Ứa nước mắt câu chuyện 2 chị em đi xin ăn nuôi cha bại liệt

Đình Dặm – Tứ Quý, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 11/07/2014
Chia sẻ

Hàng ngày, chị em Huệ và Châu sau khi đi học về phải chạy từ làng trên, xóm dưới để xin gạo mắm về nuôi người cha bại liệt và tự lo cho bản thân.

Ông Đinh Văn Lai (48 tuổi, ở xóm 3, thôn Tân Vinh, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, Bình Định) bị mất đi đôi chân sau một vụ tai nạn kinh hoàng vào năm 2009. Từ đó đến nay, ông bị liệt hai chân, nằm một chỗ, không còn khả năng lao động. 

Gia cảnh khốn khó, không có tiền thuốc men cho chồng và nuôi các con, bà Tô Thị Lan - vợ ông đành phải gạt nước mắt để chồng và con thơ ở nhà để đi làm thuê, làm mướn ở xa. Vậy nhưng, số tiền ít ỏi gửi về cũng chưa đủ để mua thuốc cho chồng và nuôi các con ăn học.

Bữa cơm của chị em Huệ và Châu chỉ là những bát cơm trắng với nước mắm.

Mấy năm qua, trong căn nhà nhỏ, hai chị em Đinh Thị Mỹ Huệ (11 tuổi) và Đinh Văn Châu (9 tuổi) phải sống trong cảnh vắng mẹ, ba bại liệt nằm một chỗ, đói khát triền miên. Mẹ vắng nhà, Huệ bất đắc dĩ trở thành trụ cột trong gia đình. 

Huệ năm nay học lớp 6, trường THCS Canh Vinh. Đường từ nhà đến trường khá xa, đi lại rất vất vả, 2 chị em đi học bằng chiếc xe đạp đã cũ mèm từ thời ba em dùng để đi làm thuê. Cứ sáng đi học, 2 chị em lại mang theo hai cái hộp nhựa tròn để lúc tan trường đi xin gạo ở từng nhà dân về nấu cơm trưa. Buổi chiều, Huệ cùng em trai tiếp tục đi ăn xin để chuẩn bị cho bữa cơm tối. 

Mọi người trong xã thấy thương tình nên người ít người nhiều cũng rộng lòng giúp đỡ 3 cha con. "Khổ nỗi, người dân ở đây cũng đa phần nghèo khó nên nhiều khi hai chị em tới cũng chẳng có gì mà cho”, một số người dân ở gần nhà 2 em chia sẻ.

“Cháu biết đi xin ăn như vậy là không đúng. Nhưng hai chị em biết làm sao đây, xin cái ăn của mọi người, cháu cũng sợ bị la mắng nhưng đành phải chịu vì cháu còn có ba nữa. Ba bị bệnh không làm gì được hết. Những lúc 2 chị em cháu xin được đồ ăn ngon cũng không dám ăn mà để dành cho ba vì ba đang bệnh, còn  hai chị em ăn sao cũng được, chúng em thương ba lắm” - Huệ nói với giọng tủi buồn.

Ngôi nhà nhỏ lụp xụp là nơi ở của cả 3 cha con.

Một bữa cơm ngon với bát nước mắm, có ít dầu ăn để chiên cơm hoặc rim chút gia vị cho mằn mặn để ăn với cơm là niềm hạnh phúc lớn lao của 2 chị em và người cha tật nguyền. 

Chia sẻ cùng người viết, bé Huệ bảo, mỗi ngày, 2 chị em phải lang thang khắp nơi mới có thể xin được chút gạo ăn qua bữa. Có hôm trời mưa gió, không thể đi ra ngoài, 3 cha con vét gạo nấu cháo húp cho đỡ đói. Tệ hơn nữa, có hôm 3 cha con bấm bụng nhìn nhau vì chẳng biết lấy cái gì để ăn. Em trai Huệ mới 9 tuổi nhưng chuỗi ngày nhịn đói triền miên khiến cậu bé gầy dơ xương, tay chân khẳng khiu.

11 và 9 tuổi - đối với 2 chị em Huệ không có những ngày vui đùa cùng bạn bè; không có những manh áo mới mà chỉ là tháng ngày chật vật mưu sinh, sống trong đói khổ, thiếu thốn.  

Mới 9 tuổi nhưng bé Châu đã phải cùng chị đi xin gạo về nấu ăn hằng ngày.

Khu bếp nấu ăn chỉ có vài chiếc nồi cũ kỹ, méo mó và vài gói gia vị.

Trong ngôi nhà nhỏ này, 2 chị em Huệ thay nhau gánh vác việc chăm lo cho người cha bệnh tật. Huệ là chị gái lớn, nhiều hôm một mình đi xin gạo về nấu cơm, còn Châu phải lội sông lội suối để mò cua bắt ốc về phụ giúp chị lo canh cháo cho ba. Cứ thế những bữa cơm chan đầy mồ hôi, nước mắt của 3 cha con kéo dài hết ngày này qua ngày khác. Lúc trước, 2 đứa trẻ thường về họ hàng hai bên nội ngoại xin ăn nhưng sau này họ cũng không đỡ đần được nữa. 

Hiện tại, căn nhà gió ùa thốc tháo mỗi khi mưa về, người cha nằm bất động trên giường, đôi lúc ứa nước mắt nhìn các con vật lộn với cuộc sống sinh tồn.

2 chị em cùng nhau chăm sóc ba.

Vì mải vật lộn với bữa cơm, việc học của 2 chị em vì thế cũng sa sút dần. Từ học sinh giỏi, năm rồi Huệ và Châu rớt xuống học lực khá. Huệ cho biết, tương lai của 2 chị em gần như phải khép lại con đường học tập vì phải thường xuyên bỏ học để đi lang thang đầu làng cuối xóm xin ăn.

Hàng ngày, bé Huệ lại lau rửa và cho cha ăn.



Ngoài thời gian chăm ba, 2 chị em lại bảo nhau học hành chăm chỉ.


Chiếc xe là gia tài lớn nhất của 2 chị em Huệ - Châu.

Nhìn 2 đứa trẻ vừa mới đi học về, mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt nhưng đã vội chạy vào bếp lấy cơm để đút cho ba ăn, chỉ là cơm nguội với ít xì dầu khiến ai nhìn vào cũng xót xa. Huệ rưng rưng nước mắt: “Em chỉ mong ba sớm khỏi bệnh để cuộc sống đỡ cơ cực hơn thôi”. 

Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm xin liên hệ:

Anh Đinh Văn Lai - xóm 3, thôn Tân Vinh, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định.

SĐT: 01693355705.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày