Tại một số quốc gia, người dân rất hay để cún cưng chạy rông và chỉ gọi về nhà khi đến giờ ăn cơm. Dù không chính thức được coi là chó hoang nhưng chúng vẫn phần nào gây nguy hại cho xã hội.
Ngoài ra, một phần chó hoang khác đã bắt đầu cuộc sống đường phố do đi lạc, hoặc bởi gia đình nhà chủ gặp phải các vấn đề về tài chính hay sức khỏe dẫn tới việc không thể tiếp tục nuôi dưỡng nữa.
Một phần chó hoang đã bắt đầu cuộc sống đường phố do đi lạc hoặc bị chủ ruồng bỏ.
Còn tại phương Tây, đặc biệt là những quốc gia thuộc khối Liên Xô cũ thì vấn nạn chó hoang là hậu quả không mong muốn của quá trình đô thị hóa với tốc độ chóng mặt diễn ra vào khoảng cuối thế kỷ 20 – mà điển hình nhất là đất nước Romania.
Kể từ năm 1980, nhà lãnh đạo Nicolae Ceaușescu đã khởi xướng công cuộc "cải tạo" lại khu vực nông thôn cũng như thành thị, cho xây dựng hàng loạt khu nhà chung cư rồi đưa người dân tới đó sinh sống.
Sự thay đổi đột ngột từ kiến trúc sân vườn rộng rãi sang căn hộ tập thể chật hẹp khiến vô vàn chú chó bị đẩy ra đường, tạo nên thực trạng chó hoang kéo dài đến tận ngày nay.
Không ít chó hoang là "hàng thải" từ những cơ sở nhân giống vật cưng chỉ biết chạy theo lợi nhuận.
Cụ thể, fan hâm mộ của loạt phim truyền hình "Trò chơi Vương quyền" đã đổ xô đi mua giống chó Husky vì hâm mộ những chú sói Dire Wolf dũng mãnh được nhà Stark chăm bẵm.
"Sau khi đối mặt với nhu cầu hoạt động khá cao của loài chó này thì đa phần họ đều quyết định vứt bỏ người bạn mới quen mà chẳng hề thương tiếc. Tình trạng trên còn xảy ra khi chuỗi ‘bom tấn’ đình đám như: 101 chú chó đốm; Men in Black hay Harry Potter bắt đầu công chiếu", anh Alex - chủ trang trại phối giống chó tại Anh cho biết.
Những chú chó cắn xé lẫn nhau để tranh giành đồ ăn hoặc nơi ngủ.
Dẫu gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường sống thiếu thốn, song một bộ phận những con vật bị bỏ rơi vẫn có thể tồn tại ở các đô thị lớn nhờ vào lượng rác thải khổng lồ do người dân thải ra mỗi ngày.
Đồng thời, do lang bạt bên cạnh đồng loại mà không được kiểm soát về vấn đề sinh sản nên chúng tiếp tục tự nhân giống để tạo thành một thế hệ mới có khả năng thích nghi cao hơn. Điều này đã vô tình kéo dài vấn nạn chó hoang trên toàn thế giới.
Không phải tự dưng mà nhiều người dân có cái nhìn ác cảm về những chú chó hoang: Chúng thường xuyên chạy ra đường lớn, đe dọa tới sự an toàn của các phương tiện giao thông – đặc biệt là tại quốc gia vẫn sử dụng xe máy với mật độ cao như Việt Nam.
Ngoài ra, do thiếu sự chăm sóc nên loài vật này bắt buộc phải lục lọi rác thải để tìm kiếm thức ăn, gây mất vệ sinh môi trường. Chúng còn trở nên hung dữ hơn, sẵn sàng lao vào tấn công đối phương nhằm tranh giành thực phẩm hoặc trong thời điểm cảm thấy sự an toàn đang bị đe dọa.
Những chú chó hoang cũng đem lại khá nhiều mối nguy hiểm cho cộng đồng xung quanh.
Những chú chó hoang rất dễ mang theo các mầm bệnh nguy hiểm mà điển hình là bệnh dại và loài bọ ký sinh. Nếu chúng tử vong tại nơi công cộng như gầm cầu, bãi đất trống thì vấn đề vệ sinh môi trường sẽ khó được đảm bảo.
Bên cạnh đó, khi chó hoang tập hợp thành bầy đàn thì càng nguy hiểm hơn. Chúng luôn sủa hoặc hú lớn gây mất trật tự, thậm chí còn quấy nhiễu các gia đình xung quanh bằng hành vi tấn công bất ngờ.
Nhiều chú chó đáng thương bị chủ nhân bỏ rơi vô tội vạ.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, hiện Trái Đất có khoảng 200 triệu chú chó hoang rơi vào cảnh không nhà cửa, đặc biệt là tại các nước châu Phi, châu Á cùng khu vực Đông Âu.
Do lang thang nhiều ngày, cộng thêm việc mắc bệnh mà chưa được điều trị kịp thời nên đa phần chúng đều khiến mọi người cảm thấy ác cảm và sợ hãi.
"Bằng chứng là hơn 55.000 nạn nhân đã tử vong do chó dại cắn mỗi năm, đồng thời khoảng 15 triệu người khác cũng phải tiêm chủng nhằm đề phòng phơi nhiễm căn bệnh nguy hiểm này sau khi bị tấn công", đại diện Tổ chức Y tế Thế giới WHO nói.
Hơn 55.000 nạn nhân đã tử vong do chó dại cắn mỗi năm.
Nhiều đất nước đã đưa ra biện pháp cứng rắn để giải quyết dứt điểm tình trạng chó hoang đang ngày một tràn lan khắp nơi.
"Chúng tôi luôn cố gắng hết sức nhưng người dân lại coi đó là hành động cực đoan và có phần bạo lực.
Thậm chí, quyết định đầu độc 700 con chó hoang vừa rồi cũng vấp phải sự phản ứng gay gắt. Đáng lẽ họ nên biết chính quyền làm vậy chỉ vì muốn cộng đồng không còn bị loài vật này cắn, gây truyền nhiễm bệnh dại mà thôi", lãnh đạo thành phố Karachi, Pakistan cho biết.
Tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam hay Trung Quốc thì cách đơn giản nhất mà người dân sử dụng để xử lý những chú chó hoang là dùng bả hoặc ném chết chúng bằng gạch đá.
Cách làm này tuy nhanh gọn nhưng lại mang tính chất tàn nhẫn khá cao, vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía dư luận.
Một chú chó hoang tại Trung Quốc bị đánh đập tới chết để "đảm bảo vệ sinh môi trường".
Một số quốc gia khác lại chọn cách đưa chó hoang về trung tâm bảo trợ động vật để chờ nhận nuôi, tiến hành theo dõi, tiêm chủng định kỳ và triệt sản. Tuy nhiên, phương pháp này gặp khá nhiều khó khăn vì chi phí bỏ ra quá lớn, nhất là khi chúng thường mang bệnh tật khó chữa dẫn tới tình trạng lây nhiễm tràn lan.
"Nếu đợi quá lâu mà chưa có ai đem về bầu bạn thì các con vật đáng thương sẽ bị giết chết bằng phương pháp nhân đạo hơn, ví như tiêm thuốc độc chẳng hạn", anh Alex nói.
Hơn 700 chú chó hoang bị chính quyền thành phố Karachi, Pakistan bị đầu độc chết.
Sau nhiều tranh cãi về tính nhân đạo trong vấn đề giải quyết những chú chó hoang, nhiều cư dân đã yêu cầu chính phủ tại quốc gia mình hãy tạo khung pháp lý cần thiết nhằm hạn chế việc người dân bỏ chó đi hoang.
Ngoài ra, cần có thêm biện pháp điều chỉnh nguồn cung chó giống hằng năm cân bằng với nhu cầu thực tế của xã hội. Việc gắn chip điện tử cho chó hoặc khi mua chó phải khai đầy đủ thông tin cá nhân cũng là việc làm khá cần thiết.
Nếu chủ nhân bị phát hiện ngược đãi hay đối xử không tốt với vật nuôi sẽ bị cấm mua chó vĩnh viễn - thậm chí là đối mặt với mức xử phạt nặng nề từ phía luật pháp.