Tay sáu ngón không được lái xe

Pháp luật TPHCM, Theo 09:38 23/02/2013
Chia sẻ

Người thừa hay thiếu ngón tay, ngón chân (trừ ngón út) không đủ điều kiện thi lấy giấy phép lái xe.

Thời gian qua, nhiều người chẳng may có những dị tật nhỏ như thừa ngón tay/ngón chân, bị tai nạn làm mất một ngón tay/ngón chân không được dự thi lấy giấy phép lái xe máy. Trong khi đa phần những trường hợp này đều có thể điều khiển xe như người bình thường.

Chạy xe tốt cũng thua!

Anh H.V.V (xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn) đã ba lần bị các trung tâm đào tạo lái xe tại TP.HCM từ chối, không cho nộp hồ sơ dự thi lấy giấy phép lái xe. Lý do là bàn tay phải của anh có một đốt thịt nhỏ trổ ra từ ngón cái, trông như ngón tay thứ sáu. Nhân viên các trung tâm giải thích, anh V. phải phẫu thuật cắt bỏ ngón tay thừa rồi đi giám định chứng tỏ bàn tay vẫn vận động bình thường sau phẫu thuật thì mới được dự thi.

“Ngón tay thừa của tôi rất nhỏ, không ảnh hưởng đến việc điều khiển xe máy. Trước giờ tôi vẫn điều khiển xe máy chạy bình thường như bao người khác nhưng cứ đi nộp hồ sơ thi bằng lái là bị từ chối” - anh V. bức xúc.

Anh L.H.H, ngụ phường 8, quận 6 cũng cho biết: Hai năm trước, anh bị tai nạn lao động khi điều khiển máy dập inox, tay trái mất đi một nửa ngón giữa và ngón đeo nhẫn. “Thời gian qua, tôi đã đi nộp hồ sơ thi giấy phép lái xe ở nhiều nơi nhưng đến đâu cũng bị từ chối. Cán bộ nhận hồ sơ nói tôi bị thiếu ngón tay nên không đủ điều kiện sát hạch. Chẳng lẽ suốt đời tôi sẽ không được chạy xe một cách hợp pháp sao?” - anh H. hoang mang.

Tay sáu ngón không được lái xe 1
Vì ngón tay như thế này mà anh V. (xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn) đã ba lần không được nộp hồ sơ thi lấy bằng lái. Ảnh: MH

Do quy định cũ

Ông Dương Tự Lực, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và Cấp giấy phép lái xe, Sở GTVT TP.HCM, cho biết: Theo Quyết định 4132/2001 của Bộ Y tế, người thừa hay thiếu ngón tay, ngón chân (trừ trường hợp thiếu ngón út) không đủ điều kiện thi lấy giấy phép lái xe. Muốn thi, những người này phải cắt bỏ phần ngón thừa và việc cắt bỏ không được gây ảnh hưởng đến chức năng vận động.

Theo ông Lực, thời gian qua vẫn có một số người dị tật ngón tay/chân thoát qua vòng sát hạch để được cấp giấy phép lái xe. Đó là do người tham gia thi quá đông, những người này lại “lách” bằng cách mang giày, mang bao tay nên cán bộ sát hạch không phát hiện.

“Quy định của Bộ Y tế như vậy nên chúng tôi phải tuân thủ. Tuy nhiên, nếu quy định làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân thì ngành y tế cần nghiên cứu điều chỉnh lại cho phù hợp” - ông Lực nói.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết: Năm 2008, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 33 quy định tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới và đường bộ, thay thế Quyết định 4132/2001. Tuy nhiên, do nhiều lý do nên chưa đầy hai tháng sau khi ban hành, Quyết định 33 bị bãi bỏ nên lại quay trở về áp dụng Quyết định 4132.

Lái được xe thì nên cấp phép

Theo nhân viên một số trung tâm đào tạo lái xe, về cơ bản ngón tay thừa không ảnh hưởng nhiều đến việc điều khiển xe máy. “Thừa ngón cũng có nhiều dạng. Những người có phần thừa chỉ là một khấc thịt nhỏ, không ảnh hưởng đến chức năng vận động thì vẫn điều khiển xe bình thường. Chỉ khi những ngón thừa quá lớn, ảnh hưởng đến việc điều chỉnh ga, thắng,… thì mới không thể điều khiển xe máy” - một cán bộ dạy lái xe nói.

BS Phan Văn Tiếp - Trưởng khoa Nhi BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, cũng khẳng định: Việc thiếu hay thừa một ngón tay, ngón chân cơ bản chỉ là yếu tố thẩm mỹ chứ không ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động. Chỉ có trường hợp thiếu ngón tay cái thì mới làm ảnh hưởng đến việc cầm nắm các vật dụng, do ngón cái là ngón đối lực với các ngón còn lại. Về ngón chân thì lại càng vô lý hơn, bởi khi mang giày hay dép vào thì bàn chân thiếu 1-2 ngón đâu có khác biệt gì với không thiếu.

“Theo tôi, quy định thừa hay thiếu một ngón tay/chân không được dự thi lấy giấy phép lái xe là quá khắt khe. Người ta tuy có một chút khiếm khuyết nhưng vẫn có thể điều khiển xe bình thường thì phải cấp phép chứ sao lại tước đi cơ hội của họ? Với nền y học hiện tại, việc giải phẫu để cấy ghép thêm thiết bị y tế làm sống lại chức năng của những phần cơ thể bị khiếm khuyết là không quá phức tạp” - BS Tiếp nói.

Sẽ sửa đổi Quyết định 4132/2001

Quyết định 4132 có những điểm không còn phù hợp thực tiễn nhưng không thể sửa ngay được. Hiện Bộ Y tế đã giao Viện Chiến lược và Chính sách y tế nghiên cứu sửa đổi, dự kiến trong năm 2013 sẽ ban hành quyết định mới thay thế Quyết định 4132.

Riêng về tiêu chuẩn sức khỏe đối với hệ vận động như thừa hay thiếu ngón bàn tay, bàn chân, Bộ Y tế sẽ có lưu ý đối với một số trường hợp vẫn đủ điều kiện an toàn khi lái xe.

TS Trần Quý Tường - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày