Mấy ngày nay, trong căn nhà trọ nhỏ bé, vẻn vẹn hơn 20m2 của chị Nguyễn Thị Hải (29 tuổi, ở ngách 17/145, phố Vĩnh Hưng, phường Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội) - vợ thượng úy Đinh Văn Dương (31 tuổi, quê ở Hà Nam), bắt đầu có lại niềm vui khi anh Dương đã tỉnh và đang hồi phục sức khỏe.
Khi biết Dương tỉnh lại và đang hồi phục sức khỏe, gia đình nhỏ của anh mấy ngày nay đã có tiếng cười.
Thượng úy Dương là chiến đấu viên Tiểu đoàn 18 đặc công, Trung đoàn 916 (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội), là chiến sĩ bị thương sống sót duy nhất trong
vụ tai nạn máy bay trực thăng ở xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội sáng ngày 7/7 vừa qua. Chị Hải - vợ anh, hiện đang công tác tại Bệnh viên Trung ương Quân đội 108.
Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Hải không giấu nổi niềm vui khi nói về tình hình sức khỏe hiện tại của chồng. Chị cho biết: “Ngày 31/10, các bác sĩ rút ống thở cho anh Dương, lúc đó anh đã có thể nói chuyện và nhận ra người nhà”.
Ảnh cưới của vợ chồng anh Dương - chị Hải.
Theo chị Hải, sức khỏe của anh Dương đang trong giai đoạn phục hồi, đã bỏ máy thở, có thể nói chuyện, ăn uống và vận động chậm. 4 tháng điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia (Hà Đông, Hà Nội), anh đã trải qua 17 lần phẫu thuật, tháo bỏ 2 khớp gối, 10 đầu ngón tay và phần da bị bỏng nặng tạm thời được ghép từ da đồng loại và màng sinh học.
Nhớ về ngày anh Dương gặp nạn, chị Hải buồn bã kể: “Ngày anh gặp nạn cũng là lúc tôi đang mang bầu cháu thứ 2 những ngày cuối, sắp đến kỳ vượt cạn. Trước khi lên chuyến bay định mệnh một ngày, tối hôm đó, 2 vợ chồng còn vui vẻ tính chuyện 10 ngày nữa sẽ đón con chào đời và ôm ấp nhiều dự định cho gia đình nhỏ của mình.
2 con đáng yêu của vợ chồng anh Dương. Bé Hải Anh (bên trái) sinh ra chỉ 2 ngày sau khi bố gặp nạn.
Nhưng sáng 7/7, tôi đang ở nhà thì nghe tin dữ báo chồng tôi cùng các đồng đội khác gặp nạn trên chiếc trực thăng Mi-171 khi đang thực hiện công tác huấn luyện dù. Nhiều người đã hy sinh, còn chồng không biết thế nào. Nghe xong tôi suy sụp hoàn toàn, vừa ôm mặt khóc, vừa bắt xe chạy đến chỗ chồng”.
Chị Hải cho biết thêm, khi biết anh Dương nằm trong số 5 người được đưa đến viện cấp cứu cũng là lúc chị chuẩn bị sinh hạ đứa con thứ 2. Do sợ tâm lý bị ảnh hưởng nên chị phải mổ sớm hơn dự kiến 1 tuần. Ngày 9/7, chỉ 2 ngày sau khi chồng gặp nạn, con trai Đinh Hải Anh chào đời trong sự thiếu vắng vòng tay của bố.
“Sau khi sinh con, tôi đau đớn vô cùng khi biết chồng đang hôn mê, đang giành giật sự sống từng ngày. Lúc ấy, tôi chỉ muốn chạy đến bệnh viện để chăm sóc cho chồng. Nhưng con còn bé quá, tôi chỉ biết nhờ cậy người thân, bác sĩ, đồng đội chăm sóc cho anh ấy. Cứ nhìn con, tôi lại ứa nước mắt nghĩ đến chồng”, chị Hải xúc động nghĩ lại.
Bé Hải Yến cười vui khi biết tin bố hồi phục.
Suốt 4 tháng kể từ ngày anh Dương gặp nạn, ngày nào cháu Đinh Hải Yến (5 tuổi, con gái anh) cũng hỏi: “Mẹ ơi, bao giờ thì bố về?”. Trò chuyện với chúng tôi, bé khoe: “Cháu mới được gặp bố, bố còn nói chuyện với cháu chứ không nằm im như mọi khi. Bố còn dặn cháu phải ngoan, học thật giỏi. Cháu chỉ mong bố mau khỏe để về nhà chơi với cháu và em”.
Bé Hải Anh được bà ngoại chăm sóc chu đáo.
Chị Hải xúc động chia sẻ, sức khỏe anh Dương tiến triển tốt như hiện nay đúng là một điều thần kỳ. Trước đó, trong quá trình điều trị, anh Dương cũng “chết đi sống lại" không biết bao nhiêu lần. “4 đồng đội được đưa vào cấp cứu cùng anh lần lượt ra đi, gia đình có lúc đã chuẩn bị tinh thần cho trường hợp xấu nhất có thể xảy đến. Nhưng nhờ sự chăm sóc tận tâm của lãnh đạo bệnh viện, các y bác sĩ Viện bỏng Quốc gia cùng sự giúp đỡ của đơn vị, đồng đội nơi anh công tác nên anh đã vượt qua cửa tử để trở về với gia đình”, chị Hải bày tỏ.
“Đứa con thứ 2 của vợ chồng tôi rất ngoan. Bố chồng tôi đã mất, còn mẹ thì già yếu. Cũng may có mọi người giúp đỡ chăm sóc sức khỏe cho anh ấy. Thương cháu, bà ngoại cũng ở đây chăm lo cho từng ly, từng tí, giúp tôi có thêm động lực để chờ ngày chồng bình phục hoàn toàn, trở về với vợ con”, đôi mắt chị Hải ánh lên niềm hy vọng.