Sáng sớm nay (15.9), ghi nhận của PV, dọc bờ biển Cửa Đại, sau cơn bão số 3, những cây xanh lớn, nhỏ trước các khách sạn, resort ven biển bị gió thổi bật gốc, nằm ngả nghiêng.
Tại khu resort Fusion đang xây dựng dang dở, toàn bộ bờ kè chắn phía sau và hai bên resort được xây dựng cao hơn 5m, nhưng vẫn bị sóng biển công phá, khoét sâu vào sát vách. Nước biển tạo thành từng dòng tràn ngập lênh láng ngay dưới móng các dãy phòng.
Cạnh khu resort Fusion nằm trơ trọi, chống chọi với sóng biển là đoạn bờ kè chắn sóng dài hơn 100 mét cũng đang thi công dang dở. Để bảo vệ công trình được xây dựng gần 2 tháng nay, hàng chục công nhân của Công ty xây dựng Toàn Cầu đã có mặt từ sáng sớm nay và khẩn trương dùng các nắp đập bằng bê-tông để phủ lên mặt bờ kè.
Trao đổi nhanh với PV, ông Nguyễn Sinh - Chủ tịch UBND phường Cửa Đại - cho biết, vào mỗi mùa mưa bão, chính quyền địa phương luôn phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực khách sạn để ứng phó thiên tai.
“Hai hôm nay, sau khi nhận thông tin bão số 3 đổ bộ vào đất liền khu vực miền Trung, UBND phường tổ chức cuộc họp khẩn bàn về công tác phòng chống bão. Trước mắt, phường sẽ xuống từng hộ dân và những khu resort ven biển tổ chức kiểm tra lại tình hình...", ông Sinh nói.
Còn tại Tam Kỳ (Quảng Nam), sáng nay, theo ghi nhận nhanh cũng có nhiều cây cối ngã đổ, cùng với thiệt hại về hoa màu, cây ăn quả của người dân vùng nông thôn...
Thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, do bão số 3 gây nên mưa lớn làm sạt lở đường tại huyện miền núi Tây Giang. Theo đó, sạt lở khoảng 2.290m3 tại các tuyến đường: ĐT 606, từ xã Axan đi Ch’ơm, từ Axan đi Gari, từ Ch'ơm đi Gari, từ trung tâm huyện Tây Giang đến xã Dang...
Sáng nay, di chuyển dọc bờ biển từ huyện Núi Thành ra thị xã Điện Bàn, ghi nhận của PV, dù bão đã qua nhưng hiện biển động vẫn mạnh. Những con sóng cao tới cả mét, gió thổi mạnh khoảng cấp 5.
Tại bãi biển Tam Thanh, gió thổi hất tung nhiều vật dụng chòi nghỉ, biển hiệu và đặc biệt là thổi cát bay phủ kín kè chắn bờ biển một lớp dày gần 5cm. Ngoài ra, cát phủ cũng dày các vật dụng buôn bán của người dân khu vực dọc bờ biển.
Còn khu vực sông Trường Giang, hiện nước vẫn dâng cao. Nhiều hộ tôm của người dân bị ngập, phải dùng lưới giăng để tôm không thoát được ra ngoài.
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Chủ tịch UBND xã biển Tam Thanh, TP.Tam Kỳ - cho biết, do làm tốt công tác ứng phó với bão nên tại địa phương không có thiệt hại gì về nhà cửa cũng như người dân và tàu, thuyền. Hiện xã đang tiếp tục cử lực lượng chức năng xuống kiểm tra thêm tình hình sau bão để thống kê báo cáo cấp trên.