Xóm trọ "xe ngô luộc" nghèo giữa lòng Hà Nội

Phong Hà, Theo Trí Thức Trẻ 10:01 01/11/2012
Chia sẻ

Hà Nội chuyển sang đông, là lúc những chiếc xe chở đầy ngô luộc, khoai nướng rong ruổi giữa phố phường đông đúc. Oằn mình bên chiếc xe là những người nông dân nghèo tha phương cầu thực, nặng gánh lo toan.

Mấy ai biết, đằng sau những chuyến xe ngô đó là cả một gia đình đang chờ đợi, là hi vọng cho những mầm sống sẽ đâm chồi nảy lộc. Quê nghèo, quanh năm sản xuất với mấy sào ruộng, không đủ ăn, không đủ lo cho cuộc sống gia đình. Cứ thể, những người tỉnh lẻ lần lượt xa quê, đến với Hà Nội, mưu sinh từ những chuyến xe ngô.

xom-tro-xe-ngo-luoc-ngheo-giua-long-ha-noi
Hình ảnh quen thuộc của mùa đông Hà Nội.

Bám trụ xóm nghèo mưu sinh

Lên thành phố, khó khăn đủ bề, nơi ăn chốn nghỉ là điều vô cùng khó khăn với những người lao động tỉnh lẻ. Khu trọ tồi tàn, rách nát, rác rưởi bủa vây là nơi ở của gần trăm con người làm nghề bán ngô luộc, khoai nướng. Xóm trọ nằm khuất trong khu Đồng Bát, Mai Dịch, Hà Nội. “Nghe đâu khu này người ta sắp giải tỏa rồi, đất của dự án người ta xây chung cư chú ạ” một người sống trọ ở đây lo lắng.

xom-tro-xe-ngo-luoc-ngheo-giua-long-ha-noi

xom-tro-xe-ngo-luoc-ngheo-giua-long-ha-noi
Xóm trọ tồi tàn, nhếch nhác này là nơi bám trụ của những người lao động nghèo

Bước chân vào xóm ngô khoai, không ai nghĩ rằng đấy là nơi tá túc và bám sống để mưu sinh của hơn trăm con người. Những tấm tôn lợp cũ, hay băng rôn quảng cáo được người ta căng lên, và gọi đó là phòng trọ. Rộng chưa đến chục mét vuông, ẩm thấp, bẩn thỉu, ngày nằng thì nóng, ngày mưa thì dột, nước ngập đến tận đầu gối mà không có chỗ thoát.

Bẩn thỉu, ẩm thấp, dột nát là thế nhưng người lao động vẫn phải bỏ ra 500 – 700 nghìn để được sống trong cái nơi được gọi là ‘phòng trọ’ này. Nhìn lên mái nhà, đủ thứ được tận dụng để lợp trên đó, nào là ghế nệm, bơ rô xi măng, băng rôn hay những tấm ni lông cũ kĩ.

xom-tro-xe-ngo-luoc-ngheo-giua-long-ha-noi
Phòng trọ được dựng lên từ những tấm tôn, nệm cũ

xom-tro-xe-ngo-luoc-ngheo-giua-long-ha-noi
Bao quanh là rác

Chị Thảo – đã lên Hà Nội bán ngô được hơn năm nay, cũng từng đấy thời gian chị sống trong khu trọ nhếch nhác này. Chị kể: “Nhiều hôm trời mưa, nước dột trúng giường, không có chỗ mà ngủ, nhưng cũng phải chấp nhận vì giá ở đây rẻ. Còn thuê những nơi khác, dân lao động không đủ tiền để ở”. Họ chấp nhận sống nơi xóm trọ tồi tàn, nhếch nhác này vì cuộc sống mưu sinh, vì miếng cơm manh áo phải dành giật từng ngày.

Tại khu Đồng Bát, Mai Dịch này, hầu hết là người dân các tỉnh lân  cận Hà Nội. Nhiều nhất là các nông dân nghèo của huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Theo như anh Hoàng cho biết, ở nhà chỉ có 2 sào ruộng, nhà lại đông người nên phải lên thành phố đi bán ngô, kiếm thêm thu nhập. Ngày mùa, vợ anh lại về quê làm, còn anh vẫn ở lại thành phố bám trụ với nghề này.

xom-tro-xe-ngo-luoc-ngheo-giua-long-ha-noi
Chiếc xe là tài sản quý nhất của người lao động ở đây

Bước vào căn phòng, đủ thứ chất đống trong đó. Một góc là ngô, một góc là khoai, rồi than và các dụng cụ phục vụ công việc nằm la liệt trong căn phòng chưa đến chục mét vuông. Để tiết kiệm chi phí, 3 hoặc 4 người ở chung nhau. Với những người lao động nghèo, chỉ cần một chỗ để ngả lưng sau một ngày lao động vất vả, thế là đủ.

Chị Nguyễn Thị Trang (34 tuổi, ở Mỹ Đức, Hà Nội), đã bám cái nghề này gần 3 năm. Chị cho biết, gia đình đông con, chị lập gia đình và cùng chồng bươn chải kiếm sống. Ở quê đất ruộng không đáng bao nhiêu, chị khăn gói lên thành phố làm nghề bán ngô luộc. Cách nhà chưa đến trăm cây số, nhưng phải 3, 4 tháng chị mới về thăm nhà được một lần. “Tranh thủ thời gian đi bán hàng, nghỉ ngày nào là tôi xót ngày đó” chị Trang chia sẻ. Được biết, 2 con của chị đứa lớn học lớp 2, đứa nhỏ 5 tuổi. Mọi chi tiêu của gia đình đều trông chờ vào công việc của chị, khi chồng chị đau ốm thường xuyên.

xom-tro-xe-ngo-luoc-ngheo-giua-long-ha-noi
Từ sáng sớm, họ đã tất bật với công việc của mình

Kế bên phòng chị Trang, là căn phòng của đôi vợ chồng trẻ người Hưng Yên. Anh Hoàng và chị Thúy cưới nhau được hơn một năm thì cùng lên Hà Nội bán ngô dạo. Một tay bế con, một tay cho ngô vào nồi luộc, dáng người hao gầy của cô gái đôi mươi nhưng đã dãi dầm mưa nắng. Vợ chồng anh đang cố dành tiền để sang năm gửi con về quê cho ông bà đưa đi học mầm non.

Dáng người đậm, ăn nói mạnh bạo, chị Huyền cho biết đã vào nam ra bắc làm đủ thứ nghề. Gần đây nhất chị vào tận Nghệ An bán xôi ở cầu Bến Thủy, tối chị ra quảng trường thành phố Vinh (Nghệ An) bán kẹo bông. Nhưng làm ăn khó khăn, chị trở về Hà Nội bán ngô dạo được gần năm nay. 

Cho con được đến trường

Cũng chính từ xóm trọ tồi tàn này, những chiếc xe chở ngô tỏa đi khắp phố phường Hà Nội. Mỗi người luộc khoảng gần 100 bắp ngô bán cho một ngày. Phải bán được từ 40 bắp trở lên thì mới có lãi được. 

xom-tro-xe-ngo-luoc-ngheo-giua-long-ha-noi
Chị H oằn lưng vác bao tải ngô vừa mua từ đầu mối về

xom-tro-xe-ngo-luoc-ngheo-giua-long-ha-noi
Chuẩn bị ngô để buổi chiều đi bán 

Sáng sớm, cả xóm trọ đã tất bật với công việc. Chọn ngô từ đầu mối, rửa ngô, nhóm lò chuẩn bị lên xe. Đến tầm quá trưa, ăn vội bát cơm rồi cả xóm lại í ới nhau lên đường. Cứ thế, từng chuyến xe ba gác mưu sinh lại rong ruổi khắp phố phường. Khi Hà Nội dần chìm trong giấc ngủ, cũng là lúc họ lầm lũi trở về xóm trọ. Thanh thản nở nụ cười khi bán được hết hàng, còn ngày hôm đó không máy mắn bị ế, họ lại đau đáu những nỗi lo cho ngày mai.

Chị Mai cho biết: “Giờ trời sắp sang đông, sẽ bán được hàng hơn mùa hè chú ạ, sắp tới tôi lấy thêm khoai về bán, kiếm thêm đồng gửi về cho con ở quê”. Chị Mai có 3 cháu nhỏ, tất cả đang độ tuổi ăn học. Chị cho biết cháu gái đầu học khá lắm, năm nào cũng được học sinh tiên tiến. Đôi tay người phụ nữ chai sần đi vì công việc, dù thế, chị vẫn cố gắng vì tương lai của các con. “Hôm cháu nhận được giấy khen, tôi mừng lắm, mình chấp nhận vất vả cho các con học hành để có tương lai" chị Mai nói trong nghẹn ngào.

xom-tro-xe-ngo-luoc-ngheo-giua-long-ha-noi

Từ những vòng quay của chiếc xe ba gác chở đầy ngô, là hi vọng cho con được tới trường

Và cũng chính từ xóm nghèo này, những mầm sáng tươi lai vẫn nảy nở. Đổi lấy vất vả của cha mẹ, là những đứa con thơ được học hành tử tế, đến nơi đến chốn. Người lao động ở đây luôn lấy con cái, gia đình làm niềm vui an ủi họ. Đằng sau những nhọc nhằn của cuộc sống thường nhật là những phút giây họ nghĩ về con cái. Anh Tùng (quê Bắc Giang) vừa kể chuyện vừa đưa ảnh 2 đứa con cho tôi xem. Anh cho biết, cháu lớn nhà anh năm nay 13 tuổi, ở nhà cháu chịu khó giúp đỡ ông bà việc vặt lắm. “Thương bố mẹ nên các cháu nó ngoan và chăm học lăm” anh Tùng chỉa sẻ trong niềm tự hào.

Từ những vòng quay của chiếc xe ba gác chở đầy ngô, là những tia sáng hi vọng về một tương lại tốt đẹp cho những người lao động vất vả. Đổi lấy sự vất vả, nhọc nhằn là khi con cái họ được cắp sách tới trường, hứa hẹn một tương lai tươi sáng hơn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày