Trải lòng khắc khoải của người phụ nữ 40 năm đi tìm mẹ

Linh Trang, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 04/05/2014

Dù bị mẹ bỏ rơi gần 40 năm nay nhưng điều đó không thể dập tắt được khát khao cháy bỏng là tìm lại mẹ đẻ trong lòng chị.

Cuộc sống với người chồng hiện tại đã đem đến niềm hạnh phúc trọn vẹn như chị hằng ao ước. Song biết bao nhiêu đêm nằm trằn trọc nghĩ suy về người mẹ mà đến nay chưa biết mặt, lòng chị vẫn khắc khoải. Dù bị mẹ bỏ rơi gần 40 năm nay nhưng điều đó không thể dập tắt được khát khao cháy bỏng là tìm lại mẹ đẻ của chị.

Dì ghẻ con chồng

Chị là Trần Thị Gái (SN 1975, ngụ ấp Long Bình, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Suốt 40 năm qua, chị đã dò hỏi khắp nơi về tin tức của mẹ nhưng vẫn bặt vô âm tín: “Tôi có hỏi cha, nhưng ông chỉ có một câu là hận mẹ. Còn ngoài ra những người bên nội cũng chẳng ai biết rõ mẹ tôi ở đâu. Dù biết là mịt mờ nhưng tôi vẫn hy vọng sẽ tìm thấy mẹ”, chị Gái mở đầu câu chuyện bằng lời tâm sự tự đáy lòng.


Dòng nhật kí viết về mẹ của chị Gái.

Đã qua rồi cái thời trẻ trâu sống lam lũ nơi miệt vườn sông nước, nhưng mỗi lần nhớ lại, những câu chuyện mà chị kể vẫn như mới còn hôm qua. Bởi trong kí ức của người phụ nữ này vẫn không thể nén dòng cảm xúc khi nhớ đến tuổi thơ bất hạnh, thiếu tình thương của mẹ. Chị nhớ lại: “Hồi nội còn sống có kể cho tôi nghe, lúc tôi được hai tháng tuổi, mẹ đã bỏ hai cha con tôi ra đi. Từ đó đến nay, tôi chưa bao giờ được gặp lại để một lần gọi mẹ”.

Lớn lên, cô bé Gái dần ý thức được nỗi tủi hơn khi không có mẹ bên cạnh. Mỗi ngày đến lớp, bạn bè thường trêu ghẹo “Mày không có mẹ”. Về nhà gặng hỏi cha thì chỉ nhận được tiếng thở dài não nuột và sự im lặng. Dần dần mỗi ngày đi học về, cô bé Gái chỉ lủi thủi một mình nơi góc nhà, mọi nỗi muộn phiền chỉ còn biết thỏ thẻ với bà nội già yếu.


Chị Trần Thị Gái. 

Qua những câu chuyện được bà nội kể cho nghe, chị biết được lúc vừa tròn hai tháng tuổi thì chị chẳng may mắc phải căn bệnh ban khỉ khiến cơ thể bị biến dạng, mắt lồi ra, bụng phình to. Nhưng khi đứa con thơ còn đỏ hỏn, cần được ẵm bế trên tay, người mẹ trẻ đã lặng lẽ bỏ đi biệt tích, đến nay sống chết chẳng ai hay.

Xa bầu sữa của mẹ, chị Gái lớn lên trong sự chăm sóc của bà nội. Lớn lên, thi thoảng có người họ hàng buột miệng bảo con gái rất giống mẹ. Vậy là Gái lại chạy đi tìm chiếc gương, soi mình trong đó để mường tưởng ra hình dáng của mẹ. Trong hình dung của cô con gái, mẹ có mái tóc vàng, sống mũi cao, xinh xắn, mắt màu đục trông giống như con lai, người tầm thước.

Ông Trần Văn Nga khi còn đóng quân ở Vũng Tàu.

Năm Gái lên 7 tuổi, cha đi bước nữa và bắt đầu xây dựng hạnh phúc riêng. Ba năm sau, bà nội qua đời. Từ đó, Gái chuyển về sống cùng cha và mẹ kế. Người cha là ông Trần Văn Nga (SN 1955) làm nghề bán chiếu, có khi ông đi vắng 2 tuần liền mới về nhà. Dù thương con nhưng vì cuộc sống mưu sinh, ông Nga đành giao cô con gái tội nghiệp cho bà vợ hai của mình.

Từ ngày đến sống cùng “mẹ hai”, chị Nga bị đối xử tệ bạc. “Ba tôi đi làm tối ngày, dù thương con gái nhưng không thể lúc nào cũng ở bên. Ngày ấy, tôi phải đi bắt tép ngoài đồng giữa cái nắng của trưa hè nhưng về nhà tôi không hề được dì hai cho ăn lấy một bữa cơm”.

Thương cha vất vả, không muốn ông suy nghĩ nên chị vẫn cố giữ trong lòng mà không hề nói cho cha biết chuyện bị bỏ đói. Một người hàng xóm tốt bụng thường cho Gái cơm ăn và thi thoảng có người cho gạo, Gái lại lủi thủi tự thổi cơm ăn. Trong tâm trí của cô bé 10 tuổi, chỉ mong có cơ hội lên Sài Gòn đi làm kiếm tiền tìm gặp người mẹ đã nhẫn tâm bỏ con lại.


Chị Gái lúc còn nhỏ.

Tìm mẹ như … “mò kim đáy biển”
              
Với một ký ức chắp vá về mẹ, cô bé Trần Thị Gái khi ấy mới 14 tuổi lên Sài thành với hy vọng tìm được bà. Qua một vài người quen, Gái biết được mẹ ruột tên là Lưu Thị Mỹ, sinh năm 1957. Bà Mỹ kết hôn với ông Nga khi vừa tròn 18 tuổi. Chị Gái vẫn nhớ như in: “Tôi từng nghe nội kể, hồi trẻ ba đi lính đóng quân ở Bà Rịa – Vũng Tàu và tình cờ gặp được mẹ khi ấy đang bán cà phê ở Bãi Sau. Kết hôn chưa được bao lâu mẹ tôi mang bầu rồi cùng ba về quê Bến Lức sinh nở. Được hai tháng bà đã rời bỏ chồng con”.
           
Lên Sài Gòn, chị chịu khó đi ở mướn cho một gia đình gần chợ Bà Quẹo để được người ta chỉ dạy nghề may. Công việc của chị là hằng ngày phải lo cơm nước, dọn dẹp trong nhà đến 9h tối mới được nghỉ ngơi để học việc. Cuộc sống cơ hàn vẫn không chịu buông tha cho Gái. Bị chủ hắt hủi, không có ai bầu bạn nơi đất khách quê người, cô đã “trút” hết nỗi phiền muộn vào cuốn nhật ký.
         
Giấu người thân ở quê, với hy vọng nhờ các phương tiện truyền thông đại chúng có thể sớm tìm lại được mẹ đúng như tâm nguyện, chị Gái đã nhờ tờ báo Sông Bé lúc bấy giờ ở Sài Gòn đăng tin. Chỉ sau một thời gian ngắn, Gái đã nhận được tin báo có người phụ nữ tên là Phan Thị Phước ở Quận 5 (TP.HCM) đang khao khát có một đứa con nên đã chủ động liên hệ hẹn gặp tại nhà riêng. “Khi biết tin tôi đã nhận lời ngay và sáng ngày sau đã đến gặp người đàn bà đó. Trên đường đi tôi rất hồi hộp, trong đầu cứ nghĩ mông lung “biết đâu cô ấy là mẹ nhưng vì ngại không muốn thẳng thắn nhận mình nên mới viện lí do này nọ”. Nhưng khi đối diện thì trước mặt là một người phụ nữ lớn tuổi và biết chắc đây không phải mẹ mình đã khiến Gái hụt hẫng: “…Gặp cô ấy, dù rất thất vọng nhưng con vẫn vui vì ít ra cũng có người quan tâm. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, con cáo từ ra về mà lòng nặng trĩu một nỗi buồn khó tả…” - chị Gái chia sẻ trong những dòng nhật ký.
           
Đến năm 1999, khi vừa bước sang tuổi 24, một bất ngờ đã đến khi chị đang làm việc thì có một đôi vợ chồng ở TP.HCM tìm gặp để nhận làm con nuôi. Cảm mến tấm lòng của đôi vợ chồng đang mong có một cô con gái và cũng vì muốn được sống trong cảm giác có cha có mẹ yêu thương nên Gái đã nhận lời. Cha mẹ nuôi rất thương cô con gái nên chị thường xuyên qua lại tâm sự để vơi bớt đi phần nào những khó khăn của cuộc sống.


Ngôi nhà hiện tại chị Gái sống cùng chồng. 
          
Dù đã có một “gia đình” trọn vẹn nhưng trong lòng chị vẫn luôn âm ỉ một nỗi đau, đó là không hề hay biết thông tin nào về tung tích người mẹ. “Tôi mong một lần được gặp mẹ, gọi tiếng mẹ. Nếu mẹ còn sống thì năm nay cũng gần 60 tuổi rồi. Tôi muốn biết cuộc sống của mẹ ấm êm, hạnh phúc hay vất vả, long đong. Biết đâu mẹ cũng đang nghĩ về con và mong muốn được gặp lại núm ruột của mình” - chị Gái nghẹn ngào. Chính vì vậy, chị vẫn kiên nhẫn và hy vọng đăng tin trên các báo để có thể tìm ra tung tích về người mẹ họ Lưu của mình.
         
Chia sẻ với phóng viên, chị Gái cho biết, hiện tại cuộc sống của chị đã ổn định, hạnh phúc bên chồng và hai đứa con trai. Thế nhưng chị vẫn có tâm nguyện tìm mẹ, nỗi khát khao đấy đã thôi thúc chị không ngừng hy vọng sẽ có ngày được trông thấy mẹ.

Thông qua bạn đọc, chị Gái hy vọng có thể sớm có tung tích của mẹ là bà Lưu Thị Mỹ, sinh năm 1957, quê quán huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu từng lấy cha là Trần Văn Nga (SN 1955 quê quán xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An).          
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày