“Taxi ôm” không phải là loại hình quá mới mẻ, vì nó đã xuất hiện và đang được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới như Pháp, Thái Lan, Indonesia… Ở Việt Nam, loại hình dịch vụ vận chuyển bằng xe hai bánh cũng đã quen thuộc với cuộc sống hàng ngày, thế nhưng “taxi ôm” vẫn gây được sự chú ý vì sự khác biệt của nó.
Khác biệt lớn nhất chính là “taxi ôm” có thêm đồng hồ tính cước được gắn trực tiếp trên xe. Với chiếc đồng hồ này, chúng ta sẽ biết chính xác số tiền phải trả cho mỗi lần vận chuyển. Như vậy, nói dễ hiểu hơn, “taxi ôm” chính là sự kết hợp giữa “xe ôm” truyền thống và hình thức tính cước của taxi.
Chân dung chiếc đồng hồ tính cước của “taxi ôm”
“Taxi ôm” xuất hiện tại TP.HCM hơn 3 tháng. Giám đốc công ty có loại hình dịch vụ này cũng cho biết loại hình này được ông học hỏi từ mô hình quản lý xe ôm của Thái Lan. Ở Hà Nội cũng có loại hình này, tuy nhiên vẫn chưa được phát triển. Hiện nay, địa bàn hoạt động của “Taxi ôm” chủ yếu ở các quận Tân Bình, Tân Phú và quận 12. Được biết, mỗi ngày có từ 300 đến 400 lượt khách. Bác tài của “taxi ôm” đa phần đã từng làm xe ôm trước đây hoặc nhân viên công chức đã về hưu. Bên cạnh đó, công việc này cũng thu hút các bạn trẻ đang là sinh viên để kiếm thêm thu nhập trang trải cho việc học.
Đồng hồ tính cước được gắn bên phải thay cho kính chiếu hậu
Một trong những bến đỗ của “Taxi ôm”
Ưu điểm của loại hình mới
Thứ nhất là về giá thành và hình thức tính phí. Loại “taxi ôm” này có giá rẻ hơn nhiều so với taxi thông thường và thậm chí rẻ hơn so với loại hình xe ôm truyền thống. Cụ thể, giá của dịch vụ này như sau: ở km đầu tiên là 10,000đ/km, từ 2 – 11km là 6,000đ/km, từ km thứ 11 trở đi là 3,100đ/km. Bên cạnh đó, với cách tính phí thông qua đồng hồ như thế này, chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian kì kèo về giá cả. Hơn nữa, còn tránh được việc “chặt chém” của các bác tài tự phát như hiện nay.
Bảng giá cước
Đặc biệt, chỉ sau 5 phút liên hệ với tổng đài, “Taxi ôm” sẽ có mặt tận nhà.
Chị Phương Trúc (Quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết: “Trước đây mình không thích đi xe ôm cho lắm, vì phải kì kèo giá cả, chưa kể tới việc nhiều khi phải trả với giá trên trời. Với loại hình này thì mình yên tâm hơn. Từ khi biết “taxi ôm”, mình thích và trở thành khách hàng thường xuyên luôn”.
Chị hành khách này khá hài lòng về chất lượng dịch vụ
Thứ hai là về dịch vụ. “Taxi ôm” không chỉ dừng lại ở việc đón khách tại bến, mà nó đa dạng hơn về dịch vụ như: đưa rước học sinh, đón hành khách tại nhà, vận chuyển hàng hoá,… Hiện đại hơn, dịch vụ này còn sử dụng công nghệ định vị GPS để xác định những địa điểm này có tài đang hoạt động và cung cấp thông tin cho khách hàng. Ngoài ra, hệ thống còn hướng dẫn đường đi ngắn nhất đến địa điểm để giúp tiết kiệm chi phí cho hành khách.
Cô Hồng Phượng (Ngụ tại Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ: “Mỗi ngày, cô chuẩn bị từ rất sớm để đưa con đến trường và đến chỗ làm, nhưng rất hay trễ vì đoạn đường quá xa. Cô lại không yên tâm với xe ôm cho lắm. Từ khi có “taxi ôm”, cô cũng yên tâm phần nào, vì ít nhất cũng có cơ sở, công ty đàng hoàng”.
Ngoài ra, tiếp xúc với các bác tài của loại hình này, chúng tôi còn nhận ra sự lịch sự, văn minh và chất phác của các bác.
Về sự hạn chế và khó khăn của “taxi ôm”
Hiện nay, hình thức này chỉ mới hoạt động tại một số quận trong nội thành. Đại diện công ty TK cho biết lý do: “Chúng tôi rất muốn nhân rộng loại hình này, nhưng gặp rất nhiều khó khan trong việc tìm kiếm bến xe. Bên cạnh đó, còn bị những bác tài hành nghề xe ôm tự phát cản trở.”
Anh Phạm Bửu Hoàng (Bác tài chốt tại bến Tân Sơn Nhì, Bình Tân) cho biết: “Anh làm được hơn 1 tháng, trong thời gian đó, cũng có nhiều bác tài tự phát khác đến cản trở, hâm doạ và chèn ép lắm. Có khi họ ép bọn anh ở giữa và chặn 2 đầu đón khách, do đó, việc đón khác ở những bến này vô cùng khó khăn. Ngoài ra, lương cũng không cao, trang trải cuộc sống cũng khá chật vật, nhưng bù lại được cái ổn định”.