Xuất hiện hình thức lừa đảo mới của các gian hàng "ma" trên Shopee

VietPA, Theo Trí thức trẻ 12:10 05/09/2019

Lợi dụng chính sách không cho đồng kiểm của nhiều trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, một số gian thương đã sử dụng các chiêu trò khá tinh vi để lừa đảo người mua hàng.

Từ tháng 3/2019, một số sàn thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam như Lazada, Shopee đồng loạt ra thông báo ngừng cung cấp dịch vụ đồng kiểm khi nhận hàng. Điều này cũng đồng nghĩa, người mua hàng chỉ được kiểm tra hàng sau khi đã thanh toán đầy đủ cho nhân viên giao hàng, vô hình chung khiến không ít người dùng cảm thấy hoang mang trước nguy cơ bị lừa đảo khi mua hàng trên các sàn TMĐT.

Sự hoang mang này hoàn toàn có cơ sở, khi số vụ việc các "gian thương" lợi dụng kẽ hở trong việc đồng kiểm để lừa đảo khách hàng đang xuất hiện ngày càng nhiều trong thời gian gần đây.

Rao bán sản phẩm giá rẻ bằng một 1/3 giá gốc để lừa đảo

Mới đây, anh S.N - quản trị viên một nhóm người dùng đam mê các thiết bị SmartHome đã đăng tải một bài viết cảnh báo tới các thành viên trong nhóm về một cửa hàng trên Shopee có dấu hiệu lừa đảo người mua. Bài viết được đăng tải sau khi một số thành viên trong nhóm phản ánh về việc mình bị lừa bởi cửa hàng nói trên.

Xuất hiện hình thức lừa đảo mới của các gian hàng ma trên Shopee - Ảnh 1.

Bài viết nhanh chóng thu hút được rất nhiều bình luận và chia sẻ

Trong bài viết của mình, quản trị viên S.N đã cáo buộc một cửa hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee sử dụng "hình thức lừa đảo mới", bán các sản phẩm giá rẻ nhằm lừa đảo người mua.

Cụ thể, sản phẩm được quản trị viên này nhắc tới là một mẫu loa thông minh có giá bán chỉ 255.000, rẻ hơn rất nhiều so với mức giá 789.000 tại các cửa hàng khác. Được bán bởi cửa hàng có tên "phukiengiasi.cf ", sản phẩm này dòng mô tả rất hấp dẫn như "xả kho", "chính hãng nguyên seal", "nhằm hướng tới đối tượng người mua với tâm lý giá rẻ cứ đặt không mất gì", theo chia sẻ của anh S.N.

Cũng theo anh S.N, sau khi nhận được đơn đặt hàng từ phía người dùng, shop "phukiengiasi.cf" đã âm thầm treo các đơn hàng này trên Shopee không xác nhận. Tiếp đến, sản phẩm vẫn được chủ shop này ship tới địa chỉ đã thu thập bằng dịch vụ vận chuyển thứ ba mà không thông qua dịch vụ vận chuyển các trang TMĐT.

Xuất hiện hình thức lừa đảo mới của các gian hàng ma trên Shopee - Ảnh 2.

Cảnh báo từ một người dùng đã đặt mua

Tuy nhiên theo chia sẻ của anh S.N, khi nhận hàng, người mua có nguy cơ nhận phải "gạch, giấy vụn", khác xa hoàn toàn so với sản phẩm đã đặt. Quản trị viên này cũng cảnh báo, người mua bị lừa đảo "sẽ không thể đòi lại được tiền khi đã kí nhận hàng" từ phía shop lẫn từ phía Shopee khi đơn hàng đã bị hủy trên hệ thống của trang TMĐT này trước đó.

Xuất hiện hình thức lừa đảo mới của các gian hàng ma trên Shopee - Ảnh 3.

Gói hàng được giao không hề ghi mã và thông tin đơn hàng trên Shopee, do đơn hàng đã bị hủy trước đó

Ngay sau khi bài viết được đăng, một số thành viên đã đặt mua trước đó cho biết, họ từ chối nhận các gói hàng khi nhân viên giao hàng mang tới, ngay sau khi biết cửa hàng này có dấu hiệu lừa đảo người mua. Bên cạnh đó, không ít thành viên trong nhóm đã bày tỏ sự tức giận với hành vi lừa đảo này, đồng thời kêu gọi đồng loạt báo cáo (report) cửa hàng này tới Shopee. Một số khác thậm chí còn dự định đặt mua một số lượng lớn sản phẩm không nhận hàng nhằm trả đũa cửa hàng bị cáo buộc lừa đảo trên.

Đáng chú ý, theo phản ánh của nhiều người dùng, kể từ khi vụ việc lừa đảo bị cộng đồng phát giác từ 3 ngày trước, cửa hàng này vẫn "ung dung" tồn tại như không có điều gì xảy ra, mặc cho hàng trăm báo cáo (report) đã được người dùng gửi tới Shopee. Mãi tới thời điểm 16h00 chiều nay (4/9), theo ghi nhận thực tế từ PV, tài khoản "phukiengiasi.cf" của cửa hàng này mới chính thức bị khóa trên Shopee. Điều này đồng nghĩa với việc, kể cả khi đã bị cộng đồng tố giác, vẫn có thêm hàng trăm trường hợp khách hàng bị cửa hàng này lừa đảo trong suốt những ngày qua, do Shopee tỏ ra quá chậm chạp trong việc xử lý các shop vi phạm trên trang TMĐT cửa mình.

Xuất hiện hình thức lừa đảo mới của các gian hàng ma trên Shopee - Ảnh 4.

16h00 chiều nay (4/9), tài khoản "phukiengiasi.cf" chính thức bị khóa trên Shopee

"Thiệt đơn thiệt kép" vì mua phải hàng lừa đảo trên trang thương mại điện tử

Trên thực tế, hình thức lừa đảo như trên không phải mới và đã được các cơ quan truyền thông phản ánh rất nhiều lần. Đối tượng người mua bị lừa đảo cũng không chỉ gói gọn trên Shopee, mà còn xảy ra ở nhiều các trang thương mại điện tử khác như Sendo, Lazada. Đáng nói ở chỗ, bản thân hình thức lừa đảo này cũng không quá tinh vi, mà trái lại khá đơn giản.

Thông thường, những đối tượng này sẽ lập một gian hàng "ma" trên các sàn thương mại điện tử có chính sách bán hàng dễ dàng như Shopee. Từ gian hàng ma này, chủ shop sẽ đăng tải những sản phẩm có mức giá cực hấp dẫn, rẻ hơn giá niêm yết từ 3-4 lần, cùng với đó những dòng mô tả rất hấp dẫn như "giảm giá cực sốc", "thanh lý xả kho". Những mặt hàng có giá trị cao, kích thước nhỏ gọn như đồ điện tử, điện thoại là mặt hàng được các "gian thương" tập trung.

Hầu hết các shop lừa đảo đều sử dụng nhuần nhuyễn công thức: Đăng bán các sản phẩm giá cực rẻ để hút khách > hủy đơn > ship không qua sàn TMĐT mà qua bên thứ ba > nhận tiền. Đối tượng yêu thích được các shop lừa đảo này hướng tới thường là những khách hàng ham rẻ và thiếu cảnh giác, lầm tưởng đây là sản phẩm mình đặt mua trên sàn TMĐT và vẫn tiến hành thanh toán tiền bình thường khi nhận hàng.

Xuất hiện hình thức lừa đảo mới của các gian hàng ma trên Shopee - Ảnh 5.

Tuy nhiên, do chính sách không được kiểm tra hàng khi nhận của nhiều trang TMĐT, người mua rất dễ nhận phải hàng giả, hàng nhái có chất lượng rất kém so với sản phẩm chính hãng. Cũng với thủ đoạn trên, khách hàng thậm chí còn có nguy cơ bị tráo sản phẩm khi mua hàng trên sàn TMĐT. Trên thực tế, không ít khách đã lâm vào cảnh "dở khóc dở cười", khi đặt mua sản phẩm điện tử đắt tiền như điện thoại trên sàn TMĐT nhưng lại nhận được…một gói hàng gồm toàn gạch đá, giấy vụn, ly nước được đóng gói rất cẩn thận!

Đáng nói ở chỗ, bản thân người dùng khi rơi vào trường hợp này thường bị "thiệt đơn thiệt kép" khi không được nhận bất kỳ hình thức hậu mãi hay hỗ trợ từ phía chủ shop lẫn sàn TMĐT. Với các trang thương mại điện tử, do đơn hàng đã bị chủ shop đơn phương hủy, người dùng nghiễm nhiên bị tước mất quyền lợi được bảo hành, đổi trả, hoàn tiền sản phẩm hay thậm chí là quyền khiếu nại, tố cáo các shop có dấu hiệu lừa đảo khách hàng. Bản thân các trang TMĐT cũng không thể hỗ trợ các trường hợp này do hệ thống không ghi nhận bất kỳ giao dịch mua hàng hay thông tin của người dùng bị thiệt hại.

Trong khi đó, việc khách hàng liên hệ lại với các shop bán hàng "lừa đảo" này để "bắt đền" cũng là điều hoàn toàn bất khả thi. Thực tế, hầu hết các shop kiểu vậy đều giấu hoặc để địa chỉ ma để tránh bị tìm thấy. Người dùng đương nhiên cũng không thể liên hệ lại theo số điện thoại hotline của cửa hàng, khi những người thường tắt máy hoặc chặn số người mua.