Ruốc thịt làm từ sắn dây tại Hà Nội

Phụ Nữ, Theo 09:46 21/09/2013
Chia sẻ

Một lượng lớn ruốc bán trên thị trường hiện nay được làm từ bã sắn dây sấy khô, xé tơi thành sợi như ruốc, và tẩm ướp thêm gia vị, bột hương thịt heo, phẩm màu…

Ruốc thịt (chà bông) là mặt hàng được bày bán phổ biến tại các cửa hàng giò, chả lớn nhỏ. Tại khu vực chợ đầu mối của Hà Nội, giá ruốc loại hai được đổ buôn với giá khá “bèo”, chỉ từ 120.000-150.000 đồng/kg.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, chủ một cửa hàng ruốc tại Láng Hạ (Ba Đình, Hà Nội), mức giá này khiến người ta phải hồ nghi về chất lượng của ruốc. Bởi 3kg thịt mới làm được 1kg ruốc, chưa kể công chế biến, nên giá thành phẩm phải trên dưới 400.000 đồng/kg. Bà Hương cho biết, ngoài việc dùng nguyên liệu rẻ tiền, không tươi ngon, một lượng lớn ruốc bán trên thị trường hiện nay còn được làm từ bã sắn dây. Bã sắn dây sau khi sấy khô sẽ được xé tơi thành sợi như ruốc. Để có hương vị đậm đà, bã sắn dây được tẩm ướp thêm gia vị, bột hương thịt heo, phẩm màu… để đánh lừa vị giác người tiêu dùng (NTD).

Ruốc thịt làm từ sắn dây tại Hà Nội 1
Cận cảnh làm ruốc.

GS-TS Bùi Minh Đức - Phó chủ tịch hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, bã sắn dây là mặt hàng thải loại, không còn chất dinh dưỡng. Bản thân bã sắn dây không độc hại nhưng qua quá trình tẩm ướp, chế biến, đặc biệt là sử dụng các loại phẩm màu không đảm bảo vệ sinh có thể có nguy cơ nhiễm khuẩn rất lớn. Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã công bố kết quả kiểm nghiệm ruốc trên thị trường. Theo đó, hơn 50% số mẫu kiểm tra không đạt về hàm lượng chất tạo ngọt hóa học, chất bảo quản và nhiễm E.coli.

Theo GS-TS Bùi Minh Đức, cách phân biệt ruốc thịt và ruốc làm từ bã sắn dây không khó. Chỉ cần ngâm ruốc vào nước một thời gian ngắn, nếu sợi ruốc trương lên và sờ vào thấy mềm nhũn, dần chuyển từ màu vàng sang màu trắng bợt thì đó là sản phẩm làm từ sắn dây. Ruốc thật khi cho vào nước sẽ rời ra, nhưng vẫn giữ sắc vàng.

Theo bà Hương, nếu NTD tinh ý, có thể nhận diện được ruốc “dỏm” bằng mắt thường. Sợi ruốc sắn dây thường to, tròn hơn so với ruốc thật và không bông, tơi. Khi ăn, ruốc sắn dây có vị ngọt nhờ nhợ của mì chính (bột ngọt) chứ không có vị ngọt của thịt. Đặc biệt, ruốc sắn dây càng nhai càng thấy rất dai.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày