Buổi sáng qua vừa mở mắt vào Facebook, đâu đâu cũng ngập tràn thông tin siêu xe màu xanh mới ồn ào trên báo mạng mấy ngày qua, long lanh lộng lẫy là thế, nay gặp nạn bị bóp hẳn một bên trông rất thảm. Thật may khi chiếc xe chỉ bị hư hại chứ không có thiệt hại về người, còn thiệt hại vật chất - là một điều khó nói, thuộc về vấn đề cá nhân gia chủ.
Với cánh tài xế điều khiển ô tô, tai nạn giao thông dù ở mức độ nào, nặng hay nhẹ, đều là một sự đen đủi không ai muốn. Họ cũng thường động viên và chia buồn với nhau, coi như một sự an ủi dành cho người ngồi sau vô lăng khi mà bóng đen tai nạn không bao giờ phân biệt siêu xe và xe đắt tiền, hay xe cỏ.
Phần đầu chiếc xe BMW i8 bị hư hại khá nặng.
Phần bên phải đầu xe bị đâm vỡ.
Ấy vậy mà, dường như nhiều người trẻ đang nhảy múa trên bàn phím lại nhảy lên cười "ha ha" vì vụ đâm xe này. Trên các diễn đàn, khi đăng tin chiếc BMW xanh ngọc bị móp một bên đầu lên, thật lạ là ngay cả với những người đã cầm lái, cho đến các thanh niên đang đi xe máy, xe đạp điện bỗng cảm thấy hả hê khủng khiếp. Họ gọi chủ nhân 18 tuổi sở hữu siêu xe là "trẻ trâu", "để trẻ con lái nó chỉ đến thế thôi", hay "đây là tiền bố mua chứ có phải tự mua đâu", còn nhiều nhiều nữa những dòng chữ hả hê, thích thú, sung sướng như thể cái xe BMW sẽ hạnh phúc hơn nếu chủ sở hữu là chính mình vậy! Rất ít người bình tĩnh hơn, chia buồn với chủ xe và dặn nhau một điều rất bình thường nhưng vì cơn đố kỵ đang dâng cao nên chưa nhìn thấy ngay được: Đừng nói hay nếu như bạn không phải người cầm lái!
Tôi chợt nhớ một câu chuyện rất buồn cười như thế này. Hồi đó tôi đi cùng một ông anh họ, ông này thì nhát, nhưng lại hay chê. Chưa có ô tô, ngồi cạnh tôi mấy buổi đi công việc. Thấy tôi lái, anh cứ hét lên "Kìa, sao lại đi kiểu này, sao lại rẽ kiểu kia". Hay đang chạy bình thường thì anh chê "Cô lái chán bỏ xừ, phanh gấp thế đằng sau nó đâm thì sao", trong khi một chiếc xe đạp điện mới tạt đầu tôi, không phanh lại thì chuyện gì sẽ xảy ra? Chưa kể anh ấy chê tôi sao không lèn vạch mà chạy cho nhanh, đi sang làn xe máy ấy, lái gì mà rề rề ra... Tôi cũng kệ.
Khoảng 1 năm sau, anh ấy mua ô tô, tôi không còn phải đón mỗi khi anh đi công chuyện nữa. Anh quay lại đón tôi. Thấy anh chạy chậm, không vượt sang làn xe máy, không đi cái kiểu mà anh bảo tôi nữa. Có chướng ngại vật phía trước cách hàng trăm mét đã thấy anh phanh vội. Lúc này anh mới cười ngượng, gãi gãi đầu: "Trước cứ chê cô, nhưng đúng là phải lái mới biết được. Đường xá khó đi thật đấy!".
Tôi trộm nghĩ, bao nhiêu người đang chê cậu thanh niên trẻ tuổi sở hữu chiếc BMW 8 tỉ kia, đã bao giờ ngồi sau vô lăng và cũng trải qua cơn ác mộng, hay sự đen đủi về giao thông trên đường phố, điều duy nhất mà ta không nói hay được?
Bao nhiêu thanh niên đang sống dưới sự che chở của gia đình, bao bọc của bố mẹ và lấy đấy làm tự hào. Nhưng lại sẵn sàng chê bai người khác, chỉ vì điều kiện gia đình của người ta "lỡ" tốt hơn mình?
Bao nhiêu anh hùng bàn phím, lớn tuổi nhé, chứ chẳng phải "trẻ trâu" đang mải miết gõ những câu cay nghiệt nhất dành cho một cậu bé 18 tuổi chỉ vì "mình thì cày kéo như trâu mới mua được chiếc xe vài trăm triệu, nó 18 tuổi đã lái xe 8 tỉ, thật quá bất công"?
Thế đấy, một món quà của một gia đình khá giả, tặng cho con trai của họ, đã trở thành nỗi bất công của những người ngoài. Nói nôm na là người không có tiền, dạy người có tiền cách tiêu tiền. Và ở ngoài nhưng lại biết hẳn là cậu trai đó không học hành gì, chỉ giỏi tiêu tiền bố mẹ cơ đấy. Bạn có thấy sự liên quan không?
Và cứ thế, những suy nghĩ cằn cỗi nấp sau bàn phím khiến những kẻ GATO trở nên độc ác hơn bao giờ hết. Khi thấy người khác gặp nạn, điều tối thiểu là chia buồn với vất vả khó khăn của họ, chứ không phải nhảy lên cười ha ha, rủa người ta "cho chết" vì cú tai nạn đã làm "thỏa mãn" sự ghen tức đang cuộn lên chăng? Một câu châm ngôn khiến tôi nhớ mãi, "Nếu không nói được gì tốt đẹp, thì tốt nhất nên im lặng". Lôi kéo nhau hùa vào hả hê trước tai nạn, sự mất mát của người khác, điều đó có khi còn độc ác gấp nghìn lần kẻ trực tiếp gây nên chuyện.
Lại nói về kẻ trực tiếp gây chuyện, chắc chúng ta chưa quên vụ
2 người đàn ông lớn tuổi ăn trộm gà bị đánh dã man, bắt ngậm gà chết rồi chụp ảnh mua vui như một sự trừng phạt. Đây có lẽ phải gọi là đỉnh điểm của sự tàn độc.
Ông lão bị đánh tới mức chảy máu và ngã lăn ra đường - (Ảnh N.N)
Sau đó bị buộc phải ngậm con gà chết và quỳ giữa đường trước sự chứng kiến của nhiều người - (Ảnh: N.N) Dẫu biết, ăn trộm là hành vi đáng trách, nhưng việc ăn cắp 2 con gà không đủ để những kẻ "nhân danh" lẽ phải hành hạ, đánh đập hai ông lão khốn khổ đến mức chảy máu, rồi bắt ngậm gà chết và quỳ xuống trong tình trạng đau đớn như thế này. Chưa hết, họ còn chụp ảnh tung lên mạng như muốn thông báo cho cả thế giới biết danh tính 2 kẻ trộm gà. Và tất nhiên, hành vi độc ác ấy đã khiến cư dân mạng gần như bùng nổ vì phẫn nộ. Thú thật khi xem những bức ảnh này, gai ốc trên người tôi cứ nổi lên khi quá sững sờ vì việc đó vẫn còn diễn ra ở thời đại này. Họ sẵn sàng đánh đập, làm nhục người già, nhìn họ khốn khổ và đau đớn tận cùng mới hả hê và còn bình thản "vứt" lên mạng.
Còn ở một nơi xa hơn, phồn hoa hơn, thì họ lại thể hiện sự độc ác bằng việc sẵn sàng cười hả hê sung sướng trước tai nạn của người khác, chỉ vì sự đố kỵ trước những thứ vật chất không phải của mình. Dù trực tiếp hay gián tiếp, đây cũng là những hành động đáng buồn, không, phải gọi là đáng sợ khi cuộc sống càng phát triển, con người lại càng đối xử với nhau có phần lạnh lùng hơn. Phải chăng, lòng tốt, sự cảm thông giữa người với người đang ở một cái giá quá cao, khiến chúng ta "nhìn mà phát ngại", chẳng thèm giơ tay với lấy?!