"Tiếng thở dài của 1 CSGT" về văn hóa giao thông ở Hà Nội

Hồng Minh, Theo Trí Thức Trẻ 14:04 12/11/2015
Chia sẻ

Một tiếng thở dài, tay buông thõng chiếc gậy. Hành động thể hiện sự bất lực... Tất cả đều không muốn tắc đường. Nhưng trong khi CSGT đang vất vả tạo ra một sự trật tự trong hỗn loạn thì rất nhiều người trong số chúng ta cố gắng khiến cho sự hỗn loạn trở nên tồi tệ thêm, bằng thái độ vô ý thức, ích kỷ của mình.

Giao thông Việt Nam là vấn đề muôn thuở, trăn trở, không lối thoát. Chắc hẳn chúng ta mỗi khi bước ra đường hàng ngày đều tự nhủ trong lòng điều đó khi bị bao quanh tứ bề bởi dòng xe chật cứng.

Những cảnh kẹt xe, tắc đường, hay va chạm... chắc chắn nhiều người không ít lần cảm thấy rắc rối và bực mình khi bị kẹt cứng trong mớ hỗn độn đó. Tuy nhiên, liệu có bao nhiêu người nhận ra được rằng, trong luồng giao thông hỗn loạn đó còn có cả tiếng thở dài bất lực của những chiến sĩ CSGT. 

"Tất cả đều không muốn tắc đường. Nhưng trong khi CSGT đang vất vả tạo ra một sự trật tự trong hỗn loạn thì rất nhiều người trong số chúng ta cố gắng khiến cho sự hỗn loạn trở nên tồi tệ thêm, bằng thái độ vô ý thức, ích kỷ của mình".

Vẫn là câu chuyện muôn thuở về ý thức tham giao thông thiếu suy nghĩ của người Việt Nam, cụ thể là ở Thủ đô Hà Nội, thế nhưng những dòng chia sẻ sau đây của một người tham gia giao thông sẽ cho chúng ta thấy được một góc nhìn khác, để từ đó có những thay đổi tích cực trong nhận thức, đóng góp trách nhiệm và vấn nạn giao thông của đất nước:

1-00318
Bài viết chia sẻ về ý thức tham gia giao thông của người Việt nhận được phản hồi tích cực của người dùng mạng với hàng nghìn lượt like - (Ảnh chụp màn hình)

"TIẾNG THỞ DÀI CỦA MỘT CSGT

Ngã tư Hoàng Minh Giám – Lê Văn Lương, một buổi chiều tan tầm. Một bạn CSGT còn khá trẻ đang tất tả chạy qua chạy lại để cố ngăn cản dòng xe đang chực lao vào ngã tư khi đèn đỏ vẫn còn tới 4-5 giây. Phía bên kia đèn xanh, các phương tiện vẫn đan nhau như mắc cửi.

Nhưng bạn đó bịt chỗ này thì chỗ kia lại thủng. 2-3 xe, 4-5 xe và rồi cả chục xe máy cố gắng len lên, vòng ra sau lưng bạn CSGT đó phi lên phía trước. Và rồi cảnh tượng mà chúng ta vẫn thường thấy: Đám xe cố đi khi đèn đỏ chỉ còn 1 giây, vướng với đám xe cố vượt đèn đỏ, đan nhau cứng giữa ngã tư. Tất cả cùng dừng lại.

Từ phía đèn đỏ, vài chiếc taxi, vài chiếc xe con, 1 chiếc xe bus cũng lao về ngã tư mà không cần quan tâm đám đông phía trước. Vậy là tắc đường.

Ngay thời điểm đó, em liếc nhanh về phía bạn CSGT. Một tiếng thở dài, tay buông thõng chiếc gậy. Hành động thể hiện sự bất lực. Ngay lúc đó, em thật sự cảm thấy đồng cảm với bạn đó. Tất cả đều không muốn tắc đường. Nhưng trong khi CSGT đang vất vả tạo ra một sự trật tự trong hỗn loạn thì rất nhiều người trong số chúng ta cố gắng khiến cho sự hỗn loạn trở nên tồi tệ thêm, bằng thái độ vô ý thức, ích kỷ của mình.

Em thầm nghĩ: Không biết bao nhiêu người trong số những chiếc xe máy, xe ô tô cố vượt đèn đỏ, cố đi sớm khi đèn đỏ còn 1, 2 giây… đã từng lên các trang mạng phán như thánh như tướng khi báo chí đề cập đến chuyện tắc đường. Họ chỉ trích như một cái máy về “hạ tầng giao thông xuống cấp”, về “quy hoạch giao thông thiển cận”. Họ mang nước Nhật, nước Hàn, nước Mỹ ra so sánh, họ copy trên mạng những bức ảnh cầu vượt chồng chéo nhau ở Mỹ để mỉa mai, so sánh.

ava-00318
Mỗi CSGT làm việc vào giờ cao điểm không chỉ phải chống chọi với áp lực tắc đường mà còn phải phải đối mặt với ý thức kém khi tham gia giao thông của người dân - (Ảnh minh họa)

Nhưng họ không tự so sánh bản thân với người Nhật, người Mỹ. Họ thiếu sự kiên nhẫn tối thiểu. Họ thừa hiểu nếu họ lao về phía ngã tư đang đầy các phương tiện giao thông, tắc đường là khó tránh khỏi. Nhưng họ cứ thoát khỏi cái đám đông đó đã, phía sau lưng tắc đường thì mặc kệ. Rồi chính cái cảnh tắc đường đó được một phóng viên chụp lại và chính những kẻ gián tiếp gây ra tắc đường sẽ lên mạng bình luận về bức ảnh đó. Một vòng tròn lố bịch.

Em đã từng chứng kiến cảnh một anh đi SH xăm trổ, đứng quát CSGT: “Đèn xanh thì tao có quyền đi, mày quyền gì mà cản tao lại. Luật cho phép mày làm thế à”, rồi cứ thế phóng đi, chui vào giữa đám đông đang đan cứng nhau ở ngã tư, luồn lách, chửi bới để thoát đi.

Vâng, khi động đến quyền lợi của mình thì mang luật ra phán như thánh. Vượt đèn đỏ, đi ngược chiều… hình như không nằm trong luật thì phải.

Thiết nghĩ, trước khi đòi hỏi được hưởng sự quy hoạch giao thông như nước người ta, hãy tập cho mình ý thức của nước người ta đã".

Với thông điệp sâu sắc, câu chuyện ngay khi được chia sẻ đã nhận được phản hồi và sự đồng tình từ người dùng mạng, cũng chính là những người tham giao thông hàng ngày hàng giờ. 

"Bạn viết bài là một người rất có văn minh. Bài viết 
phản ánh đúng tình trạng giao thông ở nước ta. Hạ tầng là 1 phần nhưng chính ý thức kém không chịu kiên nhẫn và nhường nhịn đã làm tăng thêm tình trạng tắc đường trầm trọng. 
Cảm ơn bạn đã trăn trở vì cả một xã hội. Nhường nhịn nhau trong cuộc sống không chỉ trong tham gia giao thông đang trở thành vấn nạn trong xã hội này", thành viên H.B chia sẻ.

"Rất thông cảm cho CSGT giờ cao điểm. Hy vọng sau bài viết này, ngày mai ra đường mọi người sẽ cố gắng thay đổi và tham gia giao thông bằng cái tâm", một thành viên khác cũng nhắn nhủ.

Mỗi chúng ta nên học cách suy nghĩ của tác giả bài viết để bớt đi những bực dọc, những vội vã, hãy thử đặt mình ở một góc nhìn lạc quan, tích cực. Biết đâu mọi chuyện sẽ khác đi rất nhiều... 
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày