Hầm đường bộ Thanh Xuân, dài 980 m, phần hầm kín dài 105 m với mặt cắt ngang 14 m, 4 làn xe. Được khởi công từ tháng 6/2014 tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, đây là công trình có tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng, sử dụng vốn ODA Nhật Bản.
Hiện tiến độ thi công hầm đạt hơn 90%.
Hai điểm đầu cuối của hầm đã gần như hoàn tất việc trải nhựa mặt đường, dựng tường ngăn và hàng rào bảo vệ.
Các công nhân bắt đầu tiến hành lắp đặt các biển thông báo tại các điểm vào và điểm ra của hầm.
Các tấm bao trụ công trình đường sắt đang được các công nhân hàn nối, đây là những tấm sắt giúp cho việc giảm tải rung lắc khi có nhiều tầng phương tiện đi qua cũng như hạn chế việc tràn nước ngầm từ các trụ của dự án đường sắt trên cao.
Mỗi bên hầm có 2 làn xe chạy, mỗi làn có chiều rộng 3,5m.
Do phải thi công song song với dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông nên tiến độ công việc bị hạn chế.
Ông Hoàng Năng Tuân (Giám đốc ban điều hành dự án hầm Thanh Xuân - Cienco4) cho biết: "hiện những ngày này gần 200 công nhân phải liên tục 3 ca làm việc. Hoàn thiện phần sơn bề mặt hầm, lắp hệ thống chiếu sáng và chuẩn bị trải lại mặt đường xung quanh khu vực điểm đầu và cuối hầm"
Phần ngăn giữa 2 chiều phương tiện đang được các công nhân trồng cây.
Dự kiến khi đưa vào sử dụng, hầm đường bộ Thanh Xuân sẽ giúp cho giao thông từ nội đô ra quốc lộ 6 cũng như ngược lại tại cửa ngõ giao thông phía Tây thành phố sẽ được giảm tải đáng kể, hạn chế được ùn tắc tại các nút lên xuống đường trên cao vành đai 3.
Cũng đóng vai trò giảm tải giao thông tại cửa ngõ phía Tây, hầm chui nút giao thông Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến cũng chỉ còn một vài hạng mục cuối cùng.
Hầm được khởi công vào đầu năm 2015, với chiều dài gần 700 m, theo hướng Đại lộ Thăng Long - Trần Duy Hưng và ngược lại với tổng mức đầu tư khoảng 700 tỷ đồng. Một phía của hầm bắt đầu từ ngã 4 Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám.
Đầu kia bắt đầu từ điểm cuối đại lộ Thăng Long, đây là dự án kết nối giữa phần hầm hở của đại lộ Thăng Long trước đây.
Với 3 làn xe cơ giới rộng 3,5m mỗi bên.
Đây là hầm với dải phân cách có bề rộng nhỏ hơn so với hầm Thanh Xuân, và được rào chắn bằng lưới thép giữa 2 chiều giao thông để ngăn ánh sáng chiếu ngược vào buổi tối.
Hệ thống thoát nước 2 bên với rãnh sâu để tránh tình trạng ngập khi có mưa.
Các phương tiện xe đạp, xe thô sơ và người đi bộ không được đi vào hầm.
Hệ thống chiếu sáng tập trung tại những đoạn hầm hở không chỉ chiếu sáng cho các phương tiện di chuyển qua hầm mà còn có thể chiếu sáng trên phía đầu đường Trần Duy Hưng.
Khi đưa vào sử dụng, nút giao này sẽ là nút giao 3 tầng hiện đại của thủ đô. Giúp cho các phương tiện từ nội đô ra đại lộ Thăng Long và ngược lại được thuận lợi, hạn chế các luồng phương tiện đi qua giao cắt dưới gầm đường vành đai 3 tại ngã 4 Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng.
Ngoài ra, phía điểm vào ra hầm tại Trần Duy Hưng, giải phân cách giữa khá lớn trước đây trồng cỏ đã được thu hẹp lại để lòng đường rộng hơn giúp cho giao thông tại tuyến phố Trần Duy Hưng được thông suốt. Dự kiến cả 2 công trình hầm chui này sẽ được thông xe vào thời điểm trung tuần tháng 1/2016 giúp cho giao thông cuối năm tại cửa ngõ phía Tây thủ đô được thông suốt vào dip cuối năm.