2020 vẫn luôn tìm kiếm. "… Đó là thế hệ thầy giáo, cô giáo có những sáng kiến, mô hình, công trình nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy học sinh; Là thế hệ thầy cô ngoài việc dạy kiến thức ở trường, còn gợi mở tư duy, kể chuyện thực tế cuộc sống, rèn luyện kỹ năng sống cho các em học sinh." - Ông Trịnh Văn Hào - Giám đốc Marketing Tập đoàn Thiên Long nhận định.

Thông tin chi tiết về những tấm gương nhà giáo người dân tộc thiểu số tiêu biểu trên cả nước vẫn được cập nhật liên tục tại Fanpage chính thức của Chia Sẻ Cùng Thầy Cô 2020: https://www.facebook.com/chiasecungthayco.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày