Nhấn “Like” bị phạt... 5 triệu đồng
Mới đây, thông tin Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh do yếu kém trong quản lý đất được bà Lê Thị Thùy Trang (giáo viên Trường THPT Long Xuyên) tải lên Facebook cá nhân với lời bình “nhìn cái mặt kênh kiệu”. Dòng chia sẻ này được Facebook của bà Phan Thị Kim Nga - Phó văn phòng Sở Công Thương - vào “like” (thích).
Sau khi có thông tin sơ bộ, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) tỉnh An Giang cùng Công an tỉnh vào cuộc, làm rõ người sử dụng tài khoản Facebook của bà Nga ấn “like” là ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc (điều độ viên Công ty Điện lực An Giang; chồng bà Nga). Sau đó, bà Trang và ông Phúc bị Sở TTTT phạt mỗi người 5 triệu đồng vì hành vi “sử dụng thông tin nhằm xúc phạm uy tín, danh dự người khác”.
Thông tin trên Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang cho biết, Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Giám đốc sở lãnh đạo, chỉ đạo Ban Giám hiệu Trường THPT Long Xuyên xem xét, xử lý kỷ luật khiển trách bà Trang.
Với bà Nga, “Đảng ủy Sở Công Thương phối hợp với Ban Giám đốc sở xem xét, xử lý kỷ luật cảnh cáo về Đảng và chính quyền”. Còn ông Phúc là nhân viên điện lực thì bị “Đảng ủy Khối Doanh nghiệp lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy Công ty Điện lực An Giang xem xét, xử lý về chính quyền bằng hình thức phê bình bằng văn bản trong toàn công ty”. Ngay sau đó, Giám đốc Điện lực An Giang Võ Thành Duyên ký văn bản “Nghiêm khắc phê bình ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc”, gửi tất cả các đơn vị trực thuộc.
UBND tỉnh An Giang còn chỉ đạo Báo An Giang phải thông tin kết quả xử lý và “báo cáo kết quả về UBND tỉnh sau khi thực hiện”.
Người bị phạt là hàng xóm sát vách nhà chủ tịch tỉnh
Để có thông tin đa chiều về vụ "bị phạt vì nói xấu chủ tịch tỉnh", PV Dân Việt nhiều lần gọi điện thoại cho ông Vương Bình Thạnh để phỏng vấn nhưng ông không nghe máy. Sáng 18.11, PV đến nhà ông Thạnh để tìm hiểu sự việc.
Bà Võ Thị Thiêm - vợ ông Thạnh - cho biết: Vợ chồng bà ở nhà số 5 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Mỹ Long, TP.Long Xuyên (An Giang). Nhà số 7 là nhà ông Phúc. Năm 2007, gia đình bà Thiêm xây căn nhà 4 tầng kề nhà ông Phúc. Trong lúc xây cất, nhà số 7 bị chấn động, nứt tường, nứt đà, bị ảnh hưởng nặng. Vợ chồng ông Phúc không có ý kiến gì, nhưng cha mẹ ông Phúc là ông Huỳnh Văn Đông và bà Nguyễn Thành Phi Anh (cô giáo về hưu, nay đã 71 tuổi) đề nghị gia đình bà Thiêm xem xét.
“Tôi có yêu cầu nhà thầu thi công qua nhà chị Phi Anh kiểm tra, sau đó phải sửa chữa lại. Nhà thầu sau đó than là xây nhà cho tôi bị lỗ vì phải tốn phí sửa chữa nhà bà Phi Anh” - bà Thiêm nói.
Thế nhưng, sau khi sửa chữa xong, được một thời gian thì nhà cô giáo Phi Anh lại tiếp tục nứt ở những vết cũ nên ông Đông lại có đơn xin giải quyết.
Theo hồ sơ lưu giữ tại UBND phường Mỹ Long, ngày 28.12.2007, đại diện hộ ông Thạnh và gia đình bà Phi Anh cùng thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại. Theo đó, phía ông Thạnh ghi rõ “về lâu dài nếu hộ nhà số 7 có bị hư hỏng thì hộ nhà số 5 phải có trách nhiệm sửa chữa, bồi hoàn cho hộ số 7”. Biên bản này có chữ ký của Chủ tịch phường Mỹ Long Nguyễn Văn Bỉ, có chữ ký của nhiều cán bộ chuyên môn cũng như hai gia đình.
Trao đổi về văn bản này, bà Thiêm nói: “Tôi không có ký, mà chỉ có ông Lê Chơn Tâm là nhà thầu tự ghi vào biên bản”.
Một văn bản cam kết bồi hoàn hư hỏng khác được ký vào ngày 3.11.2007, ký tên bà Thiêm, có xác nhận của chính quyền địa phương, cũng bị bà Thiêm phủ nhận. “Tôi không bao giờ đến phường ký cái gì hết. Chữ ký này không phải của tôi, chắc là nhà thầu tự ký” - bà Thiêm nói.
Suốt mấy ngày qua, nhiều học trò cũ đến nhà cô giáo Phi Anh để thăm cô nhân dịp 20.11, nhưng cửa nhà lúc nào cũng khóa bên trong.
Cô Phi Anh tâm sự: “Tôi đau yếu, nằm viện hoài. Còn chồng tôi thì mổ tim cách đây 3 năm, phải đặt stent tim, gặp việc này sốc chịu không nổi. Mấy bữa trước con tôi hỏi mượn 5 triệu đồng nói là mua sữa cho con, hai vợ chồng lấy tiền hưu đưa cho nó. Giờ mới biết nó bị phạt vì dám nhận xét chủ tịch tỉnh . Hai vợ chồng tôi muốn dẫn con qua nhà ông chủ tịch, xin lỗi ông, năn nỉ ông bỏ qua. Vì cái quyết định xử phạt này mà vợ chồng tôi giờ không dám ra đường, vì đi đâu ai cũng hỏi”.
Cũng theo lời ông Đông, ông có “không thích” một số việc nhưng không dám khiếu nại. “Nhà ông Thạnh xây cao, trời mưa nước tràn qua nhà tôi, hai vợ chồng già lấy thau lấy xô tát nước ra ngoài. Nhà mình thấp, đành chịu. Ông Thạnh trồng kiểng, nhưng không có thời gian tưới, nên phân tro trong các chậu kiểng bị khô nên bay tứ tung, tôi cũng không dám nói gì. Bên đó hay nướng thịt, khói bay qua nhà, chúng tôi cũng không nói gì vì nhà mình không kín, mà con cháu nướng chứ ông chủ tịch cũng không có nướng. Nhà cửa giờ hư hỏng, chúng tôi cũng chưa dám gửi đơn thì con trai lẫn con dâu đều bị phạt”.