Lúc 19g ngày 10-12 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp với các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu để triển khai các giải pháp phòng tránh.
Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết vào 11 giờ trưa 9-12 bão Hagupit đã đi vào biển Đông, trở thành cơn bão số 5 trên biển Đông năm 2014 với sức gió cuối cấp 8.
Cùng với việc di chuyển nhanh hơn (15-20 km/giờ) theo hướng Tây là chủ yếu, bão số 5 đã mạnh lên sau một thời gian di chuyển.
Đến 19 giờ tối 10-12, vị trí tâm bão ở 13,6 độ vĩ Bắc – 115,3 độ kinh Đông với sức gió cấp 9, giật cấp 11-12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6 trở lên mở rộng khoảng 200km, rộng hơn so với dự kiến trước đó.
Các trung tâm khí tượng quốc tế đều nhận định bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam hướng về các tỉnh ven biển từ Khánh Hòa đến Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ trì cuộc họp khẩn cấp đối phó với bão - Ảnh T.Phùng
Ông Cường cho biết nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương là bão số 5 sẽ mạnh nhất vào sáng 11-12 với sức gió cuối cấp 10, giật cấp 11-12 và di chuyển theo hướng Tây Tây Nam rồi suy yếu dần.
Lý do bão tăng cấp là vì không khí lạnh chưa tác động đến vùng biển này nên nhiệt độ nước biển còn ấm, tiếp năng lượng cho bão.
Khi bão đến cách bờ biển Khánh Hòa - Bình Thuận khoảng 100 - 50 km sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) sức gió cấp 6, cấp 7 rồi đổ bộ vào bờ trong tối 11-12 với trọng tâm là Bình Thuận.
Với phương án này, từ chiều tối và đêm 11-12 vùng biển Khánh Hòa tới Bình Thuận có gió cấp 6-7, giật cấp 8-9. Phần phía Bắc của tâm bão (khu vực Bình Định - Khánh Hòa) do kết hợp không khí lạnh có cường độ mạnh nên có gió cấp 7-8 giật cấp 9-10.
Theo ông Cường, phương án ít có khả năng xảy ra hơn là bão tiếp cận bờ biển sẽ suy yếu thành vùng áp thấp trôi dọc bờ biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu tới Bến Tre.
Trường hợp này Nam Bộ sẽ có nhiều nơi xảy ra giông, lốc xoáy, vùng gần vùng áp thấp có gió giật cấp 5.
Do kết hợp với không khí lạnh mạnh tràn về nên từ 11 đến hết ngày 13-12 sẽ xuất hiện đợt mưa diện rộng từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận với tổng lượng mưa khoảng 100-200mm.
Vùng trọng tâm mưa là Quảng Ngãi đến Khánh Hòa với lượng mưa có nơi trên 200mm. Khu vực Nam Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng có mưa 50-70mm. Nam Bộ có mưa 30-60mm.
Đợt mưa này sẽ gây lũ từ báo động 1-2, có nơi báo động 2-3 trên các sông ở miền Trung. Nhiều nơi đề phòng lũ quét, sạt lở đất.
Tại cuộc họp, đại diện các tỉnh đều cho biết trong ngày 10-12 đã có lệnh cấm biển, nắm được số lượng tàu thuyền neo đậu, hoạt động ven bờ và trú tránh bão ở quần đảo Trường Sa.
Các tỉnh cũng lên phương án sẵn sàng sơ tán dân tùy theo diễn biến của bão. Riêng Khánh Hòa có phương án sơ tán tại chỗ 73.261 người và di dời hơn 8.300 người khi có lệnh.
Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu tiếp tục thông báo cho người dân trên biển, trên bờ và khách du lịch ở các địa phương có khả năng bão ảnh hưởng để chủ động phòng tránh.
Trước mắt ông Phát yêu cầu tiếp tục thông báo cho tàu thuyền thoát ra vùng nguy hiểm (từ vĩ độ 9 đến 16 và phía Tây kinh tuyến 115), trú tránh bão ở nơi an toàn.
Riêng một tàu của Bình Định đang ở khu vực giữa biển Đông phải yêu cầu chủ tàu đưa tàu về đảo Song Tử Tây tránh bão.
Ông Phát yêu cầu trước trưa 11-12 các địa phương trong vùng bão ảnh hưởng phải sơ tán những người sống trên lồng bè nuôi thủy sản. Đồng thời sơ tán người già, phụ nữ, trẻ em ở những hộ dân có nhà yếu, gần biển trước khi bão vào vì sóng biển cao 5m có thể làm hư hại nhà cửa ven biển. Những hộ còn lại ở khu vực sơ yếu sẵn sàng phương án sơ tán.
Với các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa phải có biện pháp đối phó với mưa lớn. Các hồ đã tích nước 80% dung tích phải theo dõi sát sao, bố trí lực lượng trực ở những nơi xung yếu để ứng cứu khi cần thiết.
Đến 20 giờ ngày 10-12 ông Hoàng Đức Cường cho biết, bão số 5 đã mạnh lên cấp 10 và duy trì cấp gió này trong vòng 12 tiếng tới trước khi suy yếu.