Buổi sáng trên nương đồi tại huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn, cô Trần Thị Liên (48 tuổi, người dân tộc Tày) mướt đôi tay bóc vỏ keo thuê. Xung quanh đó có hơn 10 người phụ nữ, không ai nói với nhau lời nào, chỉ biết cắm mặt làm lụng.
Khoảng 9h, cô Liên nhận được một cuộc điện thoại. Nghe xong, cô run lẩy bẩy, quẳng con dao trên tay rồi ngồi sụp xuống đất. Mọi người đều ngoái nhìn, chưa kịp hiểu chuyện. Người mẹ bật khóc, lẩm bẩm nói không rõ tiếng: "Người ta gọi điện về báo con tôi gặp tai nạn, nghe đâu ở sân vận động Mỹ Đình dưới Hà Nội".
Cô Trần Thị Liên, 48 tuổi, người dân tộc Tày.
Một người phụ nữ làm cùng đánh xe máy chở cô Liên về nhà. Túm vội được 2 cái áo len với bàn chải đánh răng, cô lục đục chạy lên thị trấn, tính bắt xe xuống Hà Nội.
11h, một chiếc xe khách hứa hẹn sẽ đưa cô tới thẳng Bến xe Mỹ Đình, sau khi nghe người mẹ khóc lóc: "Xe này có về bến xe không? Nếu có thì cho tôi đi với, con gái tôi bị tai nạn, chưa biết sống chết thế nào".
Mấy tên lơ xe bảo cô yên tâm, không ai nỡ lòng lừa đảo. Lên xe, cô nằm trằn trọc, đợi mãi nhưng xe vẫn chưa chạy. "Trời ơi, làm ơn giúp tôi!", cô nói, nhưng vài ba anh thanh niên không quan tâm, vẫn miệt mài đón khách dọc đường.
Đi được nửa đường, xe khách dừng tại Bắc Giang, "đuổi" cô sang xe khác, chèo kéo đưa cô đi... một vòng Hà Nội. Cô lo lắng, vội gọi điện báo người thân, giục đến bệnh viện kí giấy tờ để con gái được vào mổ, cố gắng cứu lấy mạng sống cho cháu. Mãi đến 6h tối, cô mới có mặt trước khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện 198, khi đó, con gái cô vừa trải qua ca phẫu thuật "thập tử nhất sinh".
Em Nguyễn Thị Kim Cúc xinh đẹp trước khi gặp nạn.
Các bác sĩ cho biết bệnh nhân Nguyễn Thị Kim Cúc (19 tuổi) bị chấn thương nặng vùng đầu, tụ máu não, đã được mổ hộp sọ hút phần máu tụ bên phải, phần bên trái cần theo dõi thêm trong thời gian tới. Mô hộp sọ của Cúc được gửi tới ngân hàng mô Viện Bỏng Quốc gia. Sức khỏe yếu, hôn mê sâu sau phẫu thuật.
Cô Liên kể, 8h sáng 10/11, trên đường từ ký túc xá đến chỗ làm thêm, Cúc bị một chiếc xe máy đi cùng chiều tông trúng. Cú ngã ra đường khiến đầu Cúc đập mạnh xuống đất, bất tỉnh.
Ca phẫu thuật chỉ giúp Cúc giữ lại mạng sống tạm thời. Gia đình phải chờ em tỉnh lại, hồi phục trí nhớ, tiếp tục điều trị dài ngày mới có thể đảm bảo tính mạng. Chi phí cứ thế tăng lên từng ngày, trong khi gia cảnh mẹ con Cúc vô cùng khó khăn.
Người gây tai nạn đã chủ động đưa Cúc vào viện, hỗ trợ viện phí, nhưng họ cũng không phải gia đình khấm khá. Cô Liên chỉ dám nhận từ họ 4 triệu đồng. Cô nói, "Tôi biết đòi vào đâu khi mà họ cũng khó khăn. Tôi phải chấp nhận con mình, thì phải gắng chạy chữa. Chưa biết ai sai ai đúng, tai nạn xảy ra là điều không ai mong muốn. Hai nhà cùng đen đủi mới vớ lấy hoạn nạn này, thôi thì cùng chung tay giữ lại mạng sống cho Cúc".
Trải qua ca phẫu thuật, Cúc may mắn giữ lại được mạng sống.
Cô Liên có 3 người con: 2 gái, 1 trai. Chồng cô là chú Nguyễn Cảnh Tùng (SN 1973). "Tùng - Cúc - Trúc - Mai", 2 vợ chồng lần lượt dùng 3 từ sau đặt tên cho những đứa con. Cúc là chị gái đầu, sau là em Mai, cuối cùng là "thằng con cố" Nguyễn Thanh Trúc, năm nay lên 8 tuổi. Trúc chào đời khi cô Liên đã hơn 40 tuổi.
Cô Liên sức khỏe yếu, quanh năm ốm đau, chỉ biết làm ruộng, cấy lúa, trồng ngô, làm đồi thuê. Chú Tùng công tác ở xưởng gỗ. Cách đây 3 năm, chú tậu được cái máy cưa mới. Hôm đó, trước khi rời nhà tới xưởng, chú mua một gói bim bim, để dành trên bàn cho thằng Trúc, dặn vợ tí con dậy thì cho con ăn rồi đi học mẫu giáo.
Đến 11h trưa, cô gọi điện nhắn chú về ăn cơm. Chú nghe máy, trả lời vợ: "Em không phải nấu cơm cho anh đâu, tí anh mua ít thức ăn với anh em. Tối anh còn tí việc nữa, làm xong anh mới về".
Đó là câu nói cuối cùng cô nghe được từ chồng mình.
Trong lúc xẻ gỗ, chiếc máy cưa bất ngờ cuốn mất một phần cơ thể người công nhân, nát bét hoàn toàn. Chú qua đời ngay sau đó. Cô Liên đau đớn hay tin chồng gặp nạn, khóc ngất giữa nhà, không được nhìn mặt chồng lần cuối.
5h sáng hôm sau, chiếc xe chở thi hài người chồng xấu số lăn bánh, đưa chú về quê nội Nam Định, chiều theo nguyện vọng của bà con, tổ tiên. Cô Liên đã từng mong ước, dù là cuối đời, chồng sẽ mãi ở bên cạnh mình và 3 đứa con thơ...
Cô Liên bỏ việc, bỏ nhà xuống Hà Nội chăm con gái bệnh tật.
Không đủ sức gắng gượng vượt qua đau khổ, nhiều lúc trong giấc ngủ, cô Liên bật khóc. Trúc chưa hiểu chuyện, nhưng theo bản năng, vẫn dùng đôi bàn tay bé bỏng vuốt nước mắt cho mẹ. Nằm mơ thấy chồng về, tâm sự: "Anh lại về với mẹ con em, từ giờ anh không đi nữa đâu". Người vợ gật đầu đồng ý lia lịa, rồi chợt tỉnh giấc về với thực tại, cô không ngủ lại được nữa.
Do hoàn cảnh khó khăn, từ lúc 2 tuổi, Cúc được gửi về nhà nội ở xã Hải Hà, Hải Hậu, Nam Định sinh sống. Ông nội mất, bố qua đời, Cúc chỉ còn biết phụ thuộc vào mẹ. Bà nội năm nay đã 80 tuổi, già yếu. Gia đình cố giấu tin Cúc gặp nạn, để không ảnh hưởng tới sức khỏe của bà.
Khi đi học, để tiết kiệm chi phí, Cúc ở trong ký túc xá. Cô bé xinh đẹp, chăm ngoan, không đua đòi, vì biết mẹ vẫn còn phải nuôi 2 em ăn học. Cúc đỗ trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, năm đầu tiên, học phí được đóng bằng tiền phúng viếng từ đám tang cha. Hết tiền, Cúc xin mẹ đi làm thêm kiếm thêm thu nhập trang trải việc học.
Cách đây 1 tuần, Cúc gọi điện về báo tin vui đã tìm được việc làm trên Hà Nội. Cúc đi học cả ngày, chỉ tranh thủ làm đêm và cuối tuần. Bữa nào kiếm được 90.000 đồng, em chia ra 20.000 tiền xe, còn 70.000 đủ mua đồ ăn thức uống, chưa kịp có đồng nào chắt chiu gửi về cho mẹ, cũng chưa đủ đóng tiền học phí.
"Nó mới đi làm được 3 ngày thì gặp nạn" - cô Liên nói.
Gửi Trúc cho nhà hàng xóm, thằng bé chốc lại gọi điện ra Hà Nội làm nũng: "Mẹ ơi, chị khỏi ốm chưa? Khi nào mẹ về với con?".
- "Con ngoan, để mẹ chăm chị, xong xuôi mẹ mới về với con được".
2 ngày sau phẫu thuật, Cúc hé một bên mắt sau cơn hôn mê sâu, cô Liên vui sướng đặt tay con vào lòng bàn tay mình, thủ thỉ: "Mẹ đây, mẹ đây".
Bác sĩ tiến hành kiểm tra phản ứng, Cúc đã có thể cử động các ngón tay để "nói chuyện". Họ dặn cô Liên cứ yên tâm, "có thế nào các bác sĩ cũng sẽ ở đây, để giúp bệnh nhân tìm lại cuộc đời! Khó khăn như nào cũng không được khóc, nếu con nhìn thấy sẽ ảnh hưởng tới tình trạng bệnh".
Cô Liên nghe lời bác sĩ, trốn khóc một mình ngoài hành lang bệnh viện.
Người mẹ mòn mỏi chờ con gái tỉnh lại, để con có thể tiếp tục được đến trường như bao bạn bè khác.
Từ ngày Cúc nhập viện, cô Liên chỉ có vỏn vẹn trong người 2 triệu đồng. Người thân, họ hàng, nhà trường ủng hộ, giúp mẹ con Cúc vượt qua được bước đầu tiên, với chi phí hơn 50 triệu đồng. Nhưng để tiếp tục chiến đấu cùng con, tiền bạc luôn là một thách thức không hề nhỏ với người mẹ dân tộc Tày.
"Tôi sợ nhất viễn cảnh Cúc sẽ thành người thực vật, nhưng hôm nay thấy con đang dần hồi tỉnh, tôi phấn khởi lắm. Tôi mong con lại được đến trường, thì cuộc đời về sau sẽ tốt đẹp hơn, tương lai không bị đóng chặt ngay trước mắt".
Người mẹ bệnh tật, gầy yếu, cân nặng 40kg, ngày đêm dựa đầu bên giường bệnh, khóc cạn nước mắt chờ ngày con gái khỏe mạnh trở lại. Đó là một hành trình dài, và không thiếu những gian nan, mà những ai đã làm mẹ mới sẵn sàng đánh đổi tất cả vì con cái.
Lãnh đạo UBND xã Hải Hà, Hải Hậu (Nam Định) cho biết, hoàn cảnh gia đình Cúc đặc biệt khó khăn.
"Mẹ Cúc ở trên Lạng Sơn nuôi 2 con nhỏ. Cúc ở với bà nội, ở địa phương cháu bé rất ngoan, từ lúc ở với bà tôi chưa thấy có điều tiếng, hay vấn đề gì cả. Thương hoàn cảnh của 2 bà cháu, hôm qua tôi cũng mới nghe cháu bị tai nạn trên Hà Nội. Mong mọi người giúp đỡ cháu vượt qua được giai đoạn khó khăn này", lãnh đạo xã nói.
Mọi sự giúp đỡ, quý độc giả có thể gửi về tài khoản: 15110000883751 - chủ tài khoản: Nguyễn Thị Thảo, ngân hàng BIDV.
SĐT: 0963860398 (chị họ Cúc).
Hoặc liên hệ trực tiếp mẹ Cúc: 0344.766.061.