1. Đôi khi chỉ thua bởi một tấm bằng, cuộc sống liền khó đi vạn dặm
Gần đây, một số sinh viên mới tốt nghiệp bất bình vì nhà tuyển dụng yêu cầu: "Chỉ tuyển người có bằng đại học chính quy." Sự phân biệt đối xử này khiến họ rất khó chịu, bởi vì điều kiện không cho phép, họ chỉ học và lấy bằng đại học được đào tạo từ xa.
Trước đây, khi mới bắt đầu học, nhà trường, thầy cô đều hứa hẹn sau này khi ra ngoài tìm việc, bằng chính quy hay từ xa đều có giá trị ngang hàng nhau, dù hai chương trình học có sự khác biệt khá lớn về điểm đậu, thời gian học, và độ khó trong khóa học.
Hơn nữa, học chính quy sẽ có nhiều vấn đề phát sinh, tốn kém hơn nhiều so với học từ xa.
Vì vậy cũng không có gì lạ khi nhiều người cho rằng: "Tiền bạc, công sức bỏ ra khác nhau, dĩ nhiên mức đãi ngộ cũng phải khác nhau."
Nói đến cùng, sau khi sự việc này ngày càng nghiêm trọng, nó đã lần nữa phơi bày ra một sự thật tàn khốc của xã hội: Ai cũng đều nói bằng cấp không quan trọng, nhưng trong lòng thật ra vẫn rất coi trọng nó. Giống như công ty, miệng thì nói muốn tuyển người tài, nhưng điều kiện lại hạn chế và phân biệt như thế.
Cũng dễ lí giải thôi, mỗi cuộc phỏng vấn chỉ kéo dài mười mấy phút, công ty muốn chọn được ứng viên phù hợp trong khoảng thời gian như vậy, ngoài đánh giá qua câu trả lời và thái độ của ứng viên, thì cách đơn giản nhất vẫn là xem qua bằng cấp, CV của họ.
Do đó, đối với người bình thường mà nói, đôi khi chỉ thua bởi một tấm bằng, cuộc sống liền khó đi vạn dặm. Nhưng ở đây không phải ý nói không có học lực, bằng cấp thì không thể thành công, chỉ là bạn phải trả giá nhiều hơn nữa, để bù đắp cho khoảng cách giữa mình và người khác.
Thế nên, cố gắng học tập tốt cũng là điều rất quan trọng. Dù nó không đảm bảo bạn có thể đứng trên đỉnh cao cuộc đời, nhưng nhất định có thể giúp bạn thuận lợi hơn trong cuộc sống.
2. Không chịu học, cái nghèo có thể bị truyền từ đời này sang đời khác
Trước đâu, tôi từng xem một bộ phim, trong đó có một cảnh thế này: Sau khi người em trai nhìn thấy anh ruột mình bị cảnh sát đánh chết vì tội ăn cướp, đã nói rằng:
"Nghèo đói như một căn bệnh di truyền, truyền từ đời này sang đời khác trong gia đình chúng tôi.
Ông tôi không đọc sách, ba tôi không đi học, và chính tôi cũng không được đến trường.
Anh tôi đi cướp vì muốn tôi có tiền đi học luật sư, sau này không cần trở thành tên cướp như anh ấy nữa."
Nhiều người chê trách, bảo người anh sao không đi làm nghề lương thiện. Nhưng họ lại không hiểu được, người anh cả đời không được đi học, gia đình từ già đến trẻ không ai biết chữ nghĩa để giáo dục, hướng dẫn anh ta nên đi con đường nào là đúng, con đường nào là sai. Cả nhà đã nghèo qua nhiều thế hệ; hàng xóm, họ hàng khi dễ, chẳng ngó ngàng; họ lạnh lùng nhìn cái gia đình nghèo túng kia dần lâm vào sa ngã. Hoàn cảnh khiến tầm nhìn người anh trở nên hạn hẹp như căn nhà tồi tàn, rách nát của anh ta.
Thế nên, cái nghèo luân phiên, lâu dài thực sự rất đáng sợ, nó hủy hoại suy nghĩ lương thiện và nhân cách làm người đúng đắn trong con người anh ta.
Tôi từng nghĩ, liệu nếu như có một người tốt xuất hiện, hướng dẫn anh ta đi con đường đúng, hay cho chén cháo trắng giúp đứa em gái nhỏ bé của anh ta không bị chết vì đói, sưởi ấm trái tim nghèo túng và dần đóng băng của họ, vậy thì tốt biết mấy.
Tôi không bênh vực cái sai của anh ta, tôi chỉ thấy thương bởi vì anh ta bị cái nghèo đánh bại.
Nếu bạn không thể thay đổi vận mệnh của mình, con cháu đời sau đã được định sẵn là kẻ thua cuộc ngay vạch xuất phát, và khi bọn họ còn nhỏ, lại phải tiếp tục trải qua những ngày tháng khổ cực như bạn trước đây.
Thế nên, nếu muốn gia đình, con cháu và chính bản thân bạn sau này không chịu khổ, hãy cố gắng hết sức ngay từ bây giờ. Đừng để sự nghèo khó của thế hệ trước khiến đời sau nếm quả đắng.
3. Những người có bằng cấp cao hơn bạn, đang nỗ lực "giành" chén cơm với bạn
Không hiểu sao từ năm 2017 đến nay, số học sinh lớp 12 đăng kí dự thi vào các trường Đại học ngày càng giảm.
Liệu có phải là do bằng cấp bây giờ đã mất giá rồi hay không?
Năm ngoái, bạn tôi vừa du học từ nước Anh về, nhưng cô ấy lại chọn làm giáo viên một trường tiểu học hạng hai ở Biên Hòa.
Lúc đó tôi đã hỏi: "Cậu tốt nghiệp ở Đại học Manchester, nhưng tại sao lại muốn về Biên Hòa làm? Là vì gần nhà sao?"
Nhưng cô ấy chỉ thành thật đáp: "Tớ cũng từng nghĩ như vậy, nhưng khi tớ phỏng vấn ở các trường trong Thành phố Hồ Chí Minh, đối thủ cạnh tranh của tớ mạnh quá, những người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ đều được ưu tiên nhận vào trước hết rồi. Tớ cũng đã lớn tuổi, muốn tìm một công việc ổn định kiếm đồng lương nuôi sống bản thân. Không muốn bôn ba đây đó nữa."
Thế đấy, người ta thường nói: "Bằng cấp vô dụng. Học lực không quyết định tất cả."
Nhưng khi muốn tìm các công việc trí thức, đặc biệt là dân văn phòng công sở, bằng cấp là một thứ yếu không thể thiếu được. Dù bạn không có bằng đại học đi nữa, cũng phải có bằng ngoại ngữ, tin học...
Với những ai xem thường bằng cấp, coi bằng cấp như giấy thải, khi dễ việc học, vậy có ngày sẽ ăn quả đắng.
Người ta không chỉ có học lực cao, mà còn đang chăm chỉ hơn bạn, thử nghĩ xem chén cơm của bạn có dễ bị cướp đi không?
Các doanh nghiệp lớn đều nói: "Bằng cấp không quan trọng, năng lực quan trọng." Nhưng vào mỗi kì tuyển dụng, tại sao mấy công ty lớn chỉ về mấy trường Đại học nổi tiếng như Bách Khoa, Nhân văn, Ngân hàng,... mà không về "thăm hỏi" sinh viên trường tỉnh?
4. Đừng than học hành quá khổ nữa, đó là con đường ngắn nhất dẫn bạn đi ngắm nhìn thế giới.
Tuy học lực, bằng cấp không thể quyết định mọi thứ, nhưng nếu không có nó, ban đầu bạn phải đi nhiều con đường gập ghềnh hơn. Dù chăm chỉ nhưng vẫn phải làm những công việc mệt nhất, ít tiền lương nhất, mà lại có tiếng nói thấp nhất.
Cuộc sống như một dòng sông, dòng sông lúc đầu hẹp, bị kẹp bởi hai bờ. Nhưng sau đó chảy qua tảng đá, dần mở rộng, hai bờ ngày càng xa nhau, dòng chảy cũng nhẹ nhàng hơn, cuối cùng chảy ra biển và hòa nhập với biển lớn.
Học tập chính là giai đoạn khi bạn đang ở nơi sông hẹp.
Hãy tin rằng mọi nỗ lực đều sẽ có đền đáp, những nỗi khổ mà bạn trải qua trong việc học là nhân, sau này sẽ dẫn bạn đến một con đường rộng lớn hơn, đó là quả.