Ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ dự báo mùa đông năm nay, những đợt rét đậm sẽ không kéo dài.
Dự báo mùa đông năm nay ở miền Bắc ngắn lại và rét đậm đến muộn. Xin ông cho biết cụ thể trạng thái thời tiết này, có điều gì bất thường không?Trên thực tế từ giữa tháng 9, không khí lạnh đã hoạt động và ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc nước ta. Cụ thể, từ đêm 13 và 14/9 một đợt gió mùa đông bắc cường độ mạnh đã ảnh hưởng đến Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ; ở vùng núi trung du Bắc Bộ và các tỉnh ven biển Trung Trung Bộ, vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác; nền nhiệt độ trung bình ngày giảm 3 - 5 độ, nhiệt độ thấp nhất ở Pha Đin là 14,5 độ và Sìn Hồ (Lai Châu) là 14,4 độ, Sa Pa (Lào Cai) là 12,2 độ, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) là 13,3 độ, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) là 16,7 độ.
Tuy nhiên những đợt rét đậm đặc trưng ở miền Bắc (nhiệt độ trung bình ngày xuống dưới 15 độ, kéo dài từ 3 ngày trở lên) dự báo sẽ đến muộn. Đợt rét đậm đầu tiên phải đến khoảng cuối tháng 12 mới xuất hiện.
Theo dự báo và tính toán của ngành khí tượng, nền nhiệt độ trung bình toàn mùa Đông Xuân năm nay ở Bắc Bộ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Cụ thể, dự báo các tháng đầu vụ (tháng 11 và 12/2012) và 2 tháng cuối vụ đông xuân (tháng 3 và 4/2013) sẽ phổ biến ở mức cao hơn một chút so với TBNN, các tháng giữa vụ (tháng 1 và 2/2013) ở mức xấp xỉ TBNN. Không chỉ riêng miền Bắc, các khu vực khác ở nước ta cũng có nền nhiệt độ toàn mùa ở mức cao hơn so với TBNN.
Mùa đông xuân ở Bắc bộ cũng là giai đoạn chính của mùa khô. Năm nay, tình trạng khô hạn, thiếu nước có còn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đến vụ gieo trồng mùa đông xuân của bà con nông dân như năm ngoái?Trong các tháng chính của vụ đông xuân 2012-2013 là mùa khô ở các tỉnh Bắc Bộ. Đến cuối tháng 9, nguồn nước trên các sông ở Bắc bộ vẫn thiếu hụt so với TBNN (ở thượng nguồn sông Hồng nhỏ hơn TBNN từ 10-20%; hạ du sông Hồng nhỏ hơn TBNN 22%). Do vậy cần đề phòng tình trạng thiếu nước và khô hạn cục bộ tại một số nơi, đặc biệt các khu vực ở vùng núi.
Ở khu vực Đồng bằng Bắc bộ, hiện tượng khô hạn sẽ bớt gay gắt hơn, do năm nay diễn ra mùa mưa khá thuận lợi, hệ thống hồ thủy điện đã tích nước khá tốt nhằm đáp ứng nhu tưới tiêu cho bà con nông dân. Cụ thể, mực nước các hồ thủy điện lớn ở Bắc Bộ hiện nay đa phần đều ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2011. Thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang đã tích lên gần đến mực nước dâng bình thường. Dung tích 4 hồ còn hụt khoảng 1,4 tỷ m3 so với thiết kế nhưng lớn hơn gần 2,3 tỷ m3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ và các tỉnh ven biển Trung Bộ đề phòng mưa trong thời đoạn ngắn, gây lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất từ tháng 10 đến tháng nửa đầu tháng 12/2012.
Như vậy, năm nay, mùa mưa bão vẫn diễn biến bất thường và sẽ kết thúc muộn. Khu vực nào cần đề phòng chịu ảnh hưởng của mùa bão từ nay dến cuối năm, thưa ông?
Đúng là mùa mưa bão năm nay diễn biến khá bất thường ở nước ta. Bão xuất hiện trên Biển Đông sớm hơn so với TBNN, giữa tháng 2 đã xuất hiện áp thấp nhiệt đới đầu tiên; cuối tháng 3 đầu tháng 4/2012 đã xuất hiện Bão số 1 trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Theo thống kê, mùa mưa ở Bắc Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên đến sớm (đầu tháng 5); Từ tháng 4 đến nay trên phạm vi toàn quốc đã có 11 đợt mưa lớn diện rộng. Lũ quét và sạt lở đất đã xuất hiện nhiều lần ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Tuyên Quang, Lào Cai gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ cũng diễn ra mưa nhiều, nhưng tổng lượng mưa các tháng ở phân bố không đều cả về không gian và thời gian. Theo tính toán của chúng tôi, từ nay đến hết năm 2012, bão và áp thấp nhiệt đới vẫn còn có khả năng xuất hiện và hoạt động trên khu vực Biển Đông và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam khoảng từ 1- 2 cơn, ảnh hưởng chủ yếu tới khu vực Trung Bộ và Nam Bộ.
Xin cảm ơn ông!