Trường Châu Văn Liêm: Trùng tu vẫn đảm bảo an toàn mà ít tốn kém

VOV, Theo 15:21 27/07/2015
Chia sẻ

Theo TS.KTS Khuất Tân Hưng, công trình trường Châu Văn Liêm hoàn toàn có thể trùng tu để sử dụng với mức kinh phí ít hơn nhiều so với xây mới.

Ngay sau khi được biết thông tin về việc TP Cần Thơ sẽ phá dỡ và xây mới trường THPT Châu Văn Liêm, TS.KTS Khuất Tân Hưng – Phó Trưởng bộ môn Lý luận và Bảo tồn di sản, trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội đã có chuyến thăm và khảo sát hiện trạng của ngôi trường. Để tìm hiểu thêm về những ghi nhận, đánh giá của anh, phóng viên VOV.VN đã có cuộc phỏng vấn TS.KTS Khuất Tân Hưng.

PV: Được biết, sau khi nghe thông tin về việc phá dỡ và xây mới trường THPT Châu Văn Liêm (Cần Thơ), anh đã đến thăm và khảo sát hiện trạng ngôi trường. Dưới con mắt của một KTS có nhiều kinh nghiệm về bảo tồn Di sản, anh đánh giá như thế nào về giá trị của ngôi trường này?

TS.KTS Khuất Tân Hưng: Qua khảo sát, tôi nhận thấy trường THPT Châu Văn Liêm là một quần thể kiến trúc Pháp hiếm hoi còn giữ được khá nguyên vẹn ở TP Cần Thơ. Giống như  trường Chu Văn An (Hà Nội) hay trường Ngô Quyền (Hải Phòng), ngôi trường này mang phong cách địa phương Pháp. Với những nét kiến trúc độc đáo và duyên dáng, Trường Châu Văn Liêm nổi lên như một viên ngọc sáng, nhất là trong bối cảnh nhiều công trình di sản kiến trúc Pháp của Cần Thơ đã và đang bị biến dạng hoặc hoàn toàn biến mất, còn các công trình kiến trúc mới thì chưa khẳng định được vị trí của mình.

1-b0ffa

TS.KTS Khuất Tân Hưng

Dưới con mắt của tôi, giá trị của trường Châu Văn Liêm đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một trường học thông thường để trở thành một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu, nơi lưu giữ một phần ký ức của thành phố vốn đang nhạt nhòa bản sắc này. Chính vì vậy, nó hoàn toàn xứng đáng được bảo tồn và lưu giữ cho các thế hệ mai sau.

PV: Vậy còn về mặt kết cấu và chất lượng hiện tại của trường Châu Văn Liêm thì anh có nhận xét thế nào?

TS.KTS Khuất Tân Hưng: Hiện tại, ở hành lang tầng 1 và tầng 2 đã xuất hiện một vài vết nứt gây tâm lý lo ngại cho một số người. Tuy nhiên, đây lại là phần cấu trúc được bổ sung về sau do nhu cầu tạo ra không gian giao thông dẫn đến các lớp học. Trong khi đó kết cấu của công trình gốc còn khá nguyên vẹn và chắc chắn, thậm chí tốt hơn nhiều so với một số công trình cùng thời hiện đang được nghiên cứu khảo sát và trùng tu ở Hà Nội.

Vì vậy, nếu có phá dỡ thì chỉ cần bỏ đi những phần được cấy ghép sau này đang xuống cấp, còn những cấu trúc ban đầu (gồm 3 dãy nhà chính, 1 dãy nhà ngang và một ngôi biệt thự hiện đang được dùng làm văn phòng) hoàn toàn có thể được giữ lại mà vẫn đảm bảo an toàn.

2-b0ffa

Một góc của trường THPT Châu Văn Liêm gần 100 năm tuổi. Ảnh: Thanh Tùng.

Riêng phần cầu thang của tòa nhà do đi lại nhiều nên các bậc gỗ bị hư hại khiến mọi người có cảm giác không chắc chắn. Nhưng, điều này hoàn toàn có thể được khắc phục một cách dễ dàng.

Tuy nhiên, để có kết luận cụ thể và chính xác về hiện trạng kỹ thuật của ngôi trường, TP Cần Thơ nên tổ chức một đoàn khảo sát với sự tham gia của các chuyên gia về bảo tồn di sản, chuyên gia kiểm định chất lượng công trình, KTS… Sự vội vàng có thể khiến Cần Thơ vĩnh viễn mất đi một di sản kiến trúc quý giá.

PV: Nếu được xin ý kiến trong vấn đề này anh sẽ nói gì?

TS.KTS Khuất Tân Hưng: Theo tôi, với một thành phố đang phát triển như Cần Thơ thì việc giữ lại những công trình kiến trúc có giá trị của thời xưa cũ là một điều rất nên làm. Điều đó thể hiện thái độ trân trọng với lịch sử. Với bề dày truyền thống  gần 100 năm, trường Châu Văn Liêm là một trong những nơi lưu giữ ký ức của thành phố, để mỗi người dân có thể tự hào khi nói về thành phố của mình.

3-b0ffa

Phần cầu thang hư hại nhưng theo TS.KTS Khuất Tân Hưng là không đáng lo ngại. Ảnh: Thanh Tùng.

Từ mái trường này biết bao nhân tài, bao thế hệ đã trưởng thành. Tình cảm gắn bó của người dân Cần Thơ với ngôi trường này chắc hẳn là rất lớn. Nó được thể hiện rõ nét qua việc nhiều thế hệ học sinh đã về thăm lại trường, gặp mặt trong lớp học cũ, chụp ảnh lưu niệm… ngay khi biết tin trường có thể bị phá đi xây lại.

Với một công trình vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị kiến trúc, giá trị thẩm mỹ và cả giá trị sử dụng, liệu có nên đập bỏ? Với tôi, câu trả lời chắc chắn là không. Và tôi tin rằng, đó cũng là suy nghĩ của rất nhiều người dân Cần Thơ và cả các chuyên gia khác…

4-b0ffa

Rất nhiều thế hệ học sinh đã quay về thăm trường khi nghe tin trường sẽ được phá đi để xây mới. Ảnh: Khuất Tân Hưng

PV: Với kinh nghiệm của bản thân, anh sẽ đưa ra phương án cải tạo, bảo tồn trường THPT Châu Văn Liêm như thế nào?

TS.KTS Khuất Tân Hưng: Như tôi đã nói ở trên, phần xuống cấp, kém an toàn nhất ở trường THPT Châu Văn Liêm là phần cấy ghép về sau - nên loại bỏ. Còn kết cấu của tòa nhà gốc vẫn rất chắc chắn, hoàn toàn có thể được trùng tu, tôn tạo để tiếp tục sử dụng làm lớp học hoặc chuyển đổi chức năng một phần. Theo kinh nghiệm của tôi, với những công trình còn khá nguyên vẹn như trường Châu Văn Liêm, kinh phí bảo tồn sẽ ít tốn kém hơn nhiều so với việc phá đi xây lại.

Ngoài ra, nếu cần bổ sung các không gian lớp học, có thể xây thêm những khối nhà mới phía đường Trương Định mà không ảnh hưởng đến các không gian mở (sân trường) hiện có. Tuy nhiên, hình thức kiến trúc và chiều cao của những khối nhà này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để không phá vỡ sự hài hòa của cảnh quan kiến trúc chung.

PV: Cảm ơn anh./.

Ngày 24/7, một nhà thầu của Pháp đến TP Cần Thơ khảo sát Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ) và khẳng định có thể trùng tu được trường này.

Nhà thầu đã đưa ra hai phương án: một là trùng tu một phần trường với những dãy nhà của Pháp xây dựng với giá khoảng 1,5 triệu USD (khoảng 33 tỉ đồng), hai là trùng tu toàn bộ ngôi trường với giá khoảng 3,3 triệu USD (khoảng 72 tỉ đồng). Cả hai phương án đều được phía nhà thầu cam kết bảo hành 10 năm và khẳng định công trình sau khi trùng tu có thể tồn tại thêm 100 năm nữa.

Đây cũng là nhà thầu mà hơn hai năm trước đã khảo sát và được TP Cần Thơ mời thực hiện trùng tu Trường THPT Châu Văn Liêm bằng nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Pháp, nhưng sau đó do phía Pháp không tài trợ vốn nữa nên việc trùng tu trường dừng lại./.

Theo Trí Quốc/Tuổi trẻ

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày