Vừa qua, trường THPT Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên) có thông báo số 16/TB-ĐTN ngày 22/4 về quy định chụp ảnh kỷ yếu cuối năm học. Điều 2 của thông báo này có ghi rõ, các chi đoàn có nhu cầu chụp ảnh kỷ yếu phải có đơn xin chụp ảnh kỷ yếu có ý kiến xác nhận của giáo viên chủ nhiệm. Trước khi chụp, người chụp ảnh cho các lớp phải có đơn và đến làm việc trực tiếp với nhà trường (qua Văn phòng đoàn trường) và trả phí cho Nhà trường.
Thông báo về việc chụp ảnh kỷ yếu của trường THPT Lương Ngọc Quyến
Thông tin Nhà trường yêu cầu nhiếp ảnh gia vào chụp ảnh kỷ yếu cho học sinh trong trường phải trả phí cho Nhà trường đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Bởi lẽ, nhiều người cho rằng chụp ảnh là lưu giữ kỷ niệm học trò tại chính ngôi trường này, qua đó cũng để học sinh sau này có thể phát huy tốt hơn truyền thống tôn sư trọng đạo. Nếu chụp ảnh không phát sinh chi phí tổn hại tới vật chất thì vì lý do gì lại khiến học sinh phải gánh thêm khoản phí nộp cho trường (thu trực tiếp từ người chụp và người chụp sẽ thu lại từ học sinh) từ việc chụp ảnh đúng ra phải khuyến khích này?
Liên quan đến sự việc này phóng viên đã có cuộc trao đổi cùng cô Phạm Thúy Hà - Bí thư trường THPT Lương Ngọc Quyến. Cô Hà cho biết: “Nhà trường không thu tiền của học sinh, việc mời thợ ảnh tới là để biết mỗi học sinh đóng bao nhiêu tiền phục vụ cho việc chụp ảnh kỷ yếu để từ đó có con số cụ thể mà thông báo với phụ huynh.
Hơn thế, nhà trường yêu cầu thợ ảnh tới làm việc với nhà trường là vì, họ thực hiện hoạt động kinh doanh ở trường thì phải đến trường làm việc với ban giám hiệu rồi mới được phép vào trường chứ không thể tự tiện vào trường được. Sau đó, thợ ảnh trả chi phí cho nhà trường để nhà trường thuê bảo vệ, lao công và một số thiệt hại khác của nhà trường khi thợ ảnh vào chụp”.
Cô Hà cũng cho biết thêm, hiện nay, chi phí thấp nhất cho mỗi gói ảnh kỷ yếu là 150.000 VNĐ/học sinh. Vì thế, nhà trường cần phải nắm được là học sinh đã hợp đồng với thợ ảnh bao nhiêu, đã làm gì và xem học sinh chi tiêu như thế đã hợp lý chưa chứ nhà trường không thu tiền từ học sinh. Việc làm này của nhà trường là đảm bảo quyền lợi cho học sinh.
Đến thời điểm này chưa có thợ ảnh nào tới làm việc với nhà trường về nội dung chụp ảnh kỷ yếu cho học sinh. Khi phóng viên hỏi mỗi gói ảnh kỷ yếu thì thợ ảnh phải trả bao nhiêu cho trường, cô Hà cho biết vấn đề này nhà trường phải họp và thống nhất. Nếu có sẽ công khai.
Cũng liên quan tới vấn đề này, thầy Văn Như Cương (Chủ tịch trường PTTH Lương Thế Vinh) cho biết: “Ở trường PTTH Lương Thế Vinh không tồn tại khoản phí mà thợ ảnh phải trả cho nhà trường khi vào trường chụp ảnh với lí do thuê bảo vệ và vệ sinh.
Trường THPT Lương Ngọc Quyến cũng không nên thu khoản ấy từ phía thợ ảnh. Đương nhiên, đã là thợ ảnh thì họ phải kinh doanh chứ không thể đến chụp ảnh miễn phí được. Nhà trường không thể là nơi buôn bán hay kinh doanh, nhất là khi trước khi chụp, yêu cầu thợ ảnh tới làm việc và trả chi phí cho nhà trường thì họ sẽ tính thêm vào tiền ảnh của học sinh.
Ví như trước đó học sinh hợp đồng với thợ ảnh 1 bộ ảnh là 3 triệu thì sau khi làm việc với nhà trường, họ nộp phí cho nhà trường đương nhiên họ sẽ yêu cầu học sinh trả cho họ khoản phí phát sinh ấy.
Chụp ảnh kỷ yếu để các em ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ khi học tập và rèn luyện. Đó cũng là cách quảng bá hình ảnh cho nhà trường. Đáng lẽ nhà trường phải tạo điều kiện chứ không nên thu phí”.
Cũng liên quan tới vấn đề này, anh Vũ Hoàng Nam – nhiếp ảnh gia tại Nam Vũ Studio cho hay: “Bao năm kinh nghiệm chụp ảnh kỷ yếu cho học sinh, sinh viên tôi chưa từng thấy ở trường nào mà nhiếp ảnh gia phải trả chi phí cho Nhà trường khi tới chụp cả.
Bởi lẽ, chúng tôi chụp theo hợp đồng với các em học sinh để giúp các em ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ thời học sinh. Về nguyên tắc, các em học tại trường đã phải nộp tiền xây dựng, tiền vệ sinh trong suốt quãng thời gian học tại trường. Vậy thì chẳng có lí do gì mà chỉ chụp ảnh cho các em trong 1 ngày mà chúng tôi phải trả những khoản phí ấy. Và đương nhiên, nếu trường nào yêu cầu trả phí đó thì chúng tôi cũng yêu cầu học sinh phải trả”.