Riêng các tháng 9, 10, 11 thì thêm hai ngày nữa là ngày 10 và 22; cô dâu không được mặc váy cưới mà chỉ được mặc tân thời hoặc thường phục… Thị trấn Yên Lạc có hơn 14.000 nhân khẩu. Nơi đây không chỉ nổi tiếng bởi làng nghề chế biến gỗ và sản xuất đồ gia dụng mà còn nổi tiếng bởi một bản quy ước 5 chương, 38 điều rất lạ về văn hóa – xã hội.
Trong quy ước ấy có điều 7 quy định về đám cưới 6 không ở thị trấn như sau: Không tổ chức dài ngày, không ăn uống linh đình, không hút thuốc lá, không sử dụng nhạc sống, không sân khấu đèn nhảy, không sử dụng loa có công suất lớn.
Theo quy ước đó, đám cưới chỉ được tổ chức vào hai ngày trong tháng (theo lịch âm) đó là mồng 2 và 16. Riêng các tháng 9, 10, 11 thì thêm hai ngày nữa là ngày 10 và 22. Ngoài quy định về thời gian, bản quy ước còn nói rõ cô dâu không được mặc váy cưới mà chỉ được mặc tân thời hoặc thường phục, không được chơi nhạc sống, không dùng đèn nhấp nháy, không được đánh bạc và cấm hút thuốc lá.
Trước khi cưới, nhà trai phải làm đơn lên thị trấn rồi xin ký vào bản cam kết tuân theo quy định mới được cưới. Theo đó, nam thanh nữ tú là người cùng thị trấn lấy nhau hoặc con trai lấy vợ thiên hạ thì hai gia đình đều phải tuân theo quy định của thị trấn. Con gái lấy chồng nơi khác thì được miễn trừ, không phải tuân theo.
Trước đây, ở thị trấn Yên Lạc, đám cưới thường được tổ chức linh đình, mỗi đám vài trăm mâm cỗ; nhà nào cũng mời nhạc sống, sân khấu ngoài trời, sàn nhảy, thanh niên nhảy múa suốt đêm. Từ khi quy ước về tổ chức đám cưới được đưa vào thực hiện tình trạng trên đã không còn nữa.
Ông Phạm Quang Tiệp, nguyên Bí thư thị trấn Yên Lạc nhiệm kỳ 1993 – 2008 – người sáng lập ra quy ước trên cho thị trấn Yên Lạc cho biết: Quy ước được đưa ra từ năm 1996. Đến năm 1999 thì được hoàn chỉnh các chương, điều và được Huyện ủy quy chuẩn thành Quy ước văn hóa của xã Minh Tân, nay là thị trấn Yên Lạc.
Chị Nguyễn Thị Hồng Minh, một cô dâu từ Thạch Thất – Hà Nội về Yên Lạc chia sẻ: "Khi mình chuẩn bị về làm dâu ở đây cũng được phổ biến phải tổ chức đám cưới theo quy ước của xã. Ngày cưới mà bố mẹ mình xem không trùng với ngày cưới quy định. Gia đình nhà mình rất lo lắng vì dù sao mình cũng là con gái, nếu làm sao thì mình thiệt. Cuối cùng vì yêu mình vẫn bị thuyết phục tổ chức theo quy ước. Sống với nhau được 3 năm, có một nhóc 2 tuổi, cuộc sống gia đình vẫn hạnh phúc mình mới thấy mọi việc như thế là văn minh".
Đám cưới đầu tiên tổ chức theo quy ước vào khoảng tháng 7/1996. Kể từ đó thành thói quen, người dân cứ thế mà chấp hành. Bác Phượng – Người dân tại Yên Lạc cho biết: “Nói chung xã quy định như thế nào chúng tôi thực hiện vậy. Gia đình tôi cũng đã tổ chức theo kiểu này thấy cỗ bàn giảm đi nhiều, tránh lãng phí. Tuy nhiên có ngày đông đám tôi phải đi tận hơn 10 đám lận. Gia đình tôi có bao nhiêu người đều phải chia ra mà đi đám cưới”.
Bác Phượng kể thêm: "Năm 1993 gia đình anh cả nhà tôi cũng tổ chức đám cưới cho con trai theo cách tổ chức cũ. Chính tôi ngồi rửa bát còng lưng từ 8h sáng đến 1h chiều. Tính ra là 120 mâm bát cả thảy. Thế mà đến đám cưới con nhà tôi chỉ làm có 34 mâm cỗ vẫn thừa 2 mâm".
Anh Duy, người dân thị trấn Yên Lạc cũng cho biết thêm: "Tôi cũng từng phải chạy xô nhiều đám cưới một ngày có khi chả dám ăn cỗ ở nhà ai, đi nhiều đám như thế cuối cùng lại về với bụng không để về nhà ăn cơm, vì đến đám nào cũng kiếu để còn đi đám khác".
Những người khác cho biết, trước kia, ở Yên Lạc không ngày nào là không có đám cưới. Có gia đình cả tháng đi đám cưới và không làm ăn được gì. Chính vì thế khi có quy định kia, mặc dù người dân phải vất vả 2 ngày trong một tháng nhưng các ngày còn lại mọi người có thời gian để làm các công việc khác.