Tuần sau có quy định xử trộm cắp, người nghiện

Pháp Luật TP.HCM, Theo 10:47 16/01/2014

Pháp lệnh sẽ có hiệu lực ngay chứ không đợi 45 ngày như quy định thông thường.

Chiều 15/1, thảo luận về dự thảo Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp hành chính tại TAND, các thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tỏ ra khá “bối rối”. Bởi quy định TAND cấp huyện có thẩm quyền quyết định đưa những người trộm cắp, đánh bạc, nghiện hút… mà không phải là tội phạm vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, chữa bệnh thực tế đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 nhưng đến nay vẫn chưa có pháp lệnh để thi hành.

Nước đến chân…

Ngay sau khi Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày xong tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự thảo pháp lệnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ trích gay gắt: “Luật xử lý vi phạm hành chính đã có hiệu lực từ ngày 1/1 mà sao đến giờ mới trình và bàn đến việc này. Theo quy trình thì tháng sau mới có thể thông qua, lại phải chờ tiếp 45 ngày có hiệu lực nữa thì không biết đến bao giờ mới thực hiện được”.

Tuần sau có quy định xử trộm cắp, người nghiện 1
Cần tiền chơi ma túy, Nghiêm Vĩnh Huy (còn gọi là A Quấy, ngụ quận 11, TP.HCM) dùng xăng đốt nhà vào sáng 5/9/2010 bị công an bắt giữ.

Phân trần lý do dẫn đến sự chậm trễ, ông Hiện cho rằng đã đề nghị TAND Tối cao gửi dự thảo sang nhiều lần nhưng đến cuối tháng 12 tòa án mới trình sang. “Vì trình muộn nên Ủy ban Tư pháp chỉ họp thẩm tra sơ bộ trong thường trực chứ chưa thẩm tra toàn thể được. Trong khi đó, theo quy định, nếu chưa họp toàn thể thì không thể xem xét thông qua một phiên họp được. Với tinh thần này thì đến cuối tháng 2 mới có thể thông qua và đến tháng 4 mới có thể có hiệu lực”, ông Hiện nói.

“Vậy làm thế nào để thông qua pháp lệnh đây, làm thế nào để thực hiện được quy định trên khi mà nó đã có hiệu lực từ ngày 1/1. Và cuộc sống đòi hỏi phải có nó ngay”, ông Hùng “truy”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng do Ủy ban Tư pháp chưa họp thẩm tra toàn thể thì chưa thể thông qua được dự thảo ngay trong phiên họp này. Theo luật, phải chờ phiên họp ở tháng sau mới có thể thông qua.

“Việc chúng ta chậm trình dự thảo và chậm ban hành là phải chịu trách nhiệm với xã hội, với dân và phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc về vấn đề trên”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.

Thừa nhận chậm trễ trình dự thảo nhưng ông Sơn thanh minh: “Cuối tháng 12 Chính phủ mới gửi ý kiến đóng góp nên tòa án trình dự thảo chậm”.

Và nhảy cấp tốc…

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Kso Phước, việc chậm trễ ban hành pháp lệnh trên dẫn đến rất nhiều khó khăn trong xử lý. “Nhiều trường hợp chúng ta bắt buộc phải đưa họ đi chữa bệnh nhưng chưa có pháp lệnh thì tòa chưa thể quyết định được. Thế thì sẽ xử lý ra sao đây khi mà thả ra cũng không được, đưa họ vào trại tạm giam của công an cũng không được”, ông Kso Phước nói.

Đáp lại, ông Sơn khẳng định không được xử lý theo quy định cũ và cũng chưa được xử lý theo quy định mới mà phải chờ khi nào pháp lệnh có hiệu lực, tòa án có phán quyết thì mới được thực hiện.

Để giải quyết sự chậm trễ đã rồi này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng sau phiên họp này, đến thứ Bảy hoặc Chủ nhật, Ủy ban Tư pháp cần tổ chức ngay phiên họp toàn thể để thẩm tra dự thảo pháp lệnh. Sau đó, Thường vụ Quốc hội tổ chức ngay một phiên họp nữa để xem xét thông qua pháp lệnh ngay trong đầu tuần tới.

Tán thành với ý kiến trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị Ủy ban Tư pháp bằng cách nào đó họp toàn thể ngay để xây dựng báo cáo thẩm tra cho Thường vụ Quốc hội họp xem xét thông qua ngay trong đầu tuần tới.

“Văn bản này sẽ có hiệu lực ngay sau khi ký hoặc sau một, hai ngày chứ không phải 45 ngày như vẫn thường thực hiện, không thể chậm trễ được nữa”, ông Hùng chốt lại.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày