Không mưu mô, thủ đoạn, không đao to búa lớn nhưng chính gia đình của Quỳnh (Phương Oanh) và Lan (Thanh Hương), chính những người thân máu mủ của 2 cô gái tội nghiệp này lại là người "tiếp tay" cho xã hội khốn nạn ngoài kia đẩy Quỳnh và Lan vào tận đáy của bi kịch. Cách mẹ Quỳnh đuổi cô ra khỏi nhà, chẳng thèm bận tâm đến những lời phân trần của con gái, cách cả gia đình hạch sách, xỉ vả và quay lưng với Lan trong khoảnh khắc cô đau đớn và khốn khổ nhất quả là khiến khán giả của Quỳnh Búp Bê bất mãn.
Khi gia đình lại chính là nguồn cơn của mọi bất hạnh
Quỳnh từng có một gia đình đáng ngưỡng mộ, không giàu sang, phú quý nhưng ngập tràn tình yêu thương của cả cha lẫn mẹ. Nhưng đó chỉ là những mảng kí ức tươi đẹp ngày thơ ấu, kể từ khi cha mất, mẹ vội vàng đi thêm bước nữa, cuộc đời của Quỳnh toàn một màu u ám, xám xịt bởi những nỗi bất hạnh chất chồng đến từ chính người ngày ngày ầu ấp tay gối với mẹ mình.
Đời Quỳnh nhuốm màu bi kịch kể từ ngày mẹ đi bước nữa
Quỳnh chưa tròn 18 tuổi đã trở thành con mồi trong tay gã cha dượng háo sắc, đểu giả, ngày ngày chịu sự đày đọa cả về thể xác lẫn tinh thần. Gã cưỡng bức Quỳnh, rắc tâm hãm hại, chia rẽ tình mẹ con, vu oan giá họa, khiến Quỳnh phải ngậm ngùi mà mang tiếng là đứa con gái hư hỏng, bỏ nhà theo trai. Một gia đình không trọn vẹn, đủ đầy đã trực tiếp đẩy cuộc đời Quỳnh vào bi kịch, khốn nạn hơn khi mẹ cô lại nhất định tin tưởng gã chồng đốn mạt, thẳng tay mà đuổi cô ra khỏi nhà rồi đến lúc hối hận cũng chẳng còn kịp nữa rồi.
Mẹ Quỳnh thà tin lời người đàn ông đốn mạt chứ nhất định không chịu tin lời con gái
Còn Lan, lớn lên trong 1 gia đình nghèo khó, cô phải sớm ra ngoài bươn trải để nuôi 5 miệng ăn rồi lo kiếm tiền để trả những khoản nợ chất chồng. Dĩ nhiên, gia đình nghèo không phải một cái tội, thứ khiến Lan trở thành kẻ bất hạnh nhất Quỳnh Búp Bê là cái cách mà cả nhà đối xử khi biết cô từng làm gái. Không cảm thông, không thương xót càng chẳng nghĩ đến việc Lan phải hi sinh, chịu đựng và chắt chiu vì gia đình đến mức nào, cả 4 con người đồng loạt quay lưng, xỉ vả và đay nghiến chính người thân yêu nhất của mình. Dẫu biết việc Lan làm gái chẳng có gì đáng để ngợi khen nhưng có lẽ chỉ cần một chút cảm thông, một chút tha thứ thì cuộc đời Lan đã không khốn nạn như thế.
Đời Lan trở nên khốn khổ như vậy cũng chính bởi lòng sĩ diện hão của mẹ cha
Và những nỗi đau mà "nạn nhân" đang ngày ngày chịu đựng
Quỳnh, Lan, Đào, tất cả đều là những nạn nhân khốn khổ của chính gia đình mình. Vì những kí ức kinh hoàng do cha dượng gây ra, Quỳnh trở nên thù ghét chính đứa con do cô mang nặng đẻ đau, cô sợ hãi, ám ảnh, không dám nhìn mặt đứa trẻ còn đỏ hỏn đang thèm dòng sữa mẹ. Quỳnh đi đến bước đường cùng, trở thành kẻ ở tận đáy xã hội, gặp gỡ những con người của một thế giới khác hoàn toàn với những gì cô có thể tưởng tượng, tất cả cũng vì sự đốn mạt của cha dượng và sự mù quáng của mẹ ruột.
Chính sự mù quáng của mẹ ruột
Đã đưa đời Quỳnh vào bi kịch
Quỳnh của hiện tại, dù Thiên Thai đã sụp đổ nhưng vẫn ngày ngày chịu đựng sự thống khổ của phận làm gái, chưa một giây phút nào được yên bình. Hận thù đeo bám, gia đình li tán, nỗi đau mất con, mặc cảm thân phận và âm dương cách biệt với tình yêu đầu đời, tất cả là quá nghiệt ngã với một cô gái đã từng ngây ngô, mơ mộng. Chẳng phải ông Cấn, Phong cũng chẳng phải những tay buôn người độc ác, mà chính gia đình mới là người đã đẩy Quỳnh vào bước đường cùng.
Quỳnh đang đứng trên bờ vực thẳm, không thể quay đầu lại nữa rồi!
So với Quỳnh, nỗi đau mà Lan đang phải gánh chịu có phần còn khủng khiếp hơn. Vì thứ sĩ diện hão của cả gia đình mà Lan bị dồn vào những tháng ngày đen tối nhất của cuộc đời, thậm chí Lan không thể tìm thấy lí do để sống tiếp, cô đã mất đi tất cả mọi thứ, kể cả hi vọng làm lại cuộc đời.
Chẳng biết đến bao giờ đời Lan mới bớt khổ
Kể cả Đào (Quỳnh Kool) - em gái Lan cũng là một "nạn nhân" của chính gia đình mình. Sống trong một gia đình nơi mà cha mẹ yêu thương, bảo bọc thái quá, Đào chẳng biết gì về cuộc đời. Kết quả, chỉ mới tập tành lên thành phố kiếm sống, Đào đã vướng phải bao thị phi, thậm chí còn chuẩn bị tiếp bước chính chị mình. Rồi cuộc đời Đào sẽ đi về đâu, chẳng ai biết cả, rất có thể cô sẽ trở thành Quỳnh thứ 2?!
Kể cả Đào cũng không có cơ hội được sống cho yên ổn
Cùng câu chuyện con hư là tại... cả gia đình
Mẹ Quỳnh đi bước nữa không sai, nhưng bà sai khi không chọn cho con mình một người cha tử tế càng sai khi nóng vội mà kết án đứa con gái bé bỏng, tội nghiệp của mình. Cái giá hiện tại bà phải trả là những tháng ngày khốn khổ vì tìm con, là một gia đình li tán, không hẹn ngày gặp lại. Cha mẹ Lan xấu hổ vì có một đứa con làm gái cũng chẳng sai nhưng họ lại sai khi biến sự xấu hổ thành ruồng bỏ, khinh miệt và đay nghiến để rồi tự tay đẩy con gái mình vào bước đường cùng.
Tất cả những con người này đã trực tiếp đẩy cuộc đời Lan vào vũng bùn tăm tối
Con hư tại mẹ, tại cha, cháu hư là tại cả bà lẫn ông, Lan, Quỳnh và cả Đào bị chính cha mẹ mình đẩy vào xã hội khi còn chưa kịp hiểu sự đời, kết quả họ cùng lầm đường lạc lối, đến khi quay lại thì không còn một ai chịu chào đón. Còn nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau ngày trở về thấy mẹ cha đã biệt tăm? Còn sự nhục nhã nào lớn hơn bị chính người thân mình xỉ vả. Còn sự oan nghiệt nào đáng sợ hơn việc bản thân đang đi vào chính vết xe đổ của người mình từng đay nghiến? Kết quả cho 3 cô gái bất hạnh đều là vực thẳm, nơi có muốn cũng chẳng thể quay đầu!