Theo người bán này cho biết: “Xe nước mía đời cũ có giá khoảng 5 triệu nhưng tốn điện, cồng kềnh và nguy hiểm vì nếu không để ý, người bán rất dễ đưa tay vào trong lồng ép. Còn với loại “siêu sạch” đời mới này thì giá khoảng 10 – 15 triệu/ bộ, bảo đảm an toàn – tiết kiệm – gọn nhẹ và… đỡ rắc rối”.
Hỏi sâu về chi tiết “đỡ rắc rối”, cô N. ra vẻ thân tình và tiết lộ : “Loại máy cũ nó lộ thiên, người bán mà để bẩn một tí là khách hàng họ nhìn thấy ngay. Còn với loại “siêu sạch” được thiết kế kín đáo, che hết toàn bộ lốc máy bên trong nên có dơ tí cũng chả sao cả. Họ nghe từ “siêu sạch” là thích rồi, ai mà có thời gian để ý nó sạch hay không”.
Một chiếc máy ép "nước mía siêu sạch" được thiết kế khá gọn, đơn giản và an toàn.
Thiết kế khép kín khiến khó quan sát cơ cấu hoạt động bên trong máy ép.
Đường vệ sinh duy nhất của máy ép mía siêu sạch.
Khi được dò hỏi về cách vệ sinh máy ép mía siêu sạch, người này cũng chỉ dẫn mỗi ngày chỉ cần xịt nước vào bên trong là xong, chẳng cần chà rửa gì cả vì đơn giản… “chẳng có cách nào chà, mà thôi, có ai thấy đâu mà lo”. Điều đó có nghĩa là, mỗi ngày sẽ có hàng trăm ngàn xác vụn mía còn lưu lại bên trong lưới máy và không có đường thoát – trừ khi máy được đem đi bảo hành, sữa chữa (vài năm một lần).
Cũng chính vì điều này mà khi trao đổi với chúng tôi, chú Tuấn (thợ sửa máy ép mía) cho biết:“Siêu sạch thật ra là siêu bẩn vì cấu tạo của nó không cho phép người bán chà rửa được bên trong như các loại máy khác. Và tất nhiên, việc một cái máy ép mía sử dụng nhiều tháng, thậm chí là vài năm không chà rửa, chỉ qua xịt vòi nước thì không thể có chuyện sạch sẽ được. Đó là chưa kể có nhiều máy khi đem đến sửa chữa, mở ra bên trong toàn giòi (được sinh ra từ các bã và cặn mía tồn đọng lâu ngày). Chuyện sửa máy có giòi bò lúc nhúc trong bộ lọc là chuyện thường tình ở đây, thấy ghê lắm. Cá nhân tôi chẳng bao giờ để người nhà mình uống nước mía siêu sạch quảng cáo khắp các vỉa hè cả, thèm lắm thì tìm chỗ nào bán mía ép kiểu cũ, trông sạch sẽ mà mua.”
Bã mía vứt thành đống ngay cạnh máy ép, bàn bán nước.
Nhắc về câu chuyện cũ, chị C. (nhân viên văn phòng tòa nhà
Thiên Sơn – Nguyễn Gia Thiều, quận 3) vẫn còn bức xúc cho biết: “Hôm trước mấy
ngày nắng nóng quá, ngày nào mình cũng đến cuối góc đường (Nguyễn Gia Thiều –
Ngô Thời Nhiệm) mua nước mía uống cho mát. Đến một lần mình phát hiện trong ly
của mình có 2 con ong ruồi và một vài con nhỏ màu trắng nhìn lúc nhúc như con giòi, rất kinh khủng. Cầm nguyên ly nước mía đem ra bắt đền, người bán hàng nhìn
nhìn rồi bảo “Ôi, không có gì đâu, ong ruồi đó mà. Cái kia chắc là xác mía,
không phải giòi đâu” và ngay lập tức “tẩu tán” luôn ly nước vào sọt rác, liền
tay ép ngay ly khác cho mình.
Đang trong tâm trạng rối bời vì ghê sợ, mình vô tình ngó vào tấm lưới lọc bên trong của chiếc máy ép thì ôi trời ơi, xác chết của ong ruồi nằm phơi ra như tắm nắng trong đó, còn có cả giòi đang bò – một hình ảnh sống động đến ghê rợn. Mình chỉ tay vào và nói cô bán hàng là sao bẩn quá. Có vẻ bối rối, cô ấy cầm luôn cây mía định chuẩn bị ép cho mình và chọt vào đám xác chết đó, đẩy chúng khuất vào sâu bên trong. Nổi hết cả da gà, mình vẫn kịp chứng kiến một vài con đã nát nhừ dưới sức đẩy của cây mía… từng dòng nước ép phía trên đổ xuống, cuốn trôi cả một vài bộ phận của mấy con ong ruồi vừa tan xác đi qua lưới lọc… Thật sự quá kinh hoàng”.
Ong ruồi luôn bu quanh các máy ép nước mía...
... Không ít con có thể bị trộn lẫn vào nước mía chảy ra.
Hiện nay, phần lớn các quán nước mía ở TP HCM đều chuyển sang sử dụng chiếc máy ép
“siêu sạch”. Cùng với đó là nỗi lo của nhiều khách hàng về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của những dòng nước mía được tạo ra từ chiếc máy ép này có thật sự "siêu sạch" như tên gọi hay không?