Xạ thủ Phạm Quang Huy từng đam mê trượt patin, làm ảo thuật

Nguyễn Hoàn, Theo Tiền Phong 17:55 30/09/2023
Chia sẻ

Khi còn nhỏ, xạ thủ Phạm Quang Huy (SN 1996, quê TP Hải Phòng) từng muốn tập luyện và phát triển môn trượt patin, ngoài ra anh còn đam mê công nghệ, thích làm ảo thuật.

Niềm vui khó diễn tả

Cựu xạ thủ Phạm Cao Sơn (SN 1970), bố xạ thủ Phạm Quang Huy , người vừa đoạt huy chương vàng (HCV) lịch sử cho bộ môn bắn súng Việt Nam tại ASIAD 2023 chia sẻ, ông theo dõi đội tuyển và con trai thi đấu từng phát bắn.

Ở vòng loại, Phạm Quang Huy đứng thứ 4, một đồng đội đứng thứ 3, qua đó cả hai vào vòng trong, ông chỉ hy vọng con trai lọt vào top3, có huy chương.

Vào vòng chung kết, ông hồi hộp theo dõi qua tivi từng phát bắn của đội tuyển. Huy thể hiện tốt, càng về sau phong độ càng ổn định và rút ngắn khoảng cách, rồi vươn lên dẫn đầu. Có thời điểm, Huy và người đứng thứ 2 gần như không có khoảng cách.

Với kinh nghiệm dày dặn hàng chục năm thi đấu, huấn luyện, cựu xạ thủ Phạm Cao Sơn hiểu thời điểm nước rút, mỗi phát súng bắn ra đều có thể đảo chiều kết quả. Thể lực bền bỉ, tâm lý thỏa mái là rất quan trọng, quyết định đến từng phát bắn và màu huy chương.

Xạ thủ Phạm Quang Huy từng đam mê trượt patin, làm ảo thuật - Ảnh 1.

Cựu xạ thủ Phạm Cao Sơn chia sẻ về con trai Phạm Quang Huy, người vừa giành HCV bắn súng hơi ngắn 10m tại ASIAD 2023.

Ông Sơn chia sẻ, vợ ông cũng là huấn luận viên (HLV) bắn súng trường nhưng vì hồi hộp, tâm lý không dám xem con thi đấu. Khi kết thúc thi đấu, Huy giành HCV, ông lập tức gọi điện thông báo tới vợ. Cả hai vui mừng, hạnh phúc vì con trai làm được điều bố mẹ chưa từng, cảm giác rất khó tả. Sau đó, rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè và người thân quen gọi điện chúc mừng, chia sẻ nên rất vui.

“Đây vừa là thành tích tốt nhất của con trai, vừa là kết quả tốt của bộ môn và đoàn thể thao Việt Nam. Tôi từng giành 11 HCV, hàng chục huy chương các loại môn bắn súng ngắn ở các kỳ Seagame, nhưng chưa từng có huy chương ở ASIAD. Cảm xúc của tôi lúc đó rất lạ, bởi tôi vừa là huấn luận viên, vừa là phụ huynh…”, cựu xạ thủ Phạm Cao Sơn nói.

Xạ thủ Phạm Quang Huy từng mê trượt patin

Nói về cậu con trai vừa giành HCV ASIAD, ông Sơn chia sẻ, từ nhỏ Huy đã theo bố mẹ lên đội tuyển quốc gia tập luyện, thi đấu. Còn tại khu nhà tập thể của gia đình trong khuôn viên khu tập luyện bắn súng Hải Phòng, hằng ngày Huy thường xuyên ra khu tập luyện của các anh, chị vận động viên chơi nhưng lúc nhỏ chưa đam mê môn này.

Khi còn nhỏ, Huy từng rất thích trượt patin và nói với bố ở Việt Nam bộ môn này chưa phát triển và muốn tập luyện chuyên nghiệp. Ngoài trượt patin, đam mê công nghệ, chơi game, học và làm ảo thuật rất khéo.

Xạ thủ Phạm Quang Huy từng đam mê trượt patin, làm ảo thuật - Ảnh 2.

Khu huấn luyện bắn súng tại Trung tâm huấn luyện thể thao, TP Hải Phòng.

Năm 15 tuổi, Huy bắt đầu tập luyện bắn súng nhưng không có ý định thi đấu chuyên nghiệp. Quá trình tập luyện, kết quả tiến bộ từng ngày, một năm sau Huy được gọi vào đội tuyển quốc gia. Lúc này, con trai nói với cựu xạ thủ sẽ bỏ hết các đam mê khác, chỉ tập trung vào tập luyện, thi đấu bắn súng ngắn.

Sau khi con trai lên đội tuyển quốc gia, cựu xạ thủ Phạm Cao Sơn thường xuyên trao đổi với HLV Hoàng Xuân Vinh, ban huấn luyện đội tuyển và các vận động viên về nội dung này.

Với kinh nghiệm thi đấu và huấn luyện, cựu xạ thủ Phạm Cao Sơn cho rằng, vận động viên bắn súng cũng giống như các vận động viên thể thao khác trước hết phải có thể lực, tính kiên trì và thông minh, bản lĩnh, dũng cảm.

Trong Huy có nhiều ưu điểm tương đồng với một vận động viên thể thao, nhất là bắn súng, nên khi tập luyện kết quả cải thiện rõ rệt.

Cựu xạ thủ Phạm Cao Sơn chia sẻ thêm, sau khi kết thúc ASIAD, con trai còn cùng đội tuyển có một số hoạt động khi về nước do đó phải vài ngày sau Huy mới có thể về nhà. Cựu xạ thủ chia sẻ, vợ chồng anh rất vui và đang chờ đón con trai về nhà ăn cơm cùng gia đình, người thân.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày