Thích xen vào chuyện người khác - Thói xấu khó bỏ của nhiều người Việt

Sứ Giao, Theo Trí Thức Trẻ 00:06 30/09/2013
Chia sẻ

Chen chúc nhau xem một vụ tai nạn chỉ để bàn tán cho thỏa tính hiếu kỳ, xía vào chuyện không phải của mình để đặt điều, xuyên tạc... là những biểu hiện của thói xấu thích xen vào chuyện người khác mà nhiều người Việt đang mắc phải.

Mới đây, một vụ tai nạn hy hữu và thương tâm đã xảy ra tại khu vực cầu Đoan Hùng, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.

Theo nhân chứng có mặt tại hiện trường, vào khoảng 22h20, một chiếc xe khách mang nhãn hiệu Universe của nhà xe Hồng Thịnh chạy tuyến Hà Nội – Tuyên Quang khi đi tới khu vực đầu cầu Đoan Hùng bất ngờ bị mất lái vì tránh xe máy đi trước đầu xe.

Sau khi mất lái, chiếc xe khách đã lao thẳng vào một đám đông người dân đang tụ tập xem vụ va chạm giữa một ô tô và xe máy xảy ra từ trước đó.

Vụ việc khiến 1 người đã chết tại chỗ vì bị bánh xe ô tô khách chèn qua người, 10 người bị thương trong tình trạng nguy kịch được đưa tới bệnh viện Hùng Vương cấp cứu. Người tử vong được xác định là Đỗ Mạnh Đức, sinh năm 1990, ở khu hành chính Tân Long, thị trấn Đoan Hùng (huyện Đoan Hùng). Sáng hôm sau, có thêm một nạn nhân là chị Lê Thị Tám (45 tuổi, ở thị trấn Đoan Hùng) tử vong do bị thương nặng.

Nhiều người chứng kiến vụ việc cho biết nguyên nhân của vụ tai nạn là do nam thanh niên điều khiển xe máy đã vượt đầu xe khách, lạng lách sau đó bất ngờ rẽ khiến lái xe khách buộc phải đánh lái và gây tai nạn. Nhưng điều khiến mọi người vừa xót xa, thương cảm cho người xấu số, vừa bức xúc lại không phải chuyện chiếc xe máy vượt đầu xe khách, hay lái xe khách buộc phải đánh lái. Đó không hẳn là nguyên nhân thực sự gây ra vụ tai nạn nghiêm trọng.

Độc giả nick ATN99 chia sẻ trên một trang web: "Có những cái chết rất lãng xẹt. Chẳng biết nói gì hơn. Chia buồn cùng nạn nhân. Mình đi đường mà gặp đám đông như thế này toàn cố chạy qua chỗ đó, tự nhiên tụ tập làm gì những chỗ như thế không biết nữa”.

Đồng tình với ý kiến này, một độc giả khác tên Long Nguyễn bình luận: “Tôi không hiểu sao người Việt mình cứ thích đông xúm đỏ vào xem tai nạn. Thứ nhất về tâm linh, không nên tập trung ở nơi có người mới chết, khí rất độc. Thứ 2 là người ta xúm vào đó chỉ để bình luận, xem cho thỏa mãn trí tò mò chứ nào muốn giúp đỡ gì?”

Hóng hớt xem tai nạn, xem đánh nhau là một trong vô số ví dụ về thói quen thích xen vào chuyện không phải của mình của một bộ phận người Việt. Nghe thì tưởng thói quen này ngược lại với thói vô trách nhiệm, bởi đã xen vào việc người khác nghĩa là cũng có ít nhiều sự quan tâm đến việc đó. Thế nhưng, rất nhiều người thích xen vào chuyện người khác lại chỉ vì tò mò, không phải do “thấy chuyện bất bình chẳng tha”. Họ tò mò về đời tư, về công việc của người khác, thích xen vào giữa các mối quan hệ cá nhân như tình cảm, gia đình dù chẳng có liên đới, hay gièm pha, buôn chuyện hoặc dựng chuyện về một người mặc dù chẳng ghét bỏ, thù hằn gì người ta. 

Thích xen vào chuyện người khác - Thói xấu khó bỏ của nhiều người Việt 1
Thích ngồi lê đôi mách và hóng hớt rồi kể lại với sự thật 20%, 80% còn lại là “mắm muối” để "xào nấu" là thói quen của những người thích xen vào chuyện người khác (Ảnh minh họa).

Trên báo chí, chúng ta quen với vô số tin đồn mà khi phỏng vấn người nổi tiếng, chính họ cũng cười méo xệch khi khẳng định không hiểu tin này ở đâu ra. Ngoài đời cũng vậy, ít nhiều trong chúng ta, đều đã 1 lần dính phải những tin đồn trên trời rơi xuống. Lý do bởi đâu? Chính là thói thích xen vào chuyện người khác, thích ngồi lê đôi mách và hóng hớt rồi kể lại với sự thật 20%, 80% còn lại là “mắm muối” để xào nấu của không ít người sống quanh ta.

Anh Phạm Nguyên (27 tuổi, đang công tác tại công ty nội thất P.V) kể lại câu chuyện của mình mà không biết nên cười hay mếu. Vợ chồng anh cưới nhau được 3 năm, đã có một nhóc tì 2 tuổi rưỡi. Đợt vừa rồi, vì vài xích mích vụn vặt trong gia đình, vợ chồng anh không tránh khỏi cãi nhau. Những cãi vã ấy dồn lại, tích tụ lại mà chưa được giải quyết thấu đáo nên trong cơn tức giận, vợ anh đùng đùng mang con về nhà ngoại, không thèm nói chuyện với chồng.

Trong khi anh Nguyên đang khổ sở vì chưa tìm được cách trò chuyện thẳng thắn, thì bên cạnh vợ anh lại xuất hiện những “chú chim lợn”, chính là hai cô bạn thân chưa chồng của vợ anh. Hai cô này được cái nhiệt tình, nhưng rất tọc mạch và tung tin đồn nhảm. Chưa biết chuyện nhà người ta thế nào, hai cô đã vu cho anh Nguyên cái tội bồ bịch nên “phũ” với vợ, không chịu trông con, lương “hai mấy triệu mà đưa vợ có 10 triệu”.

“Tôi không hiểu họ chui ở đâu trong văn phòng tôi mà biết rõ lương tôi thế, trong khi thu nhập của tôi chỉ xấp xỉ mười mấy triệu. Không hiểu họ ở đâu khi tôi chăm con, chiều vợ, mà dám khẳng định tôi là kẻ xấu xa như thế”, anh Nguyên bức xúc kể lại.

Hóa ra, chỉ nghe vài câu than thở của bạn thân là vợ anh, hai cô gái đã xuyên tạc thành một câu chuyện chẳng ra gì về anh với bạn bè, người quen liên quan đến vợ anh. Hai cô này còn "bơm vá" cho vợ anh đang giận dỗi bình thường, thành đòi ly thân và “không muốn nhìn mặt nữa”. Thấy tình hình căng thẳng, bố mẹ hai bên phải đứng ra giải quyết, anh Nguyên và vợ mới ngồi nói chuyện thẳng thắn với nhau. Sau hôm ấy, vợ anh đem con về nhà kèm theo yêu cầu của anh: chấm dứt quan hệ bạn bè cùng 2 “chim lợn” gần 30 tuổi vẫn chưa có người yêu. Thì ra, vì từng bị thất tình nên hai cô này quay ra chán đàn ông, nhân dịp vợ chồng bạn cãi nhau đã nhảy vào “quăng gạch, thả bom” cho… vui.

Những “chú chim lợn” như hai cô gái nói trên không hề ít trong thời buổi bây giờ. Có những cô gái rất giỏi tạo tin đồn, sự thật thì họ che giấu tới một nửa, chỉ nói ra chút ít còn đâu thêm thắt các tình tiết, thổi phồng như thể được chứng kiến cảnh đó. Trong công ty, hoặc bất cứ chỗ nào sống tập thể đều dễ dàng thấy các thành phần thích xen vào chuyện người khác, tò mò như thể chuyện ấy ảnh hưởng đến bản thân, nhưng thật ra lại chỉ xem cho vui, thi thoảng buông vài câu bình luận.

Câu “Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã thông” thật đúng với chuyện của Mai Hương, nhà ở phố Tôn Đức Thắng - Hà Nội. Một hôm đi làm về, Hương tá hỏa khi thấy chị hàng xóm cầm tay mình, chép miệng lắc đầu nói: “Hương ơi chị thương em lắm, chồng như thế chẳng cần nữa em ạ. Còn cái Linh em gái em, nếu mà nó nghiện đập đá thì cho cai sớm em nhé”. Chị này còn nhanh nhảu bảo cô cách lắp camera trên xe theo dõi chồng. Hương vừa tức, vừa buồn cười nhưng vẫn gặng hỏi nốt xem tại sao lại có cái tin động trời như thế.

Hóa ra, các bà cô trong xóm thấy chồng Hương lâu không về nhà nên đồn luôn là anh này bỏ đi với bồ nhí. Còn em gái Hương hay ra khỏi nhà lúc 9h tối, nên bị cho là dân chơi… đập đá, bay lắc xuyên đêm. Trong khi sự thật chồng cô được điều sang Pháp học 2 năm, còn em gái Hương làm quản lý một pub (một dạng quán bar) nên phải đi làm muộn. Từ đó, Hương ác cảm hẳn với đám đàn bà ngồi lê đôi mách, gièm pha chuyện không phải của mình. Tin đồn kia Hương cũng chẳng thèm đính chính, bởi cô cho rằng: “Họ ra vẻ quan tâm nhưng thực ra chỉ xem mình có đau khổ vì chồng ngoại tình, em gái chơi bời không thôi”.

Lạ một điều là thói xấu ấy ngày càng trở nên khó bỏ, bởi đa phần những người hay xen vào chuyện người khác, đều cho rằng: “Nó có hại gì đâu? Không phải việc của mình, nói vài câu hay thêm nếm vài phần có chết ai!".
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày