Bắt nguồn từ câu chuyện một tay máy trẻ “nóng mặt” trước cách đối xử với chim của các tay máy lớn tuổi, quyết làm một “phóng sự” cá nhân với đầy đủ hình ảnh, ghi âm bằng chứng:
“Từ 8h30 sáng cho đến lúc mình về gần 12h trưa mà họ vẫn chụp. Có những lúc con chim vì quá mệt mà ngủ đi một chút thì họ lại có những lời như “con này lười ghê, ăn cứ ngủ miết vầy sao chụp”, có những lúc con chim vì quá mệt dưới cái nắng Sài Gòn mà tung cánh bay vô bụi rậm gần đó thì một trong các nhiếp ảnh này sẽ lao ra bắt lại ngay.
Họ bình phẩm, cười đùa, ăn uống vô tư trong bóng mát của dãy mái che gần đó. Họ còn ước ao có thêm cái máy lạnh để làm dịu cơn nóng từ cái nắng ngoài kia hắt vào. Nhưng con chim thì không có quyền chọn lựa”.
“Họ” ở đây là một số tay máy thay vì lặn lội vào rừng, gùi vác máy ảnh, phơi nắng, chịu đỉa vắt muỗi mòng... để chụp chim thì họ chọn cách nhàn nhã hơn.
Họ canh những tổ chim non, hạ cành cây có tổ chim đó xuống, kiếm một chỗ có ánh sáng, bố cục đẹp.
Chụp chim ở rừng phải mỏi mắt, mỏi tay vì con chim thoắt ẩn thoắt hiện. Còn ở đây, họ thủng thẳng tìm những chỗ đẹp, cắt cành cây cho gọn, đợi những con chim mẹ không nỡ bỏ con sà xuống mớm mồi là họ bấm máy. Những bức ảnh đó được họ ngợi ca là “tình mẫu tử”. Nhưng một số người khác lại gọi đó là... hành hạ chim!
Câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội và diễn đàn nhiếp ảnh lập tức bùng lên. Giới nhiếp ảnh lập tức ôn lại cách đây một năm, có những kiểu chụp chim bằng cách dán keo dính, cột dây thép... làm bầy chim hoảng loạn mà dư luận cũng dậy sóng.
Chuyện chưa nguôi thì bây giờ có kiểu chụp chim bằng cách hạ cành, lấy tổ, phơi nắng chim non và chơi trò ú tim với chim mẹ. Như thường lệ, vụ việc chưa biến thành cuộc thảo luận về cách chụp chim đã lấn sang những màn công kích cá nhân.
Phe bảo vệ nhóm chụp chim có vẻ đuối lý nên khép nhóm lên án tội “ganh tỵ”, hoặc thuyết âm mưu là bọn trẻ bị “giật dây”. Những người bình tĩnh thì khuyên can hãy nên bàn xem chuyện này đúng hay sai, không nên công kích cá nhân những người lớn tuổi làm gì.
Giữa cuộc tranh cãi, có người dẫn luôn sách giáo khoa thời xưa để nhắc lại bài học bảo vệ chim. Chim là biểu tượng của sự tự do, bay bổng, người chụp chim vì cái thú mê chim, còn lẽ nữa là tìm về với thiên nhiên. Chọn chi cách chụp chim cắc cớ, chặt cành, hạ tổ, phơi nắng, cột dây thép...
Cũng may, trong cuộc tranh cãi chuyện chim đó thì diễn đàn có một nickname là Nikonian 2006 vốn là người am tường luật pháp phương Tây nên đưa chuyện xứ người ra để hai phe tham chiếu.
Theo nickname này, Anh hay Mỹ đều có luật bảo vệ chim. Với nước Anh, nhiều loại chim hiếm được quy định là chỉ cần đụng đến tổ liền bị kết tội hình sự. Nước Úc có nền tảng pháp luật giống Anh nên cũng ghi rõ những hình thức phạm tội với chim.
Vì thế, có người cho rằng việc kéo tổ chim xuống chụp ảnh dù không gây nguy hại cho chim đi nữa thì với các nước này vẫn là vi phạm luật bảo vệ thú hoang.