Đêm nay và ngày mai, Quảng Ninh tiếp tục hứng chịu mưa lớn
Sau trận lụt lịch sử xảy ra ở Quảng Ninh thì đến hôm qua, mưa lớn đã lan rộng ra các tỉnh miền núi phía Bắc. Tiêu biểu là tại Lạng Sơn, mưa lớn cùng với một lượng lớn nước từ thượng nguồn đổ về đã khiến nhiều nơi ở rơi vào tình trạng ngập úng cục bộ, nhiều diện tích hoa màu, đường xá, nhà cửa, công trình xây dựng bị hư hỏng.
Nguy cơ lở đất ở bãi thải Đông Cao Sơn - Cẩm Phả (Quảng Ninh). Hơn 200 hộ dân dưới bãi thải ở khu khai thác than Mông Dương – Cẩm Phả đang đứng trước nguy cơ xóa sổ khi mà đập chắn số 8 ở đây đang cầm cự từng giờ.
Riêng Quảng Ninh thì đến đêm qua, những cơn mưa lớn vẫn tiếp tục đổ xuống Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô. Mưa lớn với cường độ mạnh đã làm bãi thải Đông Cao Sơn thuộc mỏ than Mông Sơn, phường Mông Dương, TP Cẩm Phả có nguy cơ bị vỡ và đe dọa tính mạng của hơn 200 hộ dân ở giáp ngay chân bãi thải.
Trong khi đó, theo như cảnh báo từ Trung tâm khí tượng Thủy văn Trung ương, từ tối nay, các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ sẽ có một đợt mưa to đến rất to, nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất là rất cao.
Theo các chuyên gia khí tượng Thủy văn, hình thái thời tiết hiện nay rất nguy hiểm. Miền Bắc đang trải qua tình thế mưa lũ chưa từng có trong lịch sử khi một cột gồm nhiều xoáy hút ẩm đồng trục đang phát triển từ mặt đất đến độ cao 5.000m. Đặc biệt, xoáy thấp này một nửa trên đất liền, một nửa trên biển nên nó dễ dàng hút được một lượng độ ẩm khổng lồ. Chính vì vậy, nó đã đủ sức gây ra những trận mưa rất to. Trong một vài tiếng, lượng mưa có thể lên tới hàng trăm mm, tạo ra hàng loạt kỷ lục mới xuất hiện.
Bản Sen - Vân Đồn (Quảng Ninh) ngập sâu từ 10 đến 12m
Tính đến thời điểm hiện tại, chưa bao giờ, tại Cửa Ông – Cẩm Phả (Quảng Ninh) phải hứng chịu một trận mưa lên tới 1.190mm/4 ngày. Lượng mưa này xấp xỉ bằng tổng lượng mưa cộng dồn trong 3 tháng mưa nhiều nhất trong năm. Quảng Ninh mặc dù nằm sát biển nhưng vẫn bị nhấn chìm trong nước lũ lịch sử. Toàn bộ hệ thống thoát nước đã bị bùn, than và cát bít lại làm cho nghẽn dòng. Ở ngoài đảo, vị trí được đánh giá là dễ thoát nước cũng đã bị ngập lụt sâu.
Tại xã Việt Hải, huyện Cát Hải – Hải Phòng cũng bị nước nhấn chìm dưới 6m. Cá biệt, tại huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh), người dân thôn bản Sen chưa bao giờ thấy nước ngập sâu tới 11-12m. Theo dự báo, đêm nay, mưa lớn vẫn tiếp tục trút xuống các khu vực đảo đang bị ngập như vậy.
Tuy nhiên, Quảng Ninh sẽ không phải địa phương duy nhất hứng chịu hậu quả mưa lũ. Các nhà khí tượng đã nhìn thấy rất rõ, xu thế lúc này, cả một cột ẩm khổng lồ đó đang di chuyển vào trung tâm của miền Bắc.
Trong đêm nay và ngày mai, mưa lớn sẽ lan rộng. Quảng Ninh dù đã hứng chịu mưa lớn ngay từ đầu nhưng vẫn phải chịu thêm từ 100 đến 200mm nữa.
Diễn biến mưa lớn phân thành 2 giai đoạn
Trong những ngày tới đây, mưa sẽ phân ra làm 2 giai đoạn rất rõ rệt. Giai đoạn 1 là trong đêm nay và ngày mai, mưa sẽ tập trung ở ven biển và vùng núi Đông Bắc của Bắc Bộ.
Bên cạnh đó, Lạng Sơn, Bắc Giang lại là khu vực địa hình núi cao, cư dân sinh sống dọc các con sông như Kỳ Cùng, sông Thương và nếu không chuẩn bị sơ tán trước thì sẽ rất nguy hiểm và khó thoát kịp.
Xoáy hút ẩm đang phát triển và có xu hướng tiến vào trung tâm Bắc Bộ.
Giai đoạn 2 sẽ kéo dài từ đêm mai cho đến ngày 4/8, có tới 70-80%. Đây là giai đoạn cao điểm của đợt mưa mới. Phạm vi mưa sẽ mở rộng Trung du và đồng Bắc Bắc Bộ. Sau đó, nó sẽ lan dần đến các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn và các tỉnh Tây Bắc Bộ khác.
Tổng lượng mưa trong đợt này sẽ rơi vào khoảng 100-300mm, có nơi đạt từ 400 đến 500mm. Vấn đề đáng nói là mưa lớn sẽ không dàn đều ra cả 4 ngày mà có thể sẽ xuất hiện những khoảng thời gian mưa dồn dập trong một thời gian ngắn. Có thời điểm, mưa có thể đặc biệt to, trong thời gian 6 tiếng lượng nước có thể đạt mức từ 100 đến 200mm tại các tỉnh Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang và Sơn La.
Với lượng mưa này thì cũng giống như ngày đầu tiên trong đợt mưa lịch sử ở Quảng Ninh, chỉ sau 1 đêm thôi mà cả Cẩm Phả đã bị ngập tới 1m. Cho dù vùng mưa có dịch chuyển sang những nơi khác thì Quảng Ninh vẫn là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất. Đồi núi, bãi than, hầm lò tại đây đã không thể ngấm thêm nước được nữa. Người dân Quảng Ninh nói rằng họ đang trong tình trạng giọt nước tràn ly, thêm 1mm mưa nào nữa là sẽ lại có sạt lở, ngập lụt và sẽ lại có thương vong.
Vùng sạt lở được dự báo là sẽ lan rộng ra toàn bộ các tỉnh vùng núi phía bắc.
Đêm 31/7 đến 4/8, vùng sạt lở được cảnh báo sẽ mở rộng ra toàn vùng núi Bắc Bộ như Bắc Cạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình.
Những dấu hiệu sạt lở của các địa phương cũng khá chi tiết và có sự khác biệt. Sạt lở ở các tuyến giao thông, quốc lộ ở Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu và Yên Bái thì có thể nhận biết bằng các vết nứt xuất hiện trên đường, trên mái Ta-luy. Còn sạt lở ở các khu dân cư thì là các vết nứt ở chân núi, chân tường nhà và các vết nứt trên tường bao ngăn nhà. Ở Bắc Giang thì có thể bị sạt lở ở đê bao do vậy cần chú ý các vết nứt trên mặt đê, mái đê.
Một dấu hiệu có thể nhận biết sạt lở khác là dòng chảy của nước. Nếu ở Lào Cai, khi thấy dòng nước kèm theo bùn đất, chứng tỏ trên thượng nguồn đã bị sạt lở. Riêng tại Quảng Ninh, người dân nên đề phòng sạt lở khi thấy dòng nước có bùn kèm theo sỏi đá. Điều này chứng tỏ lớp đất đá bên ngoài đồi núi bị phong hóa đã bị bào mòn và nguy cơ sạt lở rất cao.
Hiện tại, ở Quảng ninh, mưa lớn kéo dài đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Theo ghi nhận, toàn tỉnh đã có 17 người thiệt mạng, 3.700 ngôi nhà bị ngập úng., trong đó, 28 ngôi nhà đã bị sập hoàn toàn. Hiện nay, vẫn còn 900 ngôi nhà bị ngập úng. Tại bản Sen ở huyện Vân Đồn, nước vẫn ngập sâu 10m, nhấn chìm toàn bộ 27 ngôi nhà, ước tính thiệt hại ban đầu là 1.500 tỷ đồng trong đó, riêng ngành than, thiệt hại 500 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Ninh vẫn đang tập trung di rời 229 hộ dân ở khu vực mỏ than Mông Dương để đề phòng nguy cơ vỡ đập đồng thời tập trung bảo vệ trạm điện 110kv ở khu vực này.
Một tin vui là trong tối 29/7, tàu Hải Quân đã đưa 1.500 du khách bị mắc kẹt trong những ngày qua tại đảo Cô Tô về với đất liền. |