Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), hiện có 4 ổ dịch sốt xuất huyết xuất hiện trên địa bàn TP. Với những cơn mưa đầu mùa đã xuất hiện, nguy cơ bệnh sốt xuất huyết sẽ bắt đầu tăng cao.
Trong bối cảnh dịch Covid–19 vẫn còn nguy cơ trong cộng đồng, ngành y tế kêu gọi người dân cần cẩn trọng phòng bệnh sốt xuất huyết, không lơ là để dịch bùng phát.
Kiểm tra các hầm nước ở công trình xây dựng để xử lý ổ lăng quăng.
2 tuần trước, bà Đỗ Thị Minh, ngụ khu phố 6, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TPHCM không đồng ý cho y tế địa phương phun xịt hóa chất diệt muỗi quanh khu vực nhà vì nhà có cháu nhỏ, không thích mùi xịt thuốc. Hậu quả là bà đã mắc sốt xuất huyết.
Vừa mới khỏi bệnh nhưng bà Minh vẫn còn lo sợ nguy cơ lây bệnh sốt xuất huyết từ muỗi: "Tôi sợ quá giờ phải đi xịt thuốc, lấy chai thuốc muỗi xịt trước, sau đó lên báo cho khu phố để báo lên phường để họ xịt. Nhà tôi thì thông thường là chỗ ngóc ngách chứ chỗ ngoài thì quét dọn sạch sẽ".
Còn ông Huỳnh Văn Hùng, chủ một bãi xe ở phường Tân Quý cho biết, trước đây do thiếu cẩn trọng về những vỏ lốp xe chứa nước mưa mà con trai và cháu ông đã bị mắc sốt xuất huyết: "Lúc trước có một lần có lăng quăng, những cái vỏ xe để thì mình sơ ý đi không thấy, mưa xuống thì nó đọng nước. Chính quyền địa phường và y tế phường nữa xuống nhắc nhở, nhất là trong mùa dịch này mình cần làm tốt hơn cái đó".
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn phường Tân Quý mới chỉ có 7 ca bệnh sốt xuất huyết rải rác trong các khu dân cư. Điểm chung của các ca bệnh là những người dân lao động di chuyển nhiều nơi, vì vậy khó xác định được khu vực truyền bệnh. Tuy nhiên, xác định các công trình xây dựng, khu phế thải vật liệu hay các bãi xe, bãi đất trống là những điểm nguy cơ nên các cán bộ y tế, tổ chức đoàn thể phường Tân Quý đang liên tục giám sát chặt chẽ. Đặc biệt, các công trình, bãi xe, điểm kinh doanh phế liệu bắt buộc phải ký biên bản cam kết không để phát sinh ổ lăng quăng, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Bác sĩ Lâm Phước Trí, Trưởng Trạm y tế phường Tân Quý, quận Tân Phú cho biết: "Mình tập trung phòng chống đại dịch Covid-19 nhưng không lơ là công tác phòng chống sốt xuất huyết. Đại dịch thì mình tuyên truyền đến người dân, bên cạnh đó tuyên truyền luôn sốt xuất huyết, tại vì sốt xuất huyết giờ không lưu hành theo mùa nữa mà là bệnh lưu hành quanh năm".
Đến nay, trên địa bàn TPHCM, tổng số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết giảm 70% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, tại 4 phường, xã thuộc 3 quận, huyện đã phát hiện 4 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh. Hiện tại cả 4 ổ dịch đều đã được xử lý vì số người mắc ít. Ngành y tế cũng thực hiện điều tra ca bệnh, xác định ổ dịch sốt xuất huyết hàng ngày để có chỉ định xử lý kịp thời và đúng hướng dẫn chuyên môn.
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm – Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, trên địa bàn TP hiện có trên 10 ngàn điểm nguy cơ, đó là những nơi thường xuyên tập trung đông người, nhà trọ, công trình xây dựng, địa điểm tôn giáo…
Mặc dù số ca sốt xuất huyết giảm nhiều so với năm ngoái, song ngay cả trong lúc thấp điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết cũng đã xuất hiện các ổ dịch nhỏ trong cộng đồng, cho thấy nguy cơ luôn hiện hữu và sẽ phát triển khi mùa mưa đến.
Các chén nước, ô trũng hay lọ hoa ở bia mộ cũng là điểm nguy cơ sốt xuất huyết. |
Bác sỹ Lê Hồng Nga khuyến cáo: "Để phòng chống dịch Covid-19, người dân được khuyến cáo không đi ra ngoài nếu không cần thiết. Chính vì vậy ở nhà thì giành nhiều thời gian hơn để chăm sóc căn nhà của mình, làm sao đảm bảo vệ sinh trong nhà và xung quanh nhà cũng như nhắc nhở hàng xóm, không để phát sinh những điểm lăng quăng sinh sống". |
Hiện TPHCM ghi nhận có 121 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng so với trung bình 4 tuần trước (116 ca). Trong bối cảnh đang chống dịch bệnh Covid-19, sẽ rất khó khăn nếu để sốt xuất huyết bùng phát; vì thế ngành y tế kêu gọi người dân chủ động song song các hoạt động phòng ngừa để không xảy ra tình trạng dịch chồng dịch./.