Ngày nay, mạng xã hội dường như đã trở thành "sân khấu" cho nhiều hiện tượng kỳ lạ và độc đáo. Năm 2023, "cô đồng bổ cau" ở Hải Dương gây náo loạn MXH và đã bị bắt tạm giam sau đó để điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Và mới đây, cô đồng "ngửi cau" ở Thạch Thất, Hà Nội đã trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi cả trên mạng lẫn ngoài đời. Không còn là hình ảnh "cô đồng bổ cau" quen thuộc, người phụ nữ này lại gây chú ý với khả năng "phán liến thoắng" bằng cách... ngửi cau.
Trong một video được đăng tải, cô đồng "ngửi cau" bắt đầu phán về gia sự cho một người phụ nữ: "Quả này đẹp nhưng quẻ chả đẹp tí nào. Nói luôn, bà này vất vả cực kỳ luôn, nhìn quả cau biết luôn, chăm đi lễ cực kỳ. Lên chùa hay lên đình đấy? Đây này, bà này rất chăm đi lễ này,... nhá. Ai lau cho bát nhang đây này. Lau bát nhang quá kỹ luôn, nhề. Nhưng mà có bà cụ nào đây này, bát nhang thờ bà cụ nào đây này, phải không? Có một chú nữa này. Mộ nhà bà mất đây này, mộ mất tìm thấy chưa? Không tìm thấy luôn là? Tìm thế nào được mà tìm?
Nhà bà có cái rãnh chảy ao nào không, nổi lên trên quả cau đây này, nhá. Nhà bà nổi 2 miếng đất này, nhá. Cái mùi hoa bưởi gần đấy này (cô đồng vừa đưa cau lên mũi ngửi vừa nói). Thấy mùi 1, 2 cây bưởi đây này. Ngửi thấy mùi cua đồng này, ngửi quả cau ra mùi cua đồng này, nước hoa khét lẹt luôn, đấy. Gần nhà bà luôn hả, có ghét nhau à? (người xem trả lời là hàng xóm). Nước hoa khét lẹt lúc nào cũng đánh mông tanh tách qua nhà ấy. Cái mùi nước hoa này đi qua cổng nhà bà đây này. Bà đổi cổng hay sửa cổng rồi đây? Tạ long mạch rồi đúng không? Mời thầy chùa hay thầy nào nhể? Bát nhang chưa ổn đây, năm nay đại hạn của bát nhang đây. Đi bốc bát nhang toàn râu ông nọ cắm cằm bà kia thôi..".
Ở một clip khác, "cô đồng" chỉ cần ngửi cau mà biết luôn "điểm đen giao thông", hay có người gặp tai nạn tử vong...
- "Có phải có một đường rẽ đi gần vào nhà mình không? Ngửi mùi tanh này thấy chỗ nào cũng có người chết gặp tai nạn đây này";
- Vâng, trước nhà có tai nạn. - người đàn ông đi xem nhanh nhẹn trả lời.
- Có đoạn nào có nhiều người ngã chết gặp tai nạn đây này. Ngửi thấy mùi người chết luôn đây này, cô ngửi quả cau nhà mình cô thấy luôn. Có người chết gần đấy, là bị tai nạn luôn.
- Vâng, chết vì tai nạn.
- Thế sao không cúng? Cô ngửi thấy mùi trên quả cau, bổ ra phát ngửi thấy mùi tanh máu luôn, rúc đầu vào tường luôn đấy. Tông sang bên này, xòe sang bên này, kinh lộn mấy vòng liền.
- Vâng.
- Đấy mình có thể không ngửi thấy nhưng cô ngửi thấy mùi cau này.
- Dạ đấy là, con tưởng,... là... cụ nhà mình luôn ạ?
- Đấy, cụ nhà mình luôn. Ngã lộn mấy vòng, chết tại chỗ mà không kéo hồn về.
- Thế bây giờ hồn ông con vẫn ở đấy ạ?
- Ừ, thế nhà mình cúng ở nhà không được, phải kiều cụ về, cụ nằm ở đấy".
Khác với "cô đồng" Trương Hương, vừa phán vừa hỏi "đúng nhận, sai cãi", cô này lại không cho "con nhang" chen vào câu nào. Đoạn video dài chừng 5 phút, thì chủ yếu là cô đồng "ngửi cau" tự hỏi, tự nói, người xem chưa kịp trả lời hoặc trả lời ấp úng thì cô nhanh chóng nói tiếp.
Bên dưới kênh Tiktok của mình, khi có người bình luận tương tác, cô đồng không ngần ngại rep từng tin nhắn để lại số điện thoại, kêu gọi mọi người add Zalo để được hướng dẫn cách xem. Kênh TikTok của cô đồng "ngửi cau" hiện tại có khoảng 72 nghìn người theo dõi và gần 300 lượt thích, trong đó có không ít bình luận hỏi đặt lịch xem.
Hiện tại, hiện tượng cô đồng "ngửi cau" vẫn đang gây tranh cãi, người ta đặt ra lo ngại về mê tín dị đoan và dẫn tới các trường hợp lừa đảo như sự việc của "cô đồng bổ cau" Trương Hương.
Theo quy định tại Điều 320 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018):
1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết người;
b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
- Dấu hiệu pháp lý của tội danh này là:
Khách thể: Tội phạm xâm phạm đến trật tự xã hội, và nếp sống văn minh, lành mạnh của Nhà nước.
Chủ thể: Chủ thể của tội phạm là chủ thể thường, là bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi luật định.
Mặt khách quan: Tội phạm có một trong các hành vi bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác.
Bói toán. Đây là hành vi đoán, phán chỉ về hiện tại, quá khứ và tương lai của người khác, chỉ dựa trên sự đoán mò theo kinh nghiệm về tâm lí con người mà không có cơ sở khoa học.
Đồng bóng là hành vi tổ chức cúng lễ, lên đồng, cầu khấn.
Các hình thức mê tín dị đoan khác có thể là các hành vi yếm bùa, cúng trừ tà ma.
Căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Mặt chủ quan: Tội hành nghề mê tín, dị đoan được thực hiện với lỗi cố ý. Mục đích nhằm thu lợi bất chính cho bản thân người thực hiện hành vi vi phạm.
-Hình phạt áp dụng đối với người phạm tội:
Đối với trường hợp thuộc cấu thành cơ bản: Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Đối với trường hợp thuộc cấu thành tăng nặng: Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.