Xóm lao động nghèo mưu sinh bằng "nghề đổ máu"

Ý Nhi, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 18/06/2014
Chia sẻ

Trên con đường Nguyễn Thị Tươi đầy đất đỏ và ổ gà thuộc xã An Phú, Thuận An, Bình Dương, có một xóm nghề “lạ”: nghề nhặt kính vỡ. Không đổ máu thì không có tiền - là cụm từ để miêu tả về công việc nhọc nhằn này.

Không đổ máu thì không có tiền

Vừa bước vào xóm, đập ngay vào mắt tôi là những mảnh kính vỡ vương vãi trên đường và những bao kính vỡ được xếp chồng đống lên nhau.

Kính vỡ vương khắp nơi...


... và còn được đựng vào các bao xi măng rồi xếp chồng lên nhau.

Được biết, xóm nhặt kính có khoảng 15 hộ làm nghề. Thường ngày, khoảng 6 - 7 giờ sáng, những người đàn ông sẽ bắt đầu công việc đi tìm kính vỡ. Sau đó, họ chở kính về trên những chiếc xe ba gác cũ kĩ. Những người phụ nữ ở nhà sẽ chọn lọc các loại kính để phân loại, lau chùi, cắt kính, đập kính... Khi trời nắng gắt cũng là lúc những người mưu sinh nhờ kính vỡ khẩn trương hơn với công việc của mình.




Đường vào xóm hành nghề kính vỡ.

Chị Nguyễn Thị Lan chia sẻ: "Phụ nữ ngồi đây đập kính, cắt kính là còn nhàn, chứ những người đàn ông trong xóm mới cực khổ. Mấy ổng phải dậy từ sớm, đi 40-50km, rong ruổi khắp Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Long An tìm kính vỡ. Có khi, mấy ổng phải tìm đến những bãi rác thải mới kiếm được kính vỡ đem về".


Hằng ngày, đàn ông ở "xóm nghề lạ" này phải dậy từ rất sớm để đi đến các địa bàn khác gom kính vỡ.


Họ phải cẩn thận gom kính vỡ đưa về khu vực của mình.

Ngồi lọt thỏm giữa toàn kính là kính, anh Đặng Bá Hùng (quê ở Nghệ An) hì hục đập nhỏ những mảnh kính. Anh cho biết: "Làm nghề này phải cúi lom khom suốt nên đau lưng lắm nhưng thế vẫn còn là nhẹ, còn bị kính cứa đứt tay đứt chân như cơm bữa nữa kìa".


Làm nghề nhặt kính vỡ này, việc bị kính cứa đứt tay đứt chân là chuyện thường ngày.


Nên mọi người đều phải hết sức cẩn thận.


Kính đâm đứt tay thường xuyên nên người ta còn gọi "nghề lạ" này là nghề đổ máu.


Một vết sẹo do bị kính cắt.

Những đống kính to che lấp cả người ngồi, nhìn từ bên ngoài vào chỉ thấy hàng hàng lớp lớp kính chồng chất lên nhau. Những mảnh kính này sẽ được phân loại, đập và bốc vào bao đem bán cho các nhà máy để chế biến lại. Nghề này, tiền kiếm khó nhưng những vết thương thì dễ như chơi. Tâm sự với chúng tôi, chị Trần Thị Thanh Tâm (32 tuổi, quê Nghệ An) cho biết: “Kính rất sắc, chỉ một mảnh nhỏ vào tay là đổ máu ngay, khi mới bị chảy máu thì rất ngứa, mọi người nói chắc là do kính độc nên gây ngứa”.


Sau khi những tấm kính được cánh đàn ông chở về xóm, phụ nữ sẽ bắt tay vào xử lý.




Đập kính, cắt kính rồi rửa kính, những công việc này đều đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận.


Chị Tâm làm sạch kính trước khi cho vào bao.

Ở xóm nghề lạ này cũng từng chứng kiến những trường hợp tai nạn hi hữu, nhưng đến giờ khi nhớ lại, mọi người trong xóm đều không khỏi đau lòng.

Đó là chuyện một phụ nữ khi đang mang thai, do ăn uống không đủ chất lại liên tục làm việc trên bãi kính nên đến ngày sinh, do kiệt sức mà cả mẹ lẫn con đều tử vong tại bệnh viện. Câu chuyện buồn đó vẫn được người dân nơi đây nhắc đi nhắc lại. Họ tiếc thương vô cùng cho những hoàn cảnh ấy, không tránh khỏi tâm lý hoang mang với cái nghề mà lúc nào cũng đầy nguy hiểm rình rập.

Vậy mà khi được hỏi sao lại chọn công việc phải đối mặt với những tấm kính vỡ sắc nhọn này, ai nấy cũng chỉ cười buồn: “Tụi tui không trình độ, không biết kiếm việc nào khác. Biết đây là một nghề khổ cực nhưng vẫn phải bám nghề vì không tìm được việc gì phù hợp”.

Thu nhập bấp bênh

Làm vất vả là thế nhưng thu nhập của những gia đình nơi đây cũng chẳng đáng là bao. Theo lời kể của chị Nguyễn Thị Lan, anh Đặng Bá Đồng cùng quê ở Nghệ An đã vào Bình Dương làm nghề nhặt kính được 2 năm cho biết: Chỉ với 700 - 800 đồng/kg, trung bình mỗi ngày, mỗi gia đình cũng chỉ kiếm được 120 ngàn đồng”.


Mỗi bao kính có giá từ 700 - 800 đồng/kg.

Chị Lan chia sẻ: “Nhưng 100 - 120 ngàn đồng là những hôm may mắn, có hôm chồng đi cả ngày kiếm kính vỡ cũng chỉ được bốn, năm chục ngàn đồng, coi như không đủ tiền xăng và ăn uống”. Đó là cái giá quá thấp cho những lần đổ máu do kính cắt tay chân, cho những vết chai sần và cả cái khổ cực của những chặng đường dài.

Cùng tâm trạng, chị Tâm cho biết: “Có những tuần mưa liên tục, cả tuần cũng chỉ làm được hai đến ba ngày”. Mọi người đều muốn trời nắng để kính được khô ráo nên cả bãi trống hoác, không một tấm bạt che.


Khắp "xóm nghề lạ", đâu đâu cũng đầy kính vỡ.

Tiền ít, vất vả, thậm chí là gặp nguy hiểm nhưng những người làm nghề nhặt kính cũng phải tiếp tục gắn bó với nghề để mưu sinh. 


Em bé vô tư đùa nghịch với bao đựng kính vỡ.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày