Đó là chia sẻ của ông Thân Trung Dũng (Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển).
Thưởng tiền là xúc phạm?
Bộ Y tế vừa đưa ra Dự thảo Luật Dân số lần thứ 3 để lấy ý kiến. Một trong những đề xuất gây tranh cãi tại Dự thảo Luật Dân số lần này là hỗ trợ tiền cho những gia đình sinh một bề là con gái.
Ông Lê Cảnh Nhạc (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình) cho rằng, ý tưởng sinh toàn gái được thưởng tiền sẽ làm được bởi đã có nhiều nước áp dụng và rất thành công.
Tuy nhiên, theo ông Thân Trung Dũng, với những gia đình vốn có tư tưởng phải có con trai thì tiền bao nhiêu cũng là không đủ. Thậm chí, họ còn coi đó là sự thương hại hoặc xúc phạm.
“Với những gia đình “khát” con trai, nếu được thưởng tiền sẽ trở thành chủ đề gièm pha, trêu chọc. Như vậy, không chỉ bố mẹ mà cả những bé gái trong gia đình này đều bị ảnh hưởng tâm lý. Bởi nếu gia đình muốn có con trai thì chắc chắn họ sẽ không thích những đồng tiền này. Thậm chí, họ còn cho rằng, việc “được thưởng” là một sự xúc phạm. Có khi sau đó, họ lại phải “cố” bằng được để có con trai”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, nếu chỉ thưởng tiền nhưng không giáo dục thì số tiền đó cũng không mang lại ý nghĩa nhiều. Hơn nữa, ngân sách Nhà nước lại tốn một khoản khổng lồ mà không mang lại hiệu quả.
“Trung Quốc cũng từng đưa ra chính sách thưởng tiền cho gia đình sinh con gái . Nhưng hiện đất nước này vẫn đứng đầu thế giới về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh”, ông Dũng nói.
Tiền thưởng không thay đổi được hủ tục
Bàn luận về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất (Giám đốc Công ty An Việt Sơn) cho rằng: “Nếu thưởng tiền để hướng tới mục tiêu giảm chênh lệch giới tính thì chắc chắn sẽ khó đạt được. Bởi, nhiều địa phương vẫn còn những quan niệm, hủ tục rất nặng nề về việc phải có con trai để nối dõi, hương khói”.
Ông Chất cho biết, một số nơi còn có tập quán nếu không sinh được con trai sẽ bị loại khỏi dòng họ. Thậm chí có nơi, đến lúc chết họ sẽ không được thờ cúng trong nhà chỉ vì không có con trai.
“Ví dụ, hiện hủ tục này vẫn tồn tại ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Từ nhiều đời nay, ở huyện miền núi này, nếu vợ chồng không sinh được con trai thì khi chết chỉ được thờ ngoài vườn. Bàn thờ chỉ là một cái chòi, am giống như chuồng nuôi chim”, ông Chất dẫn chứng.
Theo đó, mỗi năm con gái chỉ được ra thắp hương cho bố mẹ 2 lần vào dịp cuối năm và rằm tháng Giêng. Việc không sinh được con trai ở địa phương này giống như một sự sỉ nhục nặng nề trong dòng họ. Chính vì hủ tục này, nên nhiều vợ chồng dù đói khổ đến mấy cũng phải sống chết sinh cho bằng được con trai.
"Vì thế, việc Nhà nước hỗ trợ tiền, dù số tiền lớn đến 50 triệu đồng, cũng khó giúp họ “lung lay” ý định phải có con trai. Quan trọng là phải giúp họ thay đổi được những tư tưởng lạc hậu này", ông Chất nói.
Ngoài ra, theo ông Chất, chính bản thân phụ nữ cũng tự gây áp lực cho bản thân khi không sinh được con trai. Ông Chất cho hay, trong quá trình tư vấn tâm lý cho khách hàng, ông gặp không ít phụ nữ lo lắng đến việc nếu không sinh được con trai chồng sẽ “kiếm” con chỗ khác. Hoặc không ít bà mẹ ép con trai mình phải bỏ vợ chỉ vì không sinh được con trai nối dõi.
Cũng theo nhà nghiên cứu tâm lý này, một số quốc gia thành công trong thực hiện chính sách thưởng tiền giúp giảm chênh lệch giới là do làm tốt truyền thông. Họ giúp người dân hiểu được phụ nữ cũng có những vai trò quan trọng và cảm thấy tự hào khi sinh được con gái.
“Do đó, việc cần làm là tăng cường truyền thông về giá trị của con gái. Đặc biệt, giúp người dân thấy được những hậu quả khôn lường của việc mất cân bằng giới tính như: Đàn ông Việt không lấy được vợ; một phụ nữ phải làm vợ cho 3-4 người đàn ông; mại dâm ngày càng tăng cao…”, ông Chất chia sẻ.