Thương hiệu nổi tiếng Hà Nội đã tồn tại nhiều thập kỷ nay. Người khai sinh ra thương hiệu nổi tiếng này là cụ Phạm Vi Bảo (nay 82 tuổi).
Theo cụ Bảo, tuổi thơ của cụ sớm cơ cực, năm 18 tuổi cụ đã đi làm thuê bánh cho một ông chủ ở phố Hàng Đường.
Sau đó, do những bất đồng với ông chủ nên năm 23 tuổi một mình cụ Bảo về Hải Phòng lăn lộn kiếm sống bằng nghề làm bánh. Rồi cụ về lại Hà Nội lập nghiệp và xây dựng nên thương hiệu bánh truyền thống nổi tiếng Hà thành mỗi mùa trung thu.
Theo lời cụ Bảo, nay tuổi cao cụ đã truyền nghề, bí quyết làm bánh cho các con. Cụ Bảo sinh được 4 người con, 3 trai, 1 gái.
Người con trưởng của cụ Bảo là ông Phạm Vi Nhân làm chủ cơ sở bánh trung thu Bảo Phương tại địa chỉ 201 phố Thụy Khuê (nay cơ sở này do cháu đích tôn của cụ Bảo là anh Phạm Hải Đăng đứng tên đăng ký kinh doanh).
Còn tại cơ sở số 183 phố Thụy Khuê là của người con trai thứ và con trai út cụ Bảo là Phạm Văn Định và Phạm Hùng Đức.
Hai cơ sở này hoạt động sản xuất kinh doanh độc lập với nhau. Cơ sở tại địa chỉ 201 phố Thụy Khuê nay do đích thân cháu đích tôn của cụ Bảo là anh Phạm Hải Đăng quản lý, được cụ truyền nghề.
Cụ Bảo khẳng định rằng có nhiều cơ sở giả mạo thương hiệu bánh trung thu Bảo Phương để trục lợi, đánh lừa người tiêu dùng.
Cụ Bảo cho biết, do trong thời gian này nhu cầu người mua bánh trung thu mang nhãn hiệu Bảo Phương tại địa chỉ 201 phố Thụy Khuê rất lớn.
Để đáp ứng nhu cầu của người mến mộ thương hiệu bánh, cháu cụ là vợ chồng anh Phạm Hải Đăng đã mở rộng sản xuất sang địa chỉ số 223 phố Thụy Khuê. Thực chất chất lượng sản xuất bánh tại địa chỉ số 223 và 201 phố Thụy Khuê là một.
“Do việc mở rộng cơ sở sản xuất trong thời gian gấp gáp, nên chúng tôi chưa kịp làm xong giấy phép tại địa chỉ số 223 phố Thụy Khuê và về việc này đã được cơ quan hữu trách nhắc nhở, chúng tôi sẽ hoàn thiện thủ tục trong thời gian tới”, anh Phạm Hải Đăng chủ cơ sở sản xuất nói.
Theo biên bản làm việc ngày 18/9/2015 của Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho thấy tại địa chỉ số 223 phố Thụy Khuê đã vi phạm vì kinh doanh không đúng địa điểm kinh doanh ghi trong giấy chứng nhận kinh doanh.
Tại biên bản kiểm tra của cơ quan chức năng Hà Nội đối với cơ sở sản xuất bánh trung thu Bảo Phương (địa chỉ 201 Thụy Khuê, cơ sở sản xuất chính của vợ chồng anh Phạm Hải Đăng, cháu đích tôn cụ Phạm Vi Bảo) cho thấy cơ sở có giấy đăng ký kinh doanh, các chứng nhận về đảm bảo ATVSTP, các phiếu xét nghiệm hóa sinh, vi sinh của bánh nướng, dẻo đạt tiêu chuẩn cho phép, hợp đồng, hóa đơn mua bán đầy đủ, cơ sở sản xuất tại 201 Thụy Khuê trình bày đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan đến sản xuất, kinh doanh bánh trung thu; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, con người đều đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Nói về vấn đề này, anh Phạm Hải Đăng cho biết anh đồng tình với quan điểm xử lý của cơ quan chức năng. Theo anh Đăng thì do nhu cầu người tiêu dùng quá cao, mỗi ngày lên tới vài nghìn bánh mà cơ sở chính của gia đình tại số 201 Thụy Khuê không đáp ứng nổi nên để đáp ứng cho thị trường bánh trung thu năm nay vợ chồng anh mở rộng thêm xưởng sản xuất bánh tại địa chỉ 223 Thụy Khuê. Do thời gian gấp gáp nên chưa kịp đăng ký kinh doanh tại địa chỉ trên, chất lượng bánh, quy trình sản xuất bánh, đảm bảo ATVSTP như ở cơ sở chính là 201 Thụy Khuê.
Quan sát của phóng viên tại địa chỉ sản xuất bánh ở số 223 Thụy Khuê cho thấy các dụng cụ làm bánh sạch sẽ, các thợ làm bánh đều mặc đồng phục màu trắng, đeo găng, khẩu trang. Các quy trình làm bánh được bố trí ở 4 tầng của tòa nhà 7 tầng. Tường nhà được ốp gạch trắng, sạch.
Mặc dù đã cao tuổi (82 tuổi) nhưng cụ Phạm Vi Bảo - người khai sinh, ông chủ của “bí kíp” bánh trung thu Bảo Phương vẫn niềm nở đứng quầy (số 201 Thụy Khuê) giao bánh cho khách hàng.