Ngay cả trong thời đại con người có thể tiếp cận mọi thông tin chỉ bằng vài lần lướt ngón tay, khoa học vẫn liên tục tìm tòi cái mới. Và mới đây, các chuyên gia nghiên cứu tại rừng rậm Amazon (Brazil) đã chính thức xác nhận tìm ra tới 381 loài mới.
Đáng chú ý, số loài mới này được tìm thấy chỉ trong vòng 2 năm - tức là trung bình 1 loài/2 ngày. Cụ thể, danh sách có 216 loài thực vật, 93 loài cá, 32 loài lưỡng cư, 20 loài thú, 19 loài bò sát và 1 loài chim mới. Nổi bật nhất trong đó là loài cá heo hồng (Inia Araguaiaensis) và khỉ đuôi lửa (Plecturocebus miltoni).
Khỉ đuôi lửa Plecturocebus miltoni
Các loài mới được công bố cùng thời điểm Quỹ Động vật hoang dã thế giới (WWF) đưa ra báo cáo về "Các loài sinh vật mới trong rừng Amazon 2014 - 2015". Tức là nhóm loài cũ còn chưa được công bố, các loài mới đã được tìm ra. Theo như giới chuyên gia đánh giá, đây có lẽ là tốc độ khám phá sinh vật nhanh nhất thế kỷ.
Loài cá heo hồng mới được tìm thấy tại Amazon
Tuy nhiên, dù tìm ra các loài vật mới là một tín hiệu đáng mừng, nhưng ẩn sau đó vẫn là một tin không vui cho các nhà khoa học. Lý do là vì hầu hết các loài mới đều đang nằm trong các khu vực chịu ảnh hưởng tiêu cực từ con người.
"Chúng ta mới chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng chìm khi nói về số lượng loài sống trong Amazon. Tuy nhiên, khu rừng đang bị đe doạ hơn bao giờ hết" - trích lời Sarah Hutchison, giám đốc WWF tại Amazon.
"Thậm chí có rủi ro các loài vật sẽ tuyệt chủng trước khi chúng ta kịp tìm ra chúng."
Thậm chí có cả cá đuối
Hiện tại, WWF cho biết có khoảng 60 khu vực vốn được bảo hộ của rừng Amazon có nguy cơ mất đi sự an toàn vì nạn chặt phá rừng và khai khoáng. Tuy rằng, chính phủ Brazil đã ra yêu cầu ngăn chặn, nhưng tương lai khó lòng đoán trước được điều gì.
"Số lượng loài mới này hy vọng sẽ là lời cảnh tỉnh cho chính phủ các nước sở hữu Amazon, giúp họ quyết liệt hơn khi từ bỏ hành động chặt phá rừng đang làm." - Hutchison cho biết.