Chiều 26/3, phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác tiếp tục phần bào chữa.
Nhận thức được sai phạm nên ân hận
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Văn Hưng (Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng Nhà nước) đã thừa nhận hành vi phạm tội.
Bị cáo cho rằng, vì khối lượng công việc quá lớn, một mình bị cáo phải chỉ đạo toàn bộ trách nhiệm thanh tra tại Cơ quan giám sát Ngân hàng. Với tư cách là người đứng đầu, là người ký kết luận thanh tra, bị cáo phải chịu trách nhiệm.
Bị cáo Nguyễn Văn Hưng.
Ngoài việc thanh tra thì thời điểm đó phải chú tâm vào những việc lớn như xây dựng đề án tái cơ cấu để xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020; sửa đổi bổ sung luật Tổ chức tín dụng…
" Tuy nhiên, bị cáo xin HĐXX xem xét cho bị cáo để có khung hình phạt thể hiện tinh thần độ lượng, bao dung của pháp luật. Bị cáo nhận thức được sai phạm của mình nên rất ân hận" , bị cáo Nguyễn Văn Hưng nói.
Bị cáo Nguyễn Văn Hưng bị VKSND TP.HCM đề nghị 14 - 15 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cáo trạng xác định, Nguyễn Văn Hưng là người ra quyết định thanh tra ngân hàng SCB, có trách nhiệm chỉ đạo, giám sát nội dung hoạt động thanh tra của đoàn thanh tra tại ngân hàng SCB.
Tuy nhiên, trong quá trình thanh tra, bị cáo Hưng đã chỉ đạo cấp dưới chỉnh báo cáo không trung thực, không đầy đủ về thực trạng yếu kém, những sai phạm của ngân hàng SCB. Dẫn đến ngân hàng Nhà nước và Chính phủ không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm của ngân hàng SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm gây thiệt hại 514.102 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Văn Hưng đã nhiều lần nhận tổng số tiền 390.000 USD từ SCB thông qua Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) và Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) để bưng bít, che giấu sai phạm tại SCB.
Hơn 100 người ký đơn xin giảm nhẹ cho Nguyễn Văn Hưng
Luật sư bào chữa của bị cáo Nguyễn Văn Hưng cho rằng, thân chủ của mình không phải là người chủ mưu, cầm đầu vì các bị cáo khác trong đoàn thanh tra đều khai bị cáo Hưng không chỉ đạo, chỉ có bị cáo Nhàn nói có nhận chỉ đạo nhưng chứng cứ đưa ra lại chưa rõ.
Bị cáo Hưng mắc sai phạm là vì với chức vụ phó chánh thanh tra nên công việc quá nhiều, đồng thời tin tưởng vào cấp dưới vì đây đều là những cán bộ có năng lực, chuyên môn cao.
Theo luật sư, bị cáo Nguyễn Văn Hưng chỉ đạo mỗi bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II), không chỉ đạo thêm thành viên nào khác trong đoàn thanh tra. Tại các phiên xét hỏi cũng không ai khai bị cáo Hưng chỉ đạo.
Các bị cáo tại phiên toà hôm nay.
Bị cáo Nhàn cũng khai tại tòa Nguyễn Văn Hưng chỉ đạo bị cáo, bị cáo chỉ đạo các thành viên khác trong đoàn. " Tất cả những điều đó nói rằng bị cáo Nguyễn Văn Hưng không phải chủ mưu cầm đầu", luật sư nói và cho rằng, mức án mà VKS đề là mức án quá cao, mong HĐXX xem xét lại.
Trong hoàn cảnh phạm tội, bị cáo Hưng có những lý do khách quan và chủ quan. Theo đó, lý do khách quan mà luật sư đưa ra là thời điểm phạm tội, Nguyễn Văn Hưng là người đứng đầu nên khối lượng công việc rất nhiều.
Trong năm 2017 đã phải thanh tra 35 cuộc, năm 2018 khối lượng công việc của Nguyễn Văn Hưng cũng rất nhiều. Ngân hàng SCB chỉ là 1 trong hàng nhiều cuộc thanh tra của đoàn Thanh tra giám sát, bị cáo phải làm việc rất vất vả nên đã không làm tỉ mỉ, không so sánh đối chiếu lại số liệu... dẫn đến không làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình.
Về lý do chủ quan, luật sư nêu vào thời điểm tháng 10/2018, bị cáo sẽ nghỉ hưu dẫn đến tâm lý không làm việc đến nơi đến chốn.
Bên cạnh đó, các thành viên trong đoàn thanh tra là những cán bộ có trình độ, năng lực, có những thành viên được cấp bằng kiểm toán viên quốc tế rất giỏi. Điều này làm cho bị cáo rất tin tưởng vào cấp dưới, dẫn đến những sai phạm.
Tại tòa, luật sư của bị cáo cũng cho biết đã nhận đơn xin giảm nhẹ hình phạt của 100 người là cán bộ, công chức đang làm việc tại Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước đã viết đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo Nguyễn Văn Hưng.