Chiều 9/7, Lãnh đạo Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Cục Phòng chống HIV, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội… đã đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trao thưởng “nóng”, vinh danh 18 y bác sỹ đã hy sinh quên mình tích cực cứu chữa bệnh nhân HIV. Buổi vinh danh nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều cơ quan thông tấn, báo chí.
Các y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản trong kíp trực cứu sống bệnh nhân bị nhiễm HIV.
Tại buổi vinh danh, Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, sau khi biết thông tin về ca mổ khiến 18 y bác sỹ có nguy cơ phơi nhiễm HIV được dư luận chú ý khiến ông cũng rất xúc động vì hình ảnh đội ngũ y bác sĩ hết lòng cứu chữa bệnh nhân không quản nguy hiểm, bệnh tật.
Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS chia sẻ với báo chí.
Theo Tiến sĩ Cảnh, các y bác sỹ đều có nguy cơ phơi nhiễm với virus HIV. Sự việc 18 y bác sỹ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được chú ý bởi sản phụ trong ca mổ là người có HIV. Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục Phòng chống HIV đã chỉ đạo xử lý đúng quy trình điều trị dự phòng bao gồm các xét nghiệm và cấp thuốc cho các y bác sỹ đã tham gia ca mổ.
Ông Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội cảm kích trước những hành động đẹp của các y bác sĩ trong bệnh viện. Theo ông Ánh, sáng ngày 4/7, bệnh nhân N.T.H (quê Quảng Ninh) khi đưa vào phòng cấp cứu rất nguy kịch, thở ngáp cá, da vàng nhợt, mạch nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt không đo được, tim rời rạc gần như ngừng đập. Nếu chỉ chậm 1 - 2 phút là bệnh nhân sẽ không qua khỏi.
Ngay lập tức, bệnh nhân được các bác sỹ bệnh viện Phụ sản Hà Nội ép tim ngoài lồng ngực, hồi sức cấp cứu ngay tại phòng khám, không kịp di chuyển vào phòng phẫu thuật. Sau khi cấp cứu và có dấu hiệu của sự sống, tim đập trở lại, máu từ âm đạo bệnh nhân lại tiếp tục phun thành dòng nên các bác sĩ phẫu thuật phải tiến hành cắt toàn bộ tử cung để cầm máu.
Tử cung của bệnh nhân đã bị hoại tử, không thể bảo tồn. Nếu không cắt bỏ, khả năng bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng huyết và tử vong là không tránh khỏi. Lượng máu trong người bệnh nhân đã kiệt. Trong quá trình phẫu thuật phải truyền tổng cộng 4 lít máu cho bệnh nhân.
Điều đặc biệt, ca phẫu thuật được tiến hành gấp nên các y bác sỹ hoàn toàn không được chuẩn bị các phương tiện phòng chống lây nhiễm HIV.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội tặng bằng khen cho tập thể cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Theo Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, do tình huống quá cấp bách và nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân nên 18 y bác sĩ mỗi người một việc đã nỗ lực cứu sống bệnh nhân. “Trong tình huống cấp bách đó, nếu các y bác sĩ mặc bảo hộ… thì chỉ chậm 1, 2 phút nạn nhân đã không qua khỏi. Trong trường hợp này chúng tôi đồng cảm với các y bác sĩ hết lòng vì người bệnh mà quên mình”, ông Ánh bày tỏ.
Từ sự việc trên ông Nguyễn Duy Ánh cho biết, ca cấp cứu đặc biệt này sẽ là bài học không chỉ cho Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mà còn cho các bệnh viện khác. Đó là, cần trang bị sẵn những bộ bảo hộ phẫu thuật phòng lây nhiễm HIV cho bác sỹ ngay tại phòng khám cấp cứu vì sẽ có những trường hợp như trường hợp bệnh nhân N.T.H.
Đồng thời, phía gia đình bệnh nhân cũng nên thông tin cho phía bệnh viện biết những tiền sử bệnh tật của bệnh nhân để các bác sĩ có phương án cứu chữa hữu hiệu nhất.
“Với lương tâm người thầy thuốc, dù người đó có bị nhiễm HIV hay như thế nào, chúng tôi vẫn phải cố gắng hết sức để cứu chữa bệnh nhân, hoàn toàn không có chuyện vì bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm mà chúng tôi bỏ mặc”, ông Ánh cho biết.
Tại buổi vinh danh các y bác sĩ bệnh viện, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng bày tỏ lòng xúc động trước những hành động hết lòng vì bệnh nhân của đội ngũ các y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản. Chiều cùng ngày, Sở Y tế Hà Nội cũng đã trao tặng bằng khen cho các nhân, tập thể Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.